Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cây Chôm Chôm - Hướng Đi Mới Nhiều Triển Vọng Cho Vùng Đất Khó

Cây Chôm Chôm - Hướng Đi Mới Nhiều Triển Vọng Cho Vùng Đất Khó
Ngày đăng: 17/06/2013

Cây chôm chôm là loại cây ăn quả được trồng nhiều ở miền Nam nước ta; là loại cây ưa chuộng đất thịt pha cát hay pha sét, tầng canh tác dày, giàu dinh dưỡng và thoát nước tốt; thích hợp với những nơi có điều kiện khí hậu nóng ẩm, lượng mưa phân bố hằng năm khoảng 2.000mm…

Trong những năm gần đây, Tây Nguyên cũng được xem là địa bàn thích hợp với chôm chôm. Những giống chôm chôm ghép đã được các nhà vườn trồng thử nghiệm bước đầu cho thấy giá trị kinh tế cao của loại cây ăn trái này. Đặc biệt đối với vùng đất có khí hậu khắc nghiệt, khô nóng như huyện Ea Súp (Dak Lak), cây chôm chôm bước đầu đã đem lại hiệu quả.

Hiện nay, chôm chôm được người dân trồng rải rác ở các địa bàn trong huyện. Trong đó địa bàn trồng chôm chôm với diện tích lớn chủ yếu tập trung ở các khu vực có thuận lợi nguồn nước tưới như: thôn 4, thị trấn Ea Súp; thôn 6 và 7 xã Ea Bung…

Gia đình bà Nguyễn Thị Loan là một trong những hộ trồng nhiều chôm chôm tại thôn 4, thị trấn Ea Súp cho biết: Gia đình bà hiện nay đã trồng được 20 cây chôm chôm ghép trên diện tích 2000 m2; trong đó có 10 cây có tuổi đời 10 năm đang trong thời kỳ kinh doanh. Hằng năm, chôm chôm cho thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 9 dương lịch; mỗi cây trung bình thu hoạch được khoảng 150 kg/mùa. Với giá thị trường giao động khoảng 20.000 đồng/kg, tính ra tổng thu nhập trung bình hằng năm của 10 cây là khoảng 30 triệu đồng/năm. Trừ chi phí đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu và công chăm sóc còn lãi khoảng 20 triệu đồng/năm.

Hiện tại các giống chôm chôm thường được người dân lựa chọn là các giống chôm chôm ghép Java, chôm chôm nhãn (trái ráp) và chôm chôm của Thái Lan. Khi vào vụ thu hoạch, chôm chôm được thương lái đến tận vườn mua trực tiếp, sau đó được đem tiêu thụ ngay tại các chợ trên địa bàn huyện nên trái rất tươi ngon. Do đó được người dùng rất ưa chuộng và bán được giá hơn so với chôm chôm đem từ nơi khác đến. Một điều đặc biệt là có thể do điều kiện thổ nhưỡng tác động, chôm chôm trên địa bàn huyện thường ra trái sớm hơn, trái chín ngọt hơn so với một số nơi khác nên khi bán, thu hoạch vào đầu vụ thường được giá rất cao.

Nắm bắt được nhu cầu thiết thực của bà con nông dân, các cơ sở bán cây giống trên địa bàn huyện đã liên kết với các nhà vườn ở miền Nam và các cơ sở sản xuất cây giống chất lượng cao đem các loại giống chôm chôm ghép về bán tại địa phương; đồng thời, tư vấn kỹ thuật cho người dân dưới nhiều hình thức như: tư vấn trực tiếp hoặc phát tờ rơi về kỹ thuật trồng, chăm sóc… nên bước đầu tạo nhiều thuận lợi cho bà con nông dân trong khâu chọn giống và cách chăm sóc chôm chôm.

Anh Lê Xuân Hạnh, chủ trại cây giống Xuân Hùng (trước cổng chợ huyện Ea Súp) cho biết: Từ đầu mùa mưa đến nay cơ sở cây giống của anh đã tiêu thụ được hơn 2.000 cây giống chôm chôm ghép chất lượng cao. Đặc biệt, có nhiều hộ nông dân tìm đến cơ sở của anh để mua giống với số lượng hàng trăm cây để trồng với quy mô lớn.

Từ những tiền đề trên, trong thời gian không xa chắc chắn sẽ hứa hẹn những vựa chôm chôm cho thu hoạch với quy mô lớn tại huyện biên giới còn nhiều khó khăn như Ea Súp. Tuy nhiên, bên cạnh đó, rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan hữu quan trong việc tư vấn, bổ trợ kiến thức sản xuất cho người nông dân, tìm đầu ra cho sản phẩm khi sản xuất quy mô lớn để tránh được hệ lụy thường xảy ra trong sản xuất nông nghiệp là “được mùa rớt giá”. Có như thế, cây chôm chôm trên đất Ea Súp mới phát triển bền vững, góp phần nâng cao đời sống cho bà con nông dân nơi đây.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu quả từ chăn nuôi heo bằng thức ăn ủ men vi sinh hoạt tính Hiệu quả từ chăn nuôi heo bằng thức ăn ủ men vi sinh hoạt tính

Trong chăn nuôi heo, thức ăn chiếm 70 - 80% chi phí đầu tư. Do đó việc sử dụng nguồn thức ăn hợp lý vừa đáp ứng nhu cầu dưỡng chất các loại heo ở giai đoạn khác nhau để cho sức sản xuất tối đa vừa bảo đảm chi phí thấp nhất nhằm tạo lợi nhuận cao nhất luôn là trăn trở của các nhà chăn nuôi. Gia đình ông Phùng Văn Bộ, ở ấp Tà Hách, xã An Phú, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước không ngoại lệ.

08/08/2015
Viettel tặng 30 con bò giống cho hộ nghèo Viettel tặng 30 con bò giống cho hộ nghèo

Ngày 5.8, trong khuôn khổ Chương trình “Chung tay vì cộng đồng” tỉnh Quảng Ngãi, Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), chi nhánh Quảng Ngãi phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, UBND các huyện Ba Tơ, Minh Long tổ chức trao tặng bò giống cho hộ nghèo.

08/08/2015
Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nhãn Sông Mã (Sơn La) Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nhãn Sông Mã (Sơn La)

Từ lâu, nhãn Sông Mã đã là một sản vật có thương hiệu trên thị trường, từ thập kỷ 50, 60 của thế kỷ trước, theo tiếng gọi của Đảng đi xây dựng kinh tế miền núi, những người dân Hưng Yên đã mang giống nhãn lồng lên trồng tại mảnh đất này.

08/08/2015
Công nghệ sau thu hoạch nhu cầu bức thiết Công nghệ sau thu hoạch nhu cầu bức thiết

Với diện tích vườn cây ăn trái trên 25.348ha, Đồng Tháp sở hữu một vùng nguyên liệu lớn với nhiều loại trái cây đặc sản được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Tuy nhiên hiện nay, do chưa phát triển đồng bộ về công nghệ bảo quản sau thu hoạch, đóng gói, chế biến... nên phần lớn trái cây của Đồng Tháp chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa, chưa tạo được giá trị kinh tế cao.

08/08/2015
Thủ Thừa (Long An) phát triển hơn 59ha thanh long Thủ Thừa (Long An) phát triển hơn 59ha thanh long

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân, những năm gần đây, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An đã xây dựng mô hình thí điểm trồng thanh long tại ấp 3, xã Tân Thành.

08/08/2015