Cây Sơ Ri Trên Đất Cù Lao
Những ngày này về thăm cù lao Chợ Mới (An Giang), dễ thấy những vườn dọc tuyến đường sơ ri trĩu trái, xanh, đỏ dọc bên vệ đường; xa xa vài chị áo vàng, áo tím nghiêng mình, hai tay thoăn thoắt hái trái cho kịp chuyến hàng chở sang Campuchia.
Nông dân huyện Chợ Mới trúng mùa và đang vào vụ thu hoạch rộ sơ ri. Đây là loại cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, đầu ra ổn định. Sơ ri là loại trái cây được thị trường rất ưa chuộng, giá thương lái thu mua tại vườn dao động từ 5.000-10.000 đồng/kg.
Với mức giá hấp dẫn đó, nhiều nông dân xứ cù lao đã tận dụng những mảnh đất gò cao, đất bạc màu, trồng lúa không hiệu quả hoặc chuyển từ vườn tạp sang trồng sơ ri. Ban đầu chỉ vài hộ trồng để bán cho khách ven đường, về sau thấy bán chạy và được thị trường ăn mạnh nên nhiều người đã mở rộng diện tích, dần tạo nên làng vườn sơ ri san sát.
Theo anh Nguyễn Văn Khôn, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình, khoảng 2 năm nay, dân phất lên nhờ trồng sơ ri thấy rõ, diện tích tăng vọt từng năm. Hiện toàn xã có 12,6 héc-ta trồng sơ ri, chủ yếu đất vườn, một số ít sử dụng đất ruộng, tập trung ở ấp An Thuận, An Thái, An Lương và An Quới.
Vườn nhiều nhất 3.000m2, ít nhất cũng 500m2; thương lái đến tận vườn thu mua, tập trung tại điểm tập kết, rồi kêu xe tải tới chở đi Campuchia, Kiên Giang. Một đội quân chở 2 giỏ lớn hơn 200kg trên xe Honda đem qua chợ Long Xuyên phân phối về các chợ nhỏ.
Theo các nông dân, sơ ri là loại cây dễ trồng, chịu được hạn, thỉnh thoảng nước ngập cũng không sao, sinh trưởng rất tốt nơi vùng đất phù sa và ít tốn công công chăm sóc. Sau 6 tháng trồng và chăm sóc là cây bắt đầu thu hoạch trái. Cứ vào khoảng tháng 3 hàng năm, cây sơ ri bắt đầu cho trái.
Sau mỗi đợt thu hoạch, tiếp tục bón phân và chăm sóc, thu hoạch đợt trái tiếp theo, kéo dài trong 10 tháng. Người thiếu thời gian chăm sóc, trồng vườn sơ ri rồi bán lá cho người khác mua chăm sóc, thu hoạch trái trong 1-2 năm. Anh Long, ấp An Thuận, cho biết: Giá thời điểm thấp nhất 3.000 đồng/kg nông dân vẫn có lời, giá hiện tại 8.000 đồng/kg nên nông dân rất phấn khởi.
Cứ nửa tháng thu hoạch 1 lần kéo dài nửa tháng. Sau đó tỉa nhánh, chờ đâm đọt lá non cùng lúc với trổ bông, bắt đầu tưới nước thường xuyên, dập phân, thuốc dưỡng vô. Người trồng lâu năm có kinh nghiệm biết kỹ thuật xử lý ra hoa đậu trái theo ý muốn, bông và trái đậu nhiều, trái lại to và bóng đẹp...
Ghé thăm vườn sơ ri của anh Huỳnh Ngọc, ấp An Thuận, anh cho biết, cách đây 6 năm, 6 công đất ruộng ngoài đê bao mần lúa 2 vụ, không hiệu quả, anh đào hầm nuôi cá, còn trên bờ trồng 60 gốc sơ ri.
Sau 6 tháng trồng ra hoa đậu trái, thu hoạch kéo dài từ 15-18 ngày, nửa tháng sau đã có đợt thu hoạch mới, cứ thế liên tục cả năm. Mỗi năm, gia đình anh thu hoạch 5-7 đợt,mỗi đợt 1-2 tấn, giá dao động từ 3.000 - 9.000 đồng/kg, lợi nhuận 30-40 triệu đồng/năm. Vợ chồng anh tích lũy nuôi 4 con bò, sắp bán cho thu nhập cũng gần 100 triệu đồng.
