Cây Cà Phê Tây Nguyên Khát Nước
Ở một mức độ nhất định, nắng hạn còn giúp cây cà phê phân hóa mầm hoa và ra hoa đồng loạt, nâng cao năng suất. Nhưng diễn biến như gần đây cho thấy, hạn mùa khô ngày càng gay gắt…
Chi phí tưới tăng nhiều lần
Những ngày này, người dân tỉnh Đăk Lăk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung đang vào cao điểm mùa tưới cho cây cà phê. Tuy nhiên, mực nước ở các hồ chứa giảm mạnh so với cùng thời điểm ở các năm trước. Nước trên các sông, suối xuống thấp hơn 1 mét so với trung bình nhiều năm.
Nguy cơ hạn hán là rất lớn, đe dọa hàng trăm ngàn hecta cây trồng, mà nghiêm trọng hơn là có thể gây ra tình trạng sụt giảm sản lượng đáng kể, ảnh hưởng trực tiếp đến kim ngạch xuất khẩu của ngành cà phê Việt Nam.
Chị H’Đak Knul (đồng bào Ê-đê) ở Buôn Kram, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin (Đăk Lăk) đang ứng dụng mô hình sản xuất cà phê sạch, chia sẻ: Sản xuất cà phê sạch giúp mình không gặp khó khăn trong phát triển vườn cây cà phê, tăng chất lượng, năng suất cao hơn từ 1-2 tấn nhân/ha, cây kháng được sâu bệnh, giá bán cao hơn từ 250 đồng/kg trở lên.
Nhưng, thiếu nước chắc chắn làm tăng chi phí sản xuất, tác động trực tiếp đến đời sống của người trồng cà phê và thu nhập của hàng trăm DN, nông trường trồng, chăm sóc cà phê trên địa bàn Tây Nguyên. Chính vì vậy, tình hình khô hạn đang khiến người trồng cà phê rất lo lắng.
Ông Nguyễn Văn Tám ở cùng địa phương tính toán, mỗi đợt tưới, chi phí cho một hecta cà phê hết trên 4 triệu đồng, chưa kể tiền nhân công tưới nước. Thời tiết bình thường, người nông dân chỉ mất 2 đợt tưới cho mỗi niên vụ, còn nếu khô hạn phải tưới 4 đến 5 đợt.
Điều này đồng nghĩa với việc kéo theo chi phí tăng lên gấp 2-3 lần. Những niên vụ như thế, người nông dân không những bị lỗ mà ảnh hướng đến “sức khỏe” của vườn cây trong những năm tiếp theo. Thậm chí, có vườn cây chết hàng loạt, người trồng trắng tay.
Ông Tám lo ngại nói: Chưa khi nào khó khăn về nguồn nước tưới như hiện nay. Dù mới chỉ tưới xong đợt 1, chuẩn bị bước sang tưới đợt 2, nhưng hầu hết các giếng nước trong khu vực xuống thấp cả mét. Nguồn nước ngầm giảm, còn các sông, suối lại xa rẫy cà phê hàng kilômét nên càng thêm lo. Thiếu nước sẽ kéo theo mất mùa là chắc chắn.
So với năm 2006, mực nước ngầm ở Tây Nguyên đã giảm từ 3 đến 5 mét. Vì vậy, tại thời điểm này các tỉnh Tây Nguyên chỉ đáp ứng được gần 70% lượng nước tưới cho diện tích cây trồng.
Tính toán rõ hơn về mức độ tăng chi phí, ông Phan Xuân Thắng, Giám đốc Công ty Cà phê Việt Đức cho biết, với hơn 1.100 ha cà phê của DN đang trồng và chăm sóc, thời tiết thuận lợi DN chỉ cần tưới 2 đợt cho mỗi niên vụ thì tốn khoảng 11 tỷ đồng cho việc tưới nước.
Nếu thời tiết khô hạn, cần phải tưới 3 đến 4 đợt/niên vụ thì chi phí tăng gấp đôi lên đến trên 22 tỷ đồng, thậm chí còn cao hơn. Theo ông Thắng, yếu tố thời tiết rất quan trọng đối với các DN trồng cà phê. DN làm ăn có lãi hay thua lỗ cũng do yếu tố này quyết định.
Đối với các DN trồng và chăm sóc cà phê trên địa bàn Tây Nguyên, thời gian qua họ đã phải đối mặt với tình hình thị trường cà phê trong nước và thế giới giá đều sụt giảm mạnh. Điều này tác động không nhỏ đến các DN. Sau Tết Nguyên đán, giá cà phê bắt đầu phục hồi, đứng ở mức gần 40.000 đồng/kg, khiến các DN và người trồng cà phê phấn khởi. Thế nhưng, chưa kịp vui thì họ đã đón nhận những tín hiệu bất thường về thời tiết.
