Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cân nhắc nhân rộng mô hình trồng chùm ngây

Cân nhắc nhân rộng mô hình trồng chùm ngây
Ngày đăng: 02/05/2015

Chùm ngây vốn là loài cây mọc hoang, có tên khoa học là Moringaoleifera, thân gỗ, phân bố rải rác ở hầu hết các địa phương nhưng tập trung nhiều ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Trước đây, cây chùm ngây được dùng chủ yếu làm dược liệu. Cách đây khoảng năm năm, khi thông tin dinh dưỡng của loài cây này được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, lá và hoa của cây chùm ngây được sử dụng làm thực phẩm và được bán với giá thành cao, cây chùm ngây được nhân giống và trồng ở nhiều nơi.

Chúng tôi đến vườn rau hữu cơ Tuệ Viên (Công ty TNHH Thương mại và Ðầu tư Việt Liên, Hà Nội) đúng lúc những người nông dân ở đây đang thu hoạch lứa rau đầu mùa. Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thương mại và Ðầu tư Việt Liên (Hà Nội) Nguyễn Thị Phương Liên cho biết: Tháng tư đến tháng sáu là thời kỳ thu hoạch chính vụ của cây chùm ngây.

Trung bình một năm, mỗi cây rau trưởng thành cho từ ba đến năm kg lá tươi. Giá bán lá chùm ngây tại các vườn dao động từ 70 đến 100 nghìn đồng/kg. Như vậy, một cây chùm ngây mỗi năm cho thu nhập khoảng ba trăm nghìn đồng. Với hơn một ha chùm ngây (khoảng bảy đến tám nghìn cây), mỗi năm cho thu hoạch cả tỷ đồng.

Theo cách tính của các chủ vườn thì chùm ngây cho giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, trên thực tế chùm ngây là loại thực phẩm còn mới mẻ, lại bán với giá thành cao, không phải cơ sở nào khi đầu tư vào trồng cây chùm ngây cũng có thể bảo đảm được đầu ra cho sản phẩm. Ngay tại vườn rau hữu cơ Tuệ Viên, mặc dù có sự liên kết từ trước đó với hệ thống cửa hàng phân phối rau, nhưng khó khăn lắm đơn vị này mới có thể tiêu thụ hết sản phẩm của mình.

Ðiều lo ngại, khi nghe thông tin về giá trị kinh tế của cây chùm ngây, tại nhiều địa phương, người dân đã vội vàng mở rộng diện tích. Hậu quả, đến thời kỳ thu hoạch, sản phẩm làm ra không biết bán cho ai.

Bà Nguyễn Thị Phương Liên chia sẻ: Năm trước, thời kỳ chính vụ có ngày tôi nhận được rất nhiều cuộc điện thoại của người dân ở các tỉnh: Vĩnh Phúc, Thái Bình, Bắc Ninh... than vãn về việc sản phẩm làm ra, không có thị trường tiêu thụ. Nhiều người chở cả xe rau đến chỗ chúng tôi bắt vạ. Có người còn "dọa" nếu chúng tôi không thu mua sẽ chặt cả vườn chùm ngây.

Mặc dù ngay từ lúc cung cấp hạt giống, chúng tôi đã nói rõ là không thu mua lại sản phẩm và khuyến cáo người dân phải thận trọng trong việc sử dụng cây chùm ngây làm cây phát triển kinh tế khi chưa có thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, trước những "đồn thổi" về giá trị kinh tế của cây chùm ngây, người dân ở nhiều nơi vẫn "đua" nhau trồng.

Nếu cứ tiếp tục trồng tràn lan như hiện nay, tôi lo sợ cây chùm ngây sẽ bị "tẩy chay", điều này rất đáng tiếc. Bởi lẽ, chùm ngây là loại cây giàu dinh dưỡng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) coi chùm ngây như một loại thực phẩm cứu tinh cho người nghèo.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, lá và hoa chùm ngây là hai bộ phận chứa lượng vi-ta-min C cao gấp bảy lần lượng vi-ta-min C có trong quả cam; gấp bốn lần vi-ta-min A có trong cà rốt; gấp bốn lần lượng can-xi và hai lần lượng prô-tê-in của sữa; hơn ba lần lượng po-ta-si-um, ka-li của chuối...

Rễ, thân, lá, hoa của chùm ngây đều có tác dụng rất tốt cho con người, khi được chế biến thành các món ăn sẽ có tác dụng kích thích tiêu hóa, lợi tiểu, trị sỏi thận, thấp khớp, cổ trướng, kích thích tim và tuần hoàn. Ngoài ra, vỏ cây chùm ngây còn được dùng làm thuốc trị xơ tuyến tiền liệt, chống mệt mỏi...

