Khá nhờ nuôi cá lồng
Nuôi cá lồng trên sông Đại Giang ở thôn Hòa Phong xuất hiện từ lâu. Khoảng 3 năm về trước, mô hình này còn manh mún, nhỏ lẻ nên thu nhập không cao. Nhưng mấy năm trở lại đây, thấy lợi ích kinh tế, 72 hộ dân thôn Hòa Phong mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô nuôi. Đến nay, số lồng nuôi của bà con tăng lên 270 lồng.
Ông Võ Đợi, Trưởng thôn Hòa Phong cho biết: “Mô hình nuôi cá lồng xuất hiện ở Hòa Phong từ nhiều năm về trước. Lúc đó, mỗi gia đình nuôi một, hai lồng cải thiện bữa ăn hằng ngày. Đến năm 2007, toàn thôn có gần 100 lồng. Và kể từ thời điểm đó, người dân đầu tư nuôi cá lồng nhiều hơn. Hiện, toàn thôn Hòa Phong có tổng cộng 270 lồng, có 80% hộ dân trong thôn nuôi cá”.
Khi tiếp xúc với nhiều hộ dân nơi đây, ai cũng bảo rằng, bên cạnh làm nông, nhờ nuôi cá lồng mà đời sống họ ngày càng nâng cao, có của ăn của để, nhiều gia đình còn xây được nhà cửa, nuôi con ăn học. Chỉ tay về hướng hai ngôi nhà vừa mới xây, ông Võ Xuân (71 tuổi) nói: “Gia đình tui thuộc vào những hộ nuôi cá lồng đầu tiên ở đây.
Nhiều năm trước đầu tư nuôi rất ít. Gần đây, tui cùng mấy đứa con quyết định đầu tư thêm lồng nuôi. Tui già yếu chỉ nuôi 3 lồng, còn hai đứa con nuôi 10 lồng, loại cá nuôi chủ yếu là cá trắm và mè. Bình quân mỗi lồng thu về 5 đến 7 triệu đồng. Nhờ rứa mà xây được nhà cửa, cho con cái ăn học đàng hoàng”.
Cũng như nhiều nơi khác, ngoài yếu tố chuyên môn, cái khó của những hộ dân nuôi cá lồng ở Thủy Tân chính là từ nguồn thức ăn và diễn biến phức tạp của thời tiết. “Tui đầu tư nuôi 4 lồng cá, nếu thuận trời thì nuôi cá lồng không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho người dân mà đây còn là một hướng làm giàu.
Tuy nhiên, khí hậu bất thường, nguồn thức ăn tự nhiên cho cá dần bị thu hẹp nên người dân gặp khó khăn. Vì vậy, thay vì mỗi năm thu hoạch một lần thì nhiều hộ để đến hai năm hoặc lâu hơn mới thu hoạch để đạt hiệu quả cao hơn”, anh Võ Văn Luyến (30 tuổi) cho hay.
Gần đây, ngoài những loại cá lồng truyền thống, như cá trắm cỏ, cá mè, cá diêu hồng, thát lát được nhiều bà con đưa vào nuôi mang lại hiệu quả không kém các loại cá khác. Ông Đợi chia sẻ: “Thu nhập chính của gia đình tui cũng từ 13 lồng cá.
Ý thức được những khó khăn về nguồn thức ăn cho các loại cá truyền thống, tui cùng nhiều bà con đầu tư nuôi nhiều loại cá mới, như diêu hồng, lóc, thát lát. So với trắm cỏ, nuôi các loại cá khác cũng mang lại thu nhập khá cao, trung bình từ 4 đến 5 triệu/lồng”.
Ông Ngô Phước Hảo, cán bộ phòng Kinh tế thị xã Hương Thủy cho biết: “Thị xã Hương Thủy là một trong những địa phương có diện tích thả nuôi cá nước ngọt có hiệu quả nhất tỉnh. Bên cạnh mô hình lúa - cá, nuôi cá lồng ở Thủy Tân luôn đạt hiệu quả cao và duy trì ổn định trong nhiều năm.
Ngoài việc hỗ trợ nguồn giống cho bà con, hàng năm chúng tôi thường có cán bộ chuyên giúp đỡ cho bà con về mặt kĩ thuật để mô hình này phát triển mạnh hơn nữa”.
Có thể bạn quan tâm
Trồng 1 ha lúa đầu tư lên tới 13 triệu đồng nhưng thu hoạch chỉ được khoảng 24 triệu đồng. Trong khi đó, trồng củ ấu, vốn bỏ ra khoảng 10 triệu đồng/ha nhưng doanh thu có thể lên tới 60-70 triệu đồng.
Quả thanh mai (quả Dâu rừng), có mặt trên thị trường đã lâu nhưng hè năm nay, thanh mai được bày bán phổ biến và được người tiêu dùng ưa chuộng nên giá loại khá cao.
Dù được kỳ vọng góp phần cứu vớt cho xuất khẩu ngành nông lâm thủy sản đang trong thế suy giảm xuất khẩu do giá thế giới giảm, tiêu thụ khó khăn nhưng nhiều chính sách liên quan đến con tôm và cá tra đang gây khó cho doanh nghiệp.
Hồng Công sẽ áp dụng lệnh cấm nhập khẩu gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm nguồn gốc từ VN do lo ngại dịch cúm gia cầm (H5N1 và H5N6).
300 đồng/kg muối - với mức giá này, chưa bao giờ muối ở miền Trung lại rớt giá thê thảm như lúc này.