Trăm thứ khó hóa giải
Ông Cao Văn Tứ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Pốk, một trong những DN có diện tích cà phê lớn trên địa bàn Tây Nguyên cho hay: Hiện DN đang trồng và chăm sóc đến 780 ha cà phê, với trên 580 lao động làm việc tại các nông trường, trong đó có 383 lao động người Ê-đê. Dự báo năm 2014, cả khu vực Tây Nguyên đối mặt với nắng hạn khiến DN đứng ngồi không yên.
Bởi cà phê là loại cây rất cần nước, thời tiết khô hạn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng, doanh thu của DN và tác động trực tiếp đến hàng trăm lao động đang ngày đêm chăm sóc vườn cà phê chờ đến ngày thu hoạch.
Ông Tứ cho rằng, nếu mức khô hạn năm 2014 như mùa khô năm vừa rồi thì công sức, tiền bạc người dân đổ ra cho việc tưới cà phê tăng cao, trong khi đó năng suất cà phê khó đảm bảo. Thậm chí, ông Tứ lo nguy cơ cạn kiệt nguồn nước đang tới gần. Niên vụ 2013-2014, cây cà phê ở Tây Nguyên giảm khoảng 25% năng suất vì khô hạn. Với tình hình như hiện nay, mức thiệt hại có thể lớn hơn, gây thêm nhiều khó khăn cho DN và người nông dân.
Để ứng phó với thời tiết khô hạn, ông Phan Xuân Thắng khẳng định: DN quyết tâm thực hiện tiết kiệm mọi chi phí, tập trung nguồn vốn để kịp thời trang trải chi phí tưới nước cho vườn cây. Không những tiết kiệm tiền mà cả tiết kiệm nguồn nước. Nếu không, thiếu nước sẽ gây hậu quả rất khó lường, thậm chí thiệt hại vườn cây mà DN đã bỏ hàng trăm tỷ đồng đầu tư.
Theo các chuyên gia, nắng hạn mùa khô là điều tất yếu xảy ra ở Tây Nguyên. Ở một mức độ nhất định, nắng hạn còn giúp cây cà phê phân hóa mầm hoa và ra hoa đồng loạt, nâng cao năng suất. Nhưng diễn biến như gần đây cho thấy, hạn mùa khô ngày càng gay gắt, do tốc độ suy giảm rừng nhanh, do biến đổi khí hậu và do chính tập quán canh tác của người trồng cà phê. Điều đó tác động trực tiếp đến sản lượng cà phê và người trồng sẽ bị thiệt hại đáng kể nhất.
Trước những bất thường của thời tiết, ngành nông nghiệp tỉnh Đăk Lăk đã đưa ra giải pháp để hạn chế những thiệt hại đối với cây cà phê do sự tác động của biến đổi khí hậu, mà cụ thể tình trạng thiếu nguồn nước tưới, nắng hạn kéo dài. Theo đó, giải pháp khả thi nhất là nông dân đồng loạt tưới tiết kiệm và áp dụng các biện pháp canh tác tích cực.
Bình thường, nông dân vẫn tưới cà phê 650 lít/gốc/lần tưới nhưng ở các điểm trình diễn của ngành nông nghiệp, chỉ cần 450 lít/gốc/lần tưới mà sau 25 ngày độ ẩm tầng đất 30 cm không thay đổi. Như vậy, áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm, mỗi hecta (khoảng 1.000 cây cà phê) sẽ tiết kiệm được hàng trăm mét khối nước, giảm thiểu chi phí.
Biện pháp thứ hai, thiết lập lại hệ thống đai rừng và cây che bóng cũng là giải pháp để tiết kiệm nước. Nhưng xem ra, hiện nay các giải pháp này đều chưa phát huy hiệu quả, bởi thói quen canh tác nên bà con nông dân chưa áp dụng.
Rõ ràng, việc thiếu nguồn nước cho các loại cây trồng đang đặt ra những thách thức lớn cho cả chính quyền và người dân sản xuất nông nghiệp tại các địa phương Tây Nguyên.
Ông Y Dhăm Enuôl, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk:
Đưa cà phê vào diện ưu tiên nguồn nước
Trước thực tế và dự báo về diễn biến thời tiết phức tạp trong năm nay, UBND tỉnh Đăk Lăk đã chỉ đạo các địa phương có giải pháp tăng cường nguồn nước tưới cho các loại cây trồng, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán; rà soát diện tích cây trồng cần tưới và cân đối nguồn nước hiện có để bố trí ưu tiên nguồn nước.
