Cần có thêm cửa hàng rau an toàn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh
Chăm sóc cà tím được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP tại HTX RAT Long Mỹ, Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh.
Những ngày qua, cửa hàng rau an toàn (RAT) đầu tiên của tỉnh Tây Ninh được mở để phục vụ nhu cầu sử dụng sản phẩm rau sạch của người dân.
Thực tế đối với các HTX trồng rau sạch (VietGAP) ở thành phố Tây Ninh và huyện Hoà Thành thì mới chỉ là tín hiệu ban đầu có vẻ “đáng mừng”, còn hiện tại thì nhiều hộ nông dân trồng rau sạch vẫn loay hoay tìm thị trường để không phải chịu cảnh thương lái ép giá.
Ông Nguyễn Văn Thạnh- Uỷ viên Thường vụ Hội Nông dân phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh kiêm phụ trách Tổ liên kết sản xuất rau VietGAP Ninh Phúc cho biết, mặc dù trong tỉnh đã xuất hiện một cửa hàng tiêu thụ RAT, qua đó vừa hỗ trợ đầu ra sản phẩm RAT, vừa hướng người tiêu dùng có thói quen sử dụng RAT.
Thế nhưng, chỉ với một cửa hàng thì vẫn chưa giải quyết được gì nhiều, hiện nay hầu hết người trồng RAT tại Tổ sản xuất rau VietGAP Ninh Phúc vẫn phải “tự bơi” tìm đầu ra cho sản phẩm.
Do đó chưa thể quyết định về giá cả hàng hoá mình sản xuất ra mà vẫn phụ thuộc vào thương lái.
Tổ liên kết sản xuất Ninh Phúc có diện tích 2,76 ha với 10 hộ tham gia sản xuất RAT.
Bình quân mỗi ngày tổ cho ra thị trường khoảng 200 - 300kg RAT các loại.
Trong khi đó, cửa hàng RAT chỉ tiêu thụ mỗi loại khoảng 10kg, lại không thường xuyên- 1 ngày lấy rau 4 ngày nghỉ.
Do số lượng RAT cửa hàng nhận tiêu thụ quá ít ỏi, nhiều nông dân không “mặn” lắm với việc cung cấp rau sạch cho cửa hàng.
Mặt khác, rau đưa vào cửa hàng phải qua quy trình kiểm tra nghiêm ngặt về dư lượng thuốc trừ sâu, trong khi số lượng mua chưa đến 10% số sản xuất ra, nên cho dù giá thu mua có cao hơn khá nhiều so với giá thương lái mua, nông dân vẫn không phấn khởi.
Theo ông Thạnh, để thật sự hỗ trợ đầu ra cho người trồng RAT, ngành chức năng phải vận động mở thêm nhiều cửa hàng RAT nữa.
Và đặc biệt là cửa hàng RAT và người trồng rau phải “ngồi lại với nhau” để có kế hoạch sản xuất, tiêu thụ lâu dài.
Theo đó, người nông dân trồng các loại rau theo yêu cầu của cửa hàng, bảo đảm số lượng cung cấp; ngược lại, phía cửa hàng RAT phải bao tiêu sản phẩm mà người trồng rau sản xuất ra theo kế hoạch đã thống nhất với giá cao hơn rau sản xuất đại trà.
Còn ở HTX RAT Long Mỹ (xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành, có diện tích 7 ha, gồm 23 thành viên) thì ông chủ nhiệm Lâm Thanh Bình cho biết, do muốn người tiêu dùng quen dần với việc sử dụng RAT, HTX sẵn sàng chấp nhận cung ứng số lượng RAT ít ỏi cho cửa hàng (mỗi ngày khoảng 3kg dưa leo, 3kg bí đao, cao nhất là khoảng 10kg mỗi loại), với giá cả không cao hơn so với thị trường chung.
Ông Bình mong trong thời gian tới, cùng với các ngành chức năng trong tỉnh, các doanh nghiệp sẽ tích cực tìm đầu ra cho RAT ở thị trường trong và ngoài tỉnh, để người sản xuất yên tâm phát triển RAT bền vững. Trước mắt, để sản phẩm RAT đến tay người dân, HTX RAT Long Mỹ có chủ trương xin ý kiến UBND huyện Hoà Thành mở gian hàng RAT tại cửa 7- Trung tâm thương mại Long Hoa.
Có như vậy HTX sẽ chủ động hơn trong việc đưa RAT tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng.
Hiện UBND huyện Hoà Thành đang xem xét chủ trương này của HTX.
Tương tự, Tổ liên kết sản xuất Ninh Phúc cũng đã có chủ trương xin UBND thành phố Tây Ninh xem xét cho mở một cửa hàng RAT tại chợ phường IV, thành phố Tây Ninh để trực tiếp bán sản phẩm cho người tiêu dùng.
Hiện nay, UBND Thành phố đang xem xét.
Với nỗ lực trong việc tìm “đầu ra” bằng cách mở cửa hàng để RAT trực tiếp tiếp cận với người tiêu dùng, hy vọng trong thời gian tới, người trồng RAT trong tỉnh sẽ có chỗ tiêu thụ sản phẩm để hướng tới việc cung cấp rau sạch, an toàn rộng rãi đến người dân.
Có thể bạn quan tâm

Để giải quyết thực trạng rau an toàn (RAT) sản xuất ra không có nơi tiêu thụ, trong khi đó, người tiêu dùng lại không biết mua RAT ở đâu, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức các hoạt động liên kết giữa người sản xuất với người tiêu dùng (NTD) và DN. Hy vọng, với cách làm này, sẽ giải quyết được những tồn tại để mở lối ra cho RAT.

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành tổ chức trao giấy chứng nhận VietGAP cho câu lạc bộ (CLB) nuôi trồng thủy sản số 2 xã Tân Nhuận Đông.

Do vậy, ông Nam đề nghị, Nhà nước, các doanh nghiệp, các cơ quan phải đồng lòng, có liên kết nhiều và chủ động hơn trong việc có thêm nguồn tư liệu và những hình ảnh truyền thông mạnh mẽ hơn thông qua những bạn hàng, đối tác để đưa những thông điệp trung thực, chất lượng đến với người tiêu dùng.

Trong đó có 9 cơ sở nuôi cá tra thương phẩm (69ha) được chứng nhận GlobalGAP/ASC, 2 cơ sở sản xuất giống cá tra được chứng nhận GlobalGAP (diện tích 6,3 ha), 3 cơ sở nuôi cá tra thương phẩm (8,4ha) được chứng nhận VietGAP, và 1 cơ sở nuôi cá tra thương phẩm (3ha) được chứng nhận BMP.

Ao nuôi nên có vị trí thuận lợi cho việc cấp và thoát nước, vị trí ao nuôi phải có điện và gần đường giao thông để thuận tiện cho việc vận chuyển con giống, thức ăn và sản phẩm tôm. Ao nuôi nên có diện tích từ 2.000 - 4.000 m2, hình chữ nhật, chiều dài gấp 1,5 - 2 lần chiều rộng để thuận tiện cho việc chăm sóc.