Theo anh Ngọc, sơ ri dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, gây giống bằng cách chiết cành, cây lớn nhanh nên rất mau cho trái. Trồng một lượt với anh Ngọc, anh Nguyễn Văn Mến, ngụ cùng ấp, không ngần ngại lấy 2 công đất làm lúa trồng 62 gốc sơ ri. Giá hiện tại 8.000 đồng/kg, thu hoạch 1 đợt 1 tấn trái, lời 6 triệu đồng. Anh Mến nói: “Nhờ sơ ri mà gia đình tôi có thu nhập ổn định quanh năm.
Ngày nào, gia đình tôi cũng hái ít nhất 50-70kg sơ ri, kiếm vài trăm ngàn đồng”. Anh Mến so sánh, 62 gốc sơ ri này mỗi năm tệ lắm thu cũng được 40 triệu đồng, mần 5 công lúa 3 vụ cũng không bằng. Gặp thời dạo này mưa nhiều thu hoạch 1,5 tấn/đợt, chứ lúc thời tiết thuận lợi năng suất gấp đôi. Mê trái sơ ri, dần dà anh trở thành lái, mỗi đợt thu mua 1-2 tấn sơ ri đem tiêu thụ cho dân trong vùng...
Ở ấp An Thuận có hơn 50 hộ trồng từ 2-3 công, như anh Mai Hải Anh cải tạo đất gò cao trồng 3 công sơ ri 80 gốc, mỗi đợt thu hoạch 1 tấn, bán cho thương lái giá 7.000 đồng/kg, trừ chi phí lời 5 triệu đồng. Còn bà Nguyễn Thị Tư không giấu giếm: “Nhờ có công việc hái sơ ri mà giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông nhàn chủ yếu là phụ nữ. Hái 1kg sơ ri được 1.000 đồng, thu nhập bình quân mỗi lao động từ 50-100 ngàn đồng/ngày”.
Hầu hết các hộ trồng sơ ri đều có thu nhập ổn định. Trồng sơ ri không sợ rớt giá, bởi cho trái quanh năm. Đặc biệt, gốc sơ ri trồng càng lâu năm thì trái càng sai. Tuy nhiên, điều trăn trở của nông dân ở đây do trồng số lượng nhiều nên dẫn tới tình trạng cạnh tranh giá lúc thu hoạch rộ và có lúc khó kiếm lao động thu hoạch trái. Trước tình trạng này nhiều nông dân trồng lâu năm có kinh nghiệm đã xử lý để thu hoạch xen kẽ, tránh để thương lái ép giá.
Sơ ri vùng cù lao là loại giống đặc sản địa phương, cần được quan tâm đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, để trái sơ ri đáp ứng được các điều kiện về chất lượng và số lượng, như: Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, độ đồng đều, kích cỡ trái đạt, có kỹ thuật đóng gói bao bì, kéo dài thời gian bảo quản... Thiết nghĩ, Nhà nước cần đầu tư hơn nữa để phát triển vùng chuyên canh sơ ri, liên kết khai thác du lịch...
Có thể bạn quan tâm
Trước tình hình đó, ông Nguyễn Văn Phong, phó Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký ban hành công văn số 803/UBND-NN ngày 18 tháng 3 năm 2014 về việc chấp thuận chủ trương phân bổ hơn 01 tỷ đồng để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mua dự phòng 30 tấn chlorine để phòng, chống dịch bệnh trên động vật thủy sản.
Theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), 6 tháng qua, kiểm tra lấy mẫu 832 mẫu thủy sản nuôi, chỉ phát hiện 4 mẫu thủy sản có dư lượng hóa chất vượt giới hạn tối đa cho phép tại khu vực Nam bộ, giảm so với năm 2013.
Trước đây cả gia đình anh Trần Văn Thắng ở khu trang trại Đầm Cói, phường Hội Hợp (Vĩnh Yên) chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, thời tiết thuận lợi được mùa thì cũng chỉ đủ ăn. Nếu chỉ trông vào mấy sào ruộng thì quanh năm chỉ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời không biết đến khi nào mới thoát nghèo.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2015, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ chuyển đổi 112.000 ha trồng lúa sang các loại cây trồng khác và đến năm 2020, tổng diện tích đất trồng lúa sẽ chuyển đổi sang các loại cây trồng khác là 204.000 ha.
Hiện, chất lượng gạo của Việt Nam kém là do cách làm ăn chụp giật của các thương lái, trộn lẫn các loại gạo cao cấp thấp cấp với nhau. Điệp khúc được mùa mất giá , nông dân bỏ ruộng vẫn tiếp diễn do các bộ, ban ngành đang bỏ mặc nông dân.