Cây độc, con lạ cá hường vện
Ông Tư Lềnh khoe con cá hường vện quý hiếm được nuôi trên sông Vàm Cỏ Đông
Một tay chơi cá cảnh tại Tây Ninh nói:
“Nhiều người săn lùng cá hường vện vì loài cá này đẹp và hiếm vô cùng do có nguy cơ tuyệt chủng.
Giá có khi lên đến cả ngàn USD, hiện chỉ còn rất ít hộ nuôi theo dọc dòng sông Vàm Cỏ Đông”.
Theo hướng dẫn của người này, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Lềnh (ấp Nam Bến Sỏi, xã Thành Long, H.Châu Thành, Tây Ninh).
Trong căn chòi lá tạm bợ nằm sát mép sông Vàm Cỏ Đông, ông Lềnh kể: “Vào khoảng năm 1998, người ta bắt đầu phát hiện cá hường vện xuất hiện dày đặc trên sông Vàm Cỏ Đông, kéo dài từ xã Phước Vinh, H.Châu Thành sang các H.Gò Dầu, Bến Cầu, đến tận Long An.
Ghe tàu đi đánh bắt dày đặc.
Khoảng năm 2005 thì không còn tìm thấy loài cá này nữa”.
Đến năm 2010, nghe có tin phát hiện cá hường vện bên phía Campuchia, ông Lềnh lặn lội qua tận nước bạn tìm mua được một số con giống rồi mang về Việt Nam nuôi.
Nhưng đến nay dù làm đủ mọi cách, loài cá này vẫn không thể sinh sản được.
Hôm chúng tôi đến, cầm con cá hường vện cỡ 2 ngón tay, ông Lềnh giải thích: “Cá hường vện “xịn” thì sọc phải chuẩn, không lem, đuôi hình chữ V, ôm hầu.
Những con cá như vậy dù giá có cao “trên trời” cũng không đủ bán cho dân mua”.
Ngoài ông Lềnh, ở Tây Ninh còn có hộ ông Nguyễn Văn Mạnh (xã Phước Trạch, H.Gò Dầu) hiện cũng nuôi khoảng 100 con cá hường vện, giống đưa về từ Campuchia.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Văn Khải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Tây Ninh, cho biết ghi nhận của ngành thủy sản đến nay loài cá hường vện vẫn chưa có người nuôi nào cho sinh sản thành công, trong khi ngoài môi trường sông rạch gần như tuyệt chủng.
Từ đó, loài cá này có giá trị rất cao và còn rất ít người nuôi do nước sông không ổn định, thường xuyên ô nhiễm.
“Trước đây, loài cá này xuất hiện nhiều nhưng do bị đánh bắt tràn lan, không kiểm soát; đồng thời nước sông bị ô nhiễm nên không còn tìm thấy trên sông tại Tây Ninh”, ông Khải nói.
Khi được hỏi về giá trị, ông Khải xác định có thông tin loài cá này giá từ vài triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng/con.
Trước nguy cơ tuyệt chủng, cá hường vện được đưa vào Sách đỏ Việt Nam từ năm 1992 để được bảo vệ.
“Trước đây Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 đã cử cán bộ xuống tìm hiểu mua giống cá này về nghiên cứu nhưng do không thỏa thuận được giá cả nên hiện vẫn chưa nghiên cứu, lai tạo được”, ông Khải nói thêm.
Theo danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển (Ban hành kèm theo Quyết định 82 ngày 17.7.2008 của Bộ NN-PTNT), hường vện cũng là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao, cần được bảo vệ.
Related news
Ở Đồng Nai, chỉ có vùng đất Bàu Sậy giáp suối Ba, suối Lầy ở các xã Gia Kiệm, Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất) mới trồng được rau cần nước nõn nà, ăn vừa giòn vừa thơm. Cần nước vùng này trở thành loại rau đặc sản được nhiều thương lái các tỉnh, thành phía Nam đặt mua.
Khai thác lợi thế đất đồi rộng, thuận lợi cho việc chăn nuôi gà thả vườn, những năm qua các hộ dân thôn Tân Yên (xã Hồng Thái Đông - Quảng Ninh) đã tích cực áp dụng mô hình trang trại, gia trại trồng cây ăn quả, trồng rừng, kết hợp chăn gà thả vườn.
Sâu hồng còn được gọi là sâu đục trái bưởi đang trở thành dịch lan rộng trên nhiều diện tích trồng bưởi của tỉnh trong hơn một năm qua. Sâu tấn công mạnh vào thời kỳ bưởi bắt đầu thu hoạch. Hiện chưa có thuốc đặc trị, công tác phòng là chính. Bà con trồng bưởi nhận xét: Bệnh nấm hồng, thối rễ, xì mủ thân cây, vàng lá gân xanh, vàng bạc Greening cũng không đáng sợ bằng con sâu hồng…
Số liệu từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2013 đạt gần 2,9 tỷ USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Vị Thủy kết hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Hậu Giang vừa tiến hành giao 20 con heo giống cho 10 hộ dân ở xã Vị Thanh để thực hiện Dự án chăn nuôi heo sinh sản hướng nạc đảm bảo vệ sinh môi trường.