Cần Phát Huy Thế Mạnh Cây Chè Và Thảo Quả Ở Thượng Sơn

Nhắc đến xã Thượng Sơn (Vị Xuyên) chắc hẳn ai cũng biết tới đặc sản nổi tiếng chè Shan tuyết Thượng Sơn với hương vị ngon rất riêng của vùng núi cao Tây Côn Lĩnh.
Ngoài ra, xã còn có diện tích lớn cây thảo quả, mỗi năm mang về cho người dân thu nhập hàng chục triệu đồng. Thế nhưng, tại vùng đất nhiều tiềm năng ấy, cuộc sống người dân lại rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm hơn 50% tổng số hộ dân toàn xã.
Vào thời gian này, nhân dân xã Thượng Sơn đang bận rộn thu hoạch cây thảo quả và cây chè. Năm nay nhờ thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh và có sự chăm sóc của người dân nên cây chè phát triển mạnh cho búp chè tươi năng suất và chất lượng vượt trội.
Cây chè năm nay giá bán cao gấp đôi so với năm trước, mỗi kg chè tươi người dân bán với giá 10.000 đến 12.000 đồng, nhiều hộ dân còn dự trữ gần 1 tạ chè khô chất lượng. Xã Thượng Sơn có diện tích chè 1.069 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch 800 ha, sản lượng đạt 1.440 tấn chè búp tươi, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng cho người dân trong xã. Bên cạnh đó, toàn xã có diện tích thảo quả thu hoạch 180 ha tập trung ở 7 thôn có vị trí địa lý cao nhất, cho năng suất đạt 7 tạ/ ha.
Những năm trước, thảo quả tươi bán với giá 25.000 đồng/1kg, năm nay do nhu cầu thị trường nên giá cao hơn, gần 30.000 đồng/1kg. Hiện tại cây thảo quả đang trong mùa thu hoạch, tại các thôn Bó Đướt, Năm Am, Đán Khao và những thôn khác trung bình mỗi gia đình có tới 5 tạ đến 6 tạ thảo quả tươi, có nhiều hộ thu hoạch hơn 1 tấn. Đối với các sản phẩm này, thương lái bên ngoài vào các thôn, bản đến tận các hộ dân để mua nên người dân đỡ vất vả trong quá trình bán.
Do đó, cả hai mặt hàng cây chủ lực từ chè và cây thảo quả năm nay đều mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra sản lượng 333,2 tấn trên diện tích 60,8 ha cây lúa trong vụ Xuân vừa qua luôn cung cấp đầy đủ nhu cầu lương thực cho người dân.
Nông nghiệp cho thu nhập đáng kể, thế nhưng tỷ lệ hộ nghèo của xã Thượng Sơn còn rất cao, chỉ riêng hộ nghèo đã chiếm 51,6% so với 1.039 hộ dân của toàn xã. Trao đổi về vấn đề này, anh Lý Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã cho biết: mặc dù công tác XĐGN vẫn được chính quyền xã cùng các Hội, đoàn thể để tăng cường triển khai vận động người dân tăng gia sản xuất, phát triển mô hình chăn nuôi nhưng vẫn chưa phát huy hiệu quả do nhiều vấn đề, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do người dân sống rải rác rất khó vận động người dân tăng gia sản xuất, mấy năm trước thiệt hại do thiên tai lũ lụt dẫn đến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, những hộ dân có diện tích cây thảo quả sống ở núi cao, đường đi lại khó khăn mặc dù sản lượng chè và thảo quả nhiều nhưng mấy năm trước mức thu nhập do các nông sản chưa cao, chưa mang lại hiệu quả nhiều trong phát triển kinh tế. Năm nay, do nhu cầu thị trường chè và thảo quả đều bán được giá cao hơn mấy năm trước, đời sống người dân cũng được cải thiện.
Trong thời gian qua, cấp ủy và chính quyền xã cũng quán triệt kiểm soát việc thu mua các mặt hàng nông sản, vận động người dân nên bán chè và thảo quả cho các cơ sở uy tín thu mua đúng giá thị trường, tạo nên tính cạnh tranh trong việc thu mua các mặt hàng của người dân.
Thường xuyên làm công tác tuyên truyền người dân về việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong hái chè tươi và chăn nuôi từ đó nhiều mô hình nuôi trâu nhốt được hình thành và phát triển tốt.
Qua đó, không còn tình trạng các đàn gia súc thả rông trên các đồi chè nữa. Anh Sinh nói thêm: với tình hình thị trường tiêu thụ như vậy, đến cuối năm nay xã sẽ cố gắng giảm số hộ nghèo xuống còn 45%.
Tuy là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Vị Xuyên, điều kiện còn khó khăn trong khi các nguồn kinh phí hỗ trợ để phát triển kinh tế còn hạn chế, nhưng ngược lại xã Thượng Sơn có nhiều lợi thề tiềm lực để phát triển kinh tế. Cho nên các cấp chính quyền cần phải phát huy những tiềm lực sẵn có, hỗ trợ phát triển kinh tế có định hướng không chỉ để XĐGN mà còn ổn định cuộc sống cho người dân tại xứ chè Shan tuyết này.
Có thể bạn quan tâm

Chăn nuôi heo trên nền đệm lót sinh học là mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ sinh học của vi sinh vật sống trong đệm lót nền chuồng để xử lý chất thải của vật nuôi, cải thiện môi trường chăn nuôi, có tác dụng làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường chuồng nuôi, đồng thời vật nuôi có môi trường tự nhiên để vận động, giúp đàn heo ăn nhanh chóng lớn, tỷ lệ mắc bệnh tiêu hóa và hô hấp giảm. Qua mô hình cũng giúp tiết kiệm một phần chi phí sản xuất.

Điều gì làm cho một tỉnh nằm ở cực Nam Trung Bộ được mệnh danh là xứ sở “thừa nắng” trở thành trung tâm sản xuất tôm giống của cả nước? Câu trả lời đơn giản là tỉnh ta đã khai thác được lợi thế vùng tiểu khí hậu đặc trưng nắng ấm quanh năm để sản xuất tôm giống mà nhiều nơi khác không sánh kịp.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong năm qua khu vực đồng bằng sông Cửu Long có 102 cơ sở sản xuất cá tra giống, với sản lượng từ 25 - 28 tỉ con cá tra bột. Các địa phương có nhiều cơ sở sản xuất giống cá tra bột như Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ và Tiền Giang.

Đến hết năm 2014, diện tích mặt nước, ao nuôi thủy sản toàn tỉnh đã đạt 1.875 ha, tăng 59 ha so với năm 2013, thủy sản Lào Cai không chỉ cung cấp cho thị trường trong tỉnh mà còn mở rộng ra một số địa phương lân cận như Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái... Cùng với mở rộng diện tích, người nuôi thủy sản đã chú trọng chuyển đổi hình thức nuôi quảng canh sang nuôi bán thâm canh, thâm canh...

Hiện nay, cua xanh thương phẩm được coi là đối tượng nuôi mang lại hiệu quả. Những năm gần đây, bà con vùng nuôi trồng thủy sản xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên đã đưa vào nuôi bằng hình thức nuôi đơn hoặc nuôi ghép đối tượng khác, đem lại hiệu quả khá cao.