Quan điểm là ưu tiên nước sinh hoạt, nước phục vụ chăn nuôi và tưới cho cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu... Tùy theo từng khu vực cụ thể, thực hiện các giải pháp thiết thực và hiệu quả nhất trong công tác chống hạn; Tận dụng nước ngầm bơm tưới cứu cây cà phê hoặc khi cân đối không đủ nước thì có phương án tưới cầm chừng giữ cho toàn bộ diện tích cà phê không bị chết để chăm sóc khôi phục sản xuất vụ sau.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa):
Cần hỗ trợ người trồng cà phê
Mặc dù giá tăng nhưng thực tế xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm lại giảm mạnh về lượng so với cùng kỳ, giá bán cũng chưa đạt mức cao. Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố cho thấy, lũy kế xuất khẩu cà phê 2 tháng đầu năm 2014 ước đạt 279 nghìn tấn và 519 triệu USD, giảm 13,7% về khối lượng và giảm 23,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.
Tính bình quân giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam từ đầu năm tới nay vẫn giảm nhẹ khoảng 7-8% so với cùng kỳ.
Vicofa sẽ kiến nghị với Chính phủ có các chính sách hỗ trợ cho người nông dân về lãi suất khi vay vốn trồng và trữ cà phê. Trước mắt, Vicofa sẽ kêu gọi các DN hạ giá thuê kho giữ cà phê cho người nông dân.
Ông Nguyễn Văn Xuân, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đăk Lăk:
Triển khai nhiều biện pháp cấp nước
Đến giữa tháng 3/2014, Đăk Lăk có 2.008 ha cây trồng bị hạn, trong đó có 1.309 ha lúa, 282 ha ngô và 417 ha cà phê. Diện tích bị hạn tập trung ở các huyện Krông Ana, Krông Bông, Cư M’gar, Ea Kar, Ea Súp, Ea H’leo, M’Drak, Buôn Đôn...
Nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng nắng nóng kéo dài, mực nước trên các sông, suối, ao, hồ và mức nước ngầm xuống nhanh, không đủ tưới cho cây trồng.
Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có đề nghị các địa phương tăng cường rà soát, triển khai phương án phòng, chống hạn bảo vệ sản xuất;
Thực hiện đắp các đập trên suối để nâng cao mực nước, đào sâu các kênh, lạch dẫn nước từ sông vào cánh đồng, phát dọn, nạo vét kênh mương, khơi sâu và đào thêm giếng để khai thác nước ngầm, huy động các loại bơm hiện có và dự kiến đặt một số trạm bơm dã chiến để bơm tưới;
Triển khai biện pháp điều tiết nước hợp lý, thực hiện nghiêm lịch tưới luân phiên, tưới nước tiết kiệm, thường xuyên kiểm tra các hồ, đập, trạm bơm, kịp thời khắc phục, sửa chữa các hư hỏng gây thất thoát nước tại các công trình thủy lợi, chống lãng phí nước...
Có thể bạn quan tâm
Ông Võ Văn Theo, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Tân, cho biết: "Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Vĩnh Long về việc lập lại trật tự trong hoạt động xuất khẩu khoai lang sang thị trường nước ngoài, từ ngày 5-8-2013, việc lập lại trật tự trong mua bán khoai lang bước đầu đã có chuyển biến tích cực.
Hiện nông dân ở các huyện Thạnh Hoá, Tân Thạnh và Mộc Hoá (tỉnh Long An) đã thu hoạch xong hơn 4.300 ha khoai mỡ của vụ hè thu năm nay trước khi lũ đổ về, năng suất đạt từ 15-16 tấn/ha, tăng gần 20% so với năm trước.
Với diện tích gần 8.000m2 đất lúa, gia đình anh Nguyễn Văn Song (ấp Hà Đức, xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) áp dụng khoa học- kỹ thuật, giảm chi phí sản xuất, nên lợi nhuận mang lại khá cao, đời sống gia đình luôn đủ ăn, khấm khá dần lên.
Do ảnh hưởng của 2 cơn bão số 5, 6 kết hợp lũ lớn lâu ngày đã làm cho hàng chục ha nuôi trồng thủy sản vùng ngoài đê của huyện Yên Phong (Bắc Ninh) bị ngập lụt. Nhiều nông dân vốn là chủ của những trang trại với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm bỗng chốc trắng tay do diện tích nuôi trồng thủy sản, cây trồng chuẩn bị đến ngày thu hoạch bị chìm trong nước lũ.
Nhờ mở rộng mô hình nuôi cá bổi công nghiệp mà thời gian qua, nhiều người có việc làm ổn định, tăng thêm thu nhập phát triển kinh tế gia đình. Trung bình mỗi ha nuôi cá bổi công nghiệp có sản lượng từ 12 đến 20 tấn.