Cần Đánh Thức Nguồn Lợi Tôm Càng Xanh

Tôm càng xanh là loài thủy sản không xa lạ với người dân Cà Mau. Từ khi chuyển dịch từ trồng lúa sang nuôi tôm sú, con tôm càng xanh ít được người dân chú trọng. Những năm gần đây, khi nguồn lợi ngoài tự nhiên cạn kiệt, nông dân bắt đầu nuôi đối tượng "mới" này. Thế nhưng, hình thức nuôi chủ yếu vẫn là bắt con giống ngoài tự nhiên.
Triển vọng một mô hình
Thời gian qua, con tôm càng xanh hầu như biến mất ở Cà Mau khi độ mặn ngày càng tăng do sự thay đổi của thời tiết. Sau nhiều năm con tôm sú “lên ngôi” trên vùng ngọt hóa của các huyện Thới Bình, Trần Văn Thời, U Minh... môi trường nuôi ngày càng xấu đi, dinh dưỡng trong môi trường tự nhiên thấp nên dịch bệnh thường xuyên xảy ra.
Nạn tôm chết kéo dài làm cho nông dân ngày càng ý thức hơn trong việc tìm các đối tượng nuôi thích hợp với sự thay đổi của môi trường. Và con tôm càng xanh là một đối tượng nuôi đầy triển vọng trên vùng đất nuôi kết hợp tôm - lúa của vùng nước lợ và ngọt hóa.
Ông Nguyễn Văn Khoái, ấp Trương Thoại, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, là người mê con tôm càng từ 2 đến 3 năm nay. Do vào mùa mưa ông bắt tôm càng cỡ nhỏ từ con sông trước nhà thả vào vuông nuôi rất hiệu quả. Thế nhưng 3 năm qua, ông không tìm mua được con giống để thả nuôi.
Ông cho biết: "Đây là một trong những mô hình nuôi kết hợp với tôm sú trên ruộng lúa mang lại hiệu quả cao. Nhưng do tôm càng là đối tượng mới, người nông dân chưa mạnh dạn đầu tư. Tôi tiên phong đi đầu để cho bà con nông dân như tôi thấy đối tượng tôm càng này được nuôi trên ruộng lúa cho hiệu quả kinh tế khá cao".
Nếu mô hình lúa - tôm thời gian qua đã khẳng định tính hiệu quả thì đối tượng tôm càng xanh kết hợp với trồng lúa sẽ bền vững hơn. Đó là do trong quá trình nuôi, con tôm càng không xảy ra dịch bệnh, không cần cho ăn và có thể nuôi cùng với tôm sú mà không bị ảnh hưởng dịch bệnh từ tôm sú.
Ông Phạm Văn Triệu, cùng ấp Trương Thoại, khi tham quan mô hình của ông Khoái, nói: "Tôi thấy mê quá, nhất định nuôi tôm càng này vào vụ lúa năm nay. Mô hình của anh Khoái cho thu hoạch trên 100 triệu đồng, cả 3 đối tượng: tôm càng xanh, tôm sú và lúa. Hiện tại trong xã này chỉ có 2 người tiên phong nuôi theo mô hình này".
Sau 6 tháng thả nuôi với 40 ngàn con tôm giống càng xanh xen canh với tôm sú và trồng một vụ lúa, mỗi tháng ông Khoái đặt lú thu hoạch tôm sú từ 4 - 5 triệu đồng; 17 công lúa, mỗi công thu hoạch 27 giạ lúa khô. Chỉ tính 2 đối tượng này ông thu về trên 60 triệu đồng. Khi tôm càng xanh được 6 tháng, ông tiến hành tát nước thu hoạch được gần 500 kg. Giá tôm càng của ông bán dao động từ 70 - 170 ngàn đồng/kg, trừ chi phí con giống 8 triệu đồng, ông còn lãi trên 50 triệu đồng. Là người đi đầu trong mô hình nuôi cua xen với tôm sú, giờ đây ông Khoái cũng đi đầu về mô hình nuôi tôm càng trên ruộng lúa cho năng suất cao ở huyện Thới Bình.
Dễ dàng nhân rộng
Ông Khoái cho biết thêm: "Thật sự tôi rất mê con tôm càng nhưng không tìm được con giống. Rất may là gần đây tại Cà Mau có Công ty Giống thủy sản Phụng Hiệp chuyên cung cấp tôm càng giống giúp cho bà con chúng tôi có con giống thả nuôi.
Ngoài ra, Công ty Giống thủy sản Phụng Hiệp còn hướng dẫn kỹ thuật nuôi, hỗ trợ tiền con giống đến 3 tháng, khi nào tôi thấy nuôi có hiệu quả, thấy được con tôm càng lớn lên trong ruộng nuôi thì mới trả tiền".
Do tôm càng không vào lú nên người nuôi tôm sú chung với tôm càng dễ dàng thu hoạch tôm sú mà không ảnh hưởng đến tôm càng. Khi đến thời điểm 6 tháng nuôi thì có thể tát cạn nước thu hoạch rất dễ dàng.
Anh Lê Minh Tài, ấp Trương Thoại, với diện tích 15 công tầm lớn anh thả 20 ngàn con tôm càng giống thu hoạch 200 kg tôm thịt, lãi trên 20 triệu đồng; thu hoạch lúa gần 30 triệu đồng. Anh phấn khởi nói: "Mô hình này rất thành công. Vụ tới, tôi nuôi với mật độ dày hơn, đồng thời tôi cho ăn dặm. Vụ này tôi thả 2 con/m2, vụ tới tôi sẽ thả 5 con/m2, chắc chắn sẽ cho hiệu quả cao hơn".
Kỹ sư Hồ Sơn Lăm, cán bộ khuyến nông - khuyến ngư xã Trí Phải, huyện Thới Bình, cho biết: "Vừa qua, Phòng Nông nghiệp huyện đã chọn đánh giá 20 hộ nuôi đối tượng tôm càng này kết hợp với trồng lúa thuộc đề án tôm - lúa của tỉnh. Kết quả bình quân lúa đạt 25 giạ/công, tôm càng đạt từ 80 kg/ha trở lên. Huyện sẽ nhân rộng mô hình này trong thời gian tới".
Được biết, nông dân chỉ đầu tư 40%, số còn lại Phòng NN&PTNT huyện hỗ trợ 40% lúa giống, tôm càng giống, 20% vật tư nông nghiệp và thức ăn cho tôm nuôi. Diện tích thả nuôi mỗi hộ là 1 ha với 15 ngàn con tôm càng giống. Hiện nông dân đang thu hoạch trung bình tôm đạt trọng lượng 15 con/kg.
Có thể bạn quan tâm

