Cau tươi được giá
Sự “lên ngôi” đột ngột của cau quả làm không ít người buôn ở địa phương trở tay không kịp, buộc phải cho dân buôn ở các tỉnh Bắc miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình… thuê cơ sở nhà xưởng để sơ chế cau quả xuất khẩu.
Điều đặc biệt là mặt hàng cau quả luộc và sấy khô xuất khẩu luôn cung không đủ cầu. Đầu tháng 8, giá cau quả tươi ở mức 12 nghìn đồng, sau đó tăng lên 15 nghìn đồng và hiện nay trên 22 nghìn đồng/kg.
Một chủ vườn cau ở Tiên Phước cho biết, năm nay cau quả tươi giá cao ngất trời. Nhiều người buôn đến vườn nhìn ngó, thỏa thuận giá cả xong xuôi rồi họ tự trèo lên bẻ, có ký có tiền. Mỗi cây cau có 4 - 5 buồng, mỗi buồng chừng 7 - 10kg. Với giá bán hiện nay, mỗi cây cau đem lại cho bà con nông dân khoảng 800 nghìn đồng. Vì sao mặt hàng cau quả luộc sấy khô lại có giá như vậy?
Câu hỏi ấy của tôi, được anh X. quê ngoài Bắc vào thuê lại nhà xưởng sơ chế cau quả ở thôn Phái Đông (thị trấn Tiên Kỳ, Tiên Phước) giải đáp: trước đây, mặt hàng này chỉ xuất sang Trung Quốc. Mua nhiều hay mua ít, giá cả ra sao, do họ quyết định. Còn năm nay, có thêm thị trường mới là Ấn Độ. Nhờ Trung Quốc và Ấn Độ cùng cạnh tranh mua mặt hàng cau quả luộc sấy khô nên giá cả mới tăng cao.
Một cơ sở mua cau ở Tiên Phước.
Lên Tiên Phước vào những ngày này, tôi bắt gặp nhiều dân buôn chạy xe máy vào các xóm thôn tìm mua cau quả tươi về các đại lý bán lại lấy lời. Trò chuyện, tôi được biết sau một ngày chịu khó rúc xóm trèo bẻ cau, họ kiếm được ba, bốn trăm ngàn đồng.
Ở Tiên Phước có hai xã trồng nhiều cau nhất là Tiên Mỹ và Tiên Lãnh. Hai nơi này, có hộ trồng 400 - 500 cây cau.
Năm nay, cau quả được mùa được giá, nhiều gia đình thu nhập khá. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít gia đình tiếc hùi hụi vì lỡ chặt phá vườn cau do thiếu sự kiên nhẫn chờ thời! Như ông K. ở xã Tiên Lộc chẳng hạn. Ông không chần chừ do dự khi triệt hạ cả vườn cau trong mùa hè vừa qua để lấy đất trồng sắn khoai.
Bây giờ cau quả có giá, nhẩm ra ông mất gần năm, sáu chục triệu đồng. “Đúng là ở đời, không ai đoán biết trước được chuyện gì có thể xảy ra…” - ông K. cười.
Buôn cau quả nhiều năm nhưng không ít cơ sở sơ chế cau quả ở Tiên Phước đành bỏ cuộc trong mùa thu hoạch cau quả tươi năm nay. Anh N. ở cạnh ngã ba bà Xù (thôn Phái Đông) chẳng hạn. Giá cau quả tươi tăng lên từng ngày khiến anh không thể xoay xở đâu ra vốn để kinh doanh.
Thêm nữa, việc sơ chế bằng cách dùng than đá đốt lò khói bay mù mịt, lại có mùi nồng hắc gây ô nhiễm môi trường sống của cộng đồng dân cư. Thay đổi “công nghệ” luộc sấy bằng lò điện như dân buôn ở các tỉnh Bắc miền Trung vào thực hiện, lại cần phải có vốn liếng kha khá để đầu tư. Tính tới tính lui, anh thấy không đủ lực nên đành bỏ cuộc.
Cau quả tươi được giá đang là đề tài thời sự của bà con nông dân Tiên Phước. Tôi về thăm, mẹ tôi cũng đem chuyện cau quả tươi ra nói rồi cười: “Tau có mười mấy cây cau trồng để ăn trầu, ai hay mấy người buôn tới nhà nài nỉ, bán cũng được hơn triệu bạc”.
Có thể bạn quan tâm
Sau thời gian tạm lắng kể từ vụ khoai lang năm 2012, hiện nhiều nông dân trồng khoai ở Bình Tân (Vĩnh Long) lại điêu đứng nạn sâu “lạ” đục củ tấn công trở lại, làm giảm năng suất và giá cả.
Báo Hải Phòng số ra ngày 10-10, có bài “Huyện An Dương (Hải Phòng): Nhiều diện tích trồng cà chua chết không rõ nguyên nhân”. Ngay sau khi báo đăng, Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp- PTNT tìm hiểu nguyên nhân và có giải pháp hướng dẫn nông dân khắc phục tình trạng này.
Hội Nông dân huyện Châu Đức đã phối hợp với Hội Hồ tiêu tỉnh BR - VT xây dựng mô hình trình diễn sản xuất tiêu sạch theo tiêu chuẩn VietGap tại 4 xã: Bàu Chinh, Sơn Bình, Láng Lớn và Quảng Thành. Theo Hội Hồ tiêu tỉnh, đây là một trong những bước chuẩn bị tiếp đón Hiệp Hội hồ tiêu thế giới đến khảo sát, đánh giá về tình hình sản xuất và chất lượng sản phẩm hồ tiêu trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê của Cục Trồng trọt, vụ mùa 2014 vùng duyên hải Nam Trung bộ - Tây Nguyên mặc dù điều kiện khí hậu diễn biến phức tạp, tuy nhiên năng suất trồng trọt tại khu vực này đạt cao nhất từ trước đến nay, đặc biệt là cây lúa. Theo đó, năng suất lúa bình quân toàn vùng đạt 63,1 tạ/ha, cao hơn năm trước 3,5 tạ/ha; sản lượng đạt 1,66 triệu tấn, tăng gần 142.000 tấn.
Rút kinh nghiệm từ những thiệt hại ở các năm trước, năm nay nông dân hạn chế "ngâm" mì ở những vùng trũng. Vì vậy, mới bước vào mùa mưa, bà con gấp gáp thu hoạch mì ở những vùng thấp bán cho nhà máy. Bên cạnh đó, phía nhà máy cũng tạo điều kiện thuận lợi để nông dân bán sản phẩm của mình, thu lại tiền đầu tư và công sức sau bao ngày nhọc nhằn canh tác.