Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cây Hồ Tiêu Trên Vùng Đất Đắk Song (Đắk Nông)

Cây Hồ Tiêu Trên Vùng Đất Đắk Song (Đắk Nông)
Ngày đăng: 01/04/2014

Qua nhiều năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Đắk Song (Đắk Nông) đã định hình là vùng sản xuất hồ tiêu tập trung lớn nhất của tỉnh. Hiện tại, để cây hồ tiêu có “tên tuổi” trên thị trường trong nước và quốc tế, địa phương đang tích cực bắt tay vào việc xây dựng thương hiệu.

Hiệu quả ở Nâm N'Jang

Những ngày này, nông dân xã Nâm N’Jang đã hoàn thành việc thu hoạch hồ tiêu vụ 2013-2014. Ai cũng phấn khởi bởi năm nay, hồ tiêu không chỉ được mùa mà còn được giá.

Gia đình anh Phạm Hồng Nhật, thôn 3 có 12 ha tiêu, trong đó có 5 ha đã cho thu hoạch. Năm nay, anh thu được gần 30 tấn, với giá bán bình quân 120 nghìn đồng/kg, gia đình anh đã thu lời hàng tỷ đồng.

Anh Nhật cho biết: “Qua kinh nghiệm canh tác nhiều loại cây trồng khác nhau, tôi thấy đất đai ở đây phù hợp với cây hồ tiêu hơn cả. Tôi bắt đầu trồng tiêu cách đây hơn 5 năm.

Cây hồ tiêu cũng khá “khó tính” nên tôi cũng đã vất vả rất nhiều. Tuy nhiên, do được ngành Nông nghiệp quan tâm tập huấn kỹ thuật cộng với kinh nghiệm đúc kết qua từng năm sản xuất nên tôi đã biết cách chăm sóc tiêu khoa học. Nhờ đó, diện tích tiêu của gia đình luôn đạt năng suất khá, vườn tiêu luôn khỏe mạnh”.

Tương tự, gia đình anh Bùi Văn Cao, bản Đắk Lép cũng có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ trồng hồ tiêu. Anh Cao cho biết: “Tôi là người dân tộc phía Bắc vào đây lập nghiệp. Ban đầu, gia đình tôi chỉ biết trồng mỳ, bắp nhưng năng suất rất thấp và đất lại dễ bạc màu. Từ năm 2009, qua học hỏi kinh nghiệm trồng hồ tiêu của một số người dân trong xã, tôi bắt đầu trồng tiêu và hiện tại cũng đã có nguồn thu nhập ổn định.

Do gia đình tôi không có nhiều đất sản xuất nên trong quá trình canh tác, tôi phải chọn giống rất kỹ, bảo đảm sạch bệnh, đặc biệt không mua hoặc sử dụng lại trụ tiêu không rõ nguồn gốc, trụ tiêu chết trước đó mà chủ yếu dùng trụ bằng cây sống”.

Theo ông Nguyễn Bá Sang, Bí thư Đảng ủy xã thì trước năm 2008, toàn xã mới chỉ có 150 ha tiêu. Thời điểm đó, bà con chủ yếu trồng cà phê và một số cây trồng ngắn ngày khác như mỳ, bắp, đậu đỗ, thu nhập bình quân hàng năm chỉ đạt 8 triệu đồng/người.

Sau này, thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xã đã tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, trong đó chọn cây hồ tiêu là một trong những loại cây trồng chủ lực cần tập trung phát triển.

Theo đó, địa phương đã khuyến khích nông dân chuyển đổi một số diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp và một số vườn tạp, các diện tích trồng màu năng suất kém sang trồng hồ tiêu. Hiện tại, toàn xã đã có trên 1.600 ha tiêu, trong đó tiêu kinh doanh là trên 1.060 ha, tổng sản lượng đạt 3.500 tấn/năm.

Nhờ cây tiêu, thu nhập bình quân đầu người của xã tăng gấp 5 lần so với năm 2008, thống kê năm 2013 là 40 triệu đồng/người/năm.