Ở nhiều nước trên thế giới, cây chùm ngây rất được coi trọng. Chẳng hạn như ở Phi-li-pin, Ma-lai-xi-a cây chùm ngây được sử dụng để nấu cà-ri, làm trà. Ở Ấn Ðộ, chùm ngây được chế xuất thành bột làm thực phẩm chức năng... Tuy nhiên, tại Việt Nam, cây chùm ngây còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường trong nước.

Hiện nay, ý tưởng sản xuất ra các sản phẩm tinh chế chiết xuất từ chùm ngây, kết hợp với các loại thực phẩm khác để xuất khẩu ra nước ngoài đã hình thành ở một số nơi. Tuy nhiên, theo ông Thái Tuấn phụ trách dự án phát triển cây chùm ngây của Công ty TNHH Nông Sinh (Hà Nội), dự án trồng chùm ngây của Công ty TNHH Nông Sinh mới chỉ trồng thử nghiệm, "thăm dò" thị trường. Việc đưa cây chùm ngây trở thành một mặt hàng xuất khẩu không phải là việc dễ dàng bởi kinh phí đầu tư hệ thống máy móc phục vụ sản xuất tương đối lớn.

Trong thời gian chờ đàm phán với phía đối tác, Công ty TNHH Nông Sinh mới chỉ dùng nguyên liệu của đơn vị chứ chưa tiến hành thu mua từ bên ngoài. Khi cây chùm ngây chưa tìm được đầu ra ổn định, người nông dân cần tỉnh táo, cân nhắc việc trồng với diện tích lớn để tránh rủi ro.


Có thể bạn quan tâm

Giá Điều Đầu Vụ Sẽ Cao Giá Điều Đầu Vụ Sẽ Cao

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh Bình Phước hiện còn khoảng 134.506 ha điều (giảm 36.630 ha so với năm 2007). Trong đó, diện tích sản xuất có hiệu quả chỉ chiếm 40 - 50%, là những vườn được trồng giống mới năng suất cao, trồng trên vùng đất tốt.

29/12/2014
Nông Dân Sản Xuất Lúa Giống Nông Dân Sản Xuất Lúa Giống

Sản xuất lúa giống không chỉ còn là chuyện của các nhà chuyên môn, mà đã trở thành “sinh kế” cho những nông dân chân đất ở Tịnh Trà (Sơn Tịnh - Quảng Ngãi). Liên kết với HTX dịch vụ nông nghiệp - nông thôn Tịnh Trà để cùng làm ra những hạt lúa giống chất lượng, mang lại hiệu quả cao, tuy nhiên, người nông dân và HTX vẫn gặp khó, khi sản phẩm khó có thể bán đại trà ra thị trường…

29/12/2014
Năng Suất Mía Nguyên Liệu Đạt 61 Tấn/ha Năng Suất Mía Nguyên Liệu Đạt 61 Tấn/ha

Ngoài ra, huyện chỉ đạo các xã, lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý mía nguyên liệu, không để bán ra ngoài vùng... Đến ngày 18 – 12, trên địa bàn huyện thu hoạch được 730 ha, năng suất bình quân 61 tấn/ha; riêng vùng đồi xã Thành Vân và một số xã ven sông Bưởi..., năng suất mía nguyên liệu đạt 80 đến 85 tấn/ha.

29/12/2014
Năm Nay Hộ Trồng Gừng Thắng Lớn Năm Nay Hộ Trồng Gừng Thắng Lớn

Hiện gừng có giá 20.000đ/kg. Được biết năm nay lũ nhỏ, nông hộ không bán chạy gừng non như các năm khác, nên giá không giảm thấp. Nhiều hộ neo gừng lại đến tết bán. Với giá gừng hiện nay, một công gừng nếu chăm sóc tốt cho thu nhập khoảng 42.500.000đ.

29/12/2014
Cà Rốt Đầu Vụ Mất Giá Cà Rốt Đầu Vụ Mất Giá

Hiện ngành nông nghiệp huyện chỉ đạo nông dân tích cực chăm sóc rau màu bảo đảm sản lượng và chất lượng thực phẩm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2015. Cùng với ngô, đậu tương, cà rốt là cây rau màu truyền thống của Gia Bình, đem lại giá trị kinh tế cao cho các hộ sản xuất, hàng năm, sản lượng cà rốt trên địa bàn huyện đạt gần 15.000 tấn.

29/12/2014