Cá tra đã thay thế cá ngừ đóng hộp trở thành loài cá được ưa chuộng nhất tại Hà Lan. Theo Ban Tiếp thị Thủy sản Hà Lan, năm 2011 nước này tiêu thụ 5.500 tấn cá tra NK từ Việt Nam, tăng so với 4.600 tấn năm 2010.

Ngắm toàn cảnh khu trang trại nuôi tôm hiện đại, bề thế rộng hàng chục ha nơi cửa biển vùng biên ải Móng Cái, nhiều người không khỏi thán phục tâm huyết, công sức của người chủ nhân.

Từ một sự tình cờ, gấc đến với bà con hai thôn Thạch Bồ, Bắc An (xã Hoà Tiến, Hoà Vang - Đà Nẵng). Tuy nhiên, chính sự tình cờ đó lại là cơ hội đổi đời cho nhiều hộ dân nơi đây. Họ đã giàu lên nhờ gấc.

Beta Agonist là chất dùng để tăng trọng, kích nạc cho thịt lợn, nhưng có thể dẫn đến khả năng gây ung thư cho người tiêu dùng. Vì thế, Beta Agonist đã bị cấm sử dụng cách đây hơn 10 năm. Thế nên, việc một lượng lớn thịt lợn chứa chất tạo nạc Beta Agonist vừa bị phát hiện tại một số tỉnh phía Nam, đã khiến người tiêu dùng lo lắng. Trên thị trường miền Bắc, lượng thịt tiêu thụ đã giảm đi đáng kể chỉ trong vòng 1 tuần qua.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây năm 2004, đáng ra anh phải chọn một công việc phù hợp trên con đường tiến thân. Nhưng với Lã Hữu Thương ở xóm Nam Hòa, xã Xuất Hóa, Lạc Sơn (Hòa Bình) lại chọn con đường về quê lập nghiệp xây dựng trang trại lợn rừng.