Tiến tới xây dựng thương hiệu

Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện thì tuy cây hồ tiêu mới chỉ phát triển mạnh gần 10 năm nay nhưng đến thời điểm này, địa phương đã trở thành vùng sản xuất hồ tiêu lớn nhất của tỉnh cả về diện tích và sản lượng.

Qua thực tế sản xuất nhiều năm cho thấy, cây hồ tiêu khá phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng, năng suất đạt cao so với nhiều địa phương khác, bình quân 3-4 tấn/ha, có nơi 5-6 tấn/ha, thậm chí có gia đình còn thâm canh đạt 8 tấn/ha, hồ tiêu có hạt lớn và mùi thơm đặc trưng. Kết quả đó đã giúp nông dân ở đây không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu, tạo điều kiện góp phần thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới.

Hiện tại, để cây hồ tiêu phát triển bền vững, tăng thêm chuỗi giá trị, khẳng định chất lượng, vị thế trên thị trường, huyện đã thành lập Hội hồ tiêu Đắk Song, tạo tiền đề cho việc xây dựng thương hiệu hồ tiêu Đắk Song-Đắk Nông.

Ông Lê Hoàng Vinh, Chủ tịch Hội hồ tiêu Đắk Song-Đắk Nông cho biết: “Ngoài việc phối hợp với các ban, huyện đã thực hiện các chính sách hỗ trợ hội viên về khoa học, kỹ thuật, tài chính, tín dụng, miễn giảm thuế... giúp hội viên ổn định phát triển sản xuất, kinh doanh. Hội sẽ chủ động cùng các đơn vị chức năng tổ chức các hội thảo, giới thiệu quảng bá tiềm năng, chất lượng hồ tiêu Đắk Song-Đắk Nông ra toàn quốc”.

Còn theo ông Nguyễn Hữu Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện thì để xây dựng thương hiệu cho cây hồ tiêu, địa phương cũng đã tổ chức các đoàn đi học tập kinh nghiệm một số nơi đã từng xây dựng thương hiệu trước đó và đang xúc tiến thực hiện một số giải pháp để xây dựng nhãn hiệu hồ tiêu Đắk Song-Đắk Nông.

Có thể nói, với diện tích trên 2.500 ha, mỗi năm sản xuất gần 6.000 tấn tiêu khô thì việc xây dựng thương hiệu cho hồ tiêu Đắk Song là rất cần thiết. Nếu thành công, đây sẽ là thương hiệu hồ tiêu thứ hai tại khu vực Tây Nguyên.


Có thể bạn quan tâm

Trồng rau nhút kiếm 300 triệu đồng/năm Trồng rau nhút kiếm 300 triệu đồng/năm

Rau nhút còn có tên rau rút đang được trồng phổ biến ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, cây mọc nổi trên mặt nước nên phát triển rất nhanh.

08/07/2017
Thu tiền tỷ nhờ trồng cây trái kết hợp du lịch sinh thái Thu tiền tỷ nhờ trồng cây trái kết hợp du lịch sinh thái

ông Lê Minh Tâm, 47 tuổi đã tự tìm hướng phát triển kinh tế cho riêng mình bằng việc trồng dâu bòn bon và gia bảo kết hợp với du lịch sinh thái.

11/07/2017
Cho ổi Cho ổi "chung nhà" với mãng cầu xiêm, mỗi năm đút túi hơn 300 triệu

Trồng chung ổi lê Đài Loan với mãng cầu xiêm trên cùng diện tích, cụ thể lấy ổi nuôi mãng cầu xiêm, chàng thanh niên 32 tuổi đã thu về hiệu quả kinh tế cao

12/07/2017
Ngỡ ngàng mô hình trồng chuối Xiêm kiếm tiền tỷ Ngỡ ngàng mô hình trồng chuối Xiêm kiếm tiền tỷ

Hộ nông dân chuyên trồng chuối. Do chủ động liên kết được với thương lái mua gom chuối ở tỉnh Thái Nguyên, anh Thi luôn có lợi nhuận cao.

13/07/2017
Nuôi tôm công nghệ cao lót bạt, lãi 2 tỷ đồng/năm Nuôi tôm công nghệ cao lót bạt, lãi 2 tỷ đồng/năm

Sau khi có chủ trương của nhà nước cho phép chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh.

13/07/2017