Ngư dân Bình Định đã phát hiện ra cách câu và đánh bắt cá ngừ đại dương mới mà mỗi chuyến biển đạt trên 100 con là “chuyện thường ngày.”
Thời gian mỗi chuyến biến được rút ngắn từ hàng tháng trời xuống dưới 15 ngày, thu nhập tăng gấp 3 lần. Hàng ngàn tàu cá ở Bình Định đang chuyển sang nghề câu tay và lưới rút để đánh bắt cá ngừ đại dương.
Làng biển được mùa
Tại cảng cá Tam Quan Bắc, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) nhộn nhịp chưa từng có. Hàng ngàn tàu cá hối hả ra vào, mỗi tàu thuyền cập bến đánh bắt được từ 100 - 140 con cá ngừ đại dương (cân nặng trung bình từ 50 - 70 kg/con). Theo anh Phạm Văn Chung, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, chưa bao giờ ngư dân huyện Hoài Nhơn trúng đậm cá ngừ đại dương như 2 tháng qua. Ngư dân làm ăn khấm khá, tàu thuyền cập bến có thu nhập 700 - 800 triệu đồng mỗi “lèo” (chuyến) biển là bình thường. Khi chúng tôi đến cảng cá Tam Quan Bắc, thuyền ông Võ Thành Long vừa cập bến bán được 800 triệu đồng.
Anh Nguyễn Thanh Hải, Trạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản huyện Hoài Nhơn, nói: “Sản lượng cá ngừ đại dương tăng chưa từng có trong vòng 2 tháng qua. Ban đầu Trạm không nắm bắt được tình hình nên đã “bỏ sót”, sau khi phát hiện lượng cá ngừ đại dương tăng nhanh thì sản lượng cá tính được hơn 2.600 tấn. Đó là chưa kể hàng loạt tàu thuyền không đưa cá về Hoài Nhơn mà vào bán ở Phú Yên, Khánh Hòa. Trong khi đó, cả năm 2011, sản lượng cá ngừ đại dương tại huyện Hoài Nhơn chỉ có 4.000 tấn.”
Ông Nguyễn Quang Phương, Phó Vạn trưởng vạn ngư nghiệp xã Hoài Thanh (huyện Hoài Nhơn) phấn khởi nói: “Vạn ngư nghiệp Hoài Thanh gần đây tàu thuyền nào đánh bắt cũng đầy cá, tối thiểu là 30 - 40 con, nhiều nhất lên tới 122 con. Trước đây, việc câu được 30 - 40 con cá ngừ mỗi chuyến đi biển là rất khó, nay thì 70 - 80 con, cho đến hơn trăm con là bình thường, cao hơn gấp 2, gấp 3 lần; cá chính phẩm cân nặng 50 - 100 kg/con. Nhờ vậy mà đời sống ngư dân giờ khá hơn rất nhiều.”
Đột phá nhờ phương pháp mới
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn) ông Trần Văn Tiện nói: Trong hai tháng vừa qua, sản lượng cá ngừ đại dương mà ngư dân trong xã và cả huyện Hoài Nhơn đánh bắt được tăng đột biến là nhờ phát hiện ra phương pháp mới: chong đèn câu tay và vây rút chì. Vấn đề này vẫn đang là thời sự tại các vùng biển. Hiện tại, tàu thuyền nhỏ thì bắt giàn đèn đi câu tay, thuyền lớn cũng bắt giàn đèn làm vây rút chì hoặc chuyển từ câu giàn sang câu tay. Các nghề phụ trợ phát triển rất mạnh, nhộn nhịp chưa từng có; các loại đèn cao áp, dinamo phát điện… không kịp nhập về cho ngư dân; hàng lương thực thực phẩm đổ về ào ào; nghề đá lạnh, thu mua, chế biến… đều chạy theo cá ngừ đại dương.
Ông Nguyễn Quang Phương cho biết cá ngừ đại dương cũng thuộc họ cá ngừ nên là cá đứng đèn; chỉ cần dùng câu tay, mỗi dây câu một hoặc 2 lưỡi câu cũng có thể câu được vài chục con mỗi ngày, bằng cả giàn câu dài 20 hải lý với hơn 10 thuyền viên trên một tàu theo cách câu cũ, như vậy hiệu quả hơn rất nhiều. Và theo cách mới thì thu nhập của thuyền viên hiện nay thấp nhất cũng cỡ 4 - 5 triệu đồng mỗi "lèo" biển.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, người phát hiện ra cá ngừ đại dương đứng đèn là tài công Nguyễn Văn Phần, lái tàu BĐ95864 TS thuộc đội tàu của ông Bùi Thanh Ninh, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn (Bình Định). Đây là đội tàu làm nghề vây rút chì, lưới vây bắt hầu hết các loại cá, mực và không chú trọng đến cá ngừ đại dương. Tuy nhiên trong chuyến biển bắt đầu từ 24 tháng Chạp vừa qua, tàu BĐ95864 TS đánh không có cá, nhưng đến tối 28 tháng Chạp, anh Phần phát hiện từng đàn cá ngừ đại dương nhao lên mặt biển lao theo ánh đèn cao áp. Sau một mẻ lưới rút, anh thu được hơn 2 tấn cá ngừ đại dương. Từ đó, cả đội tàu 8 chiếc làm nghề vây rút chì của ông Ninh chuyển hẳn sang bắt cá ngừ đại dương và hiệu quả thì “chưa từng có.”
Trước đây, theo cách câu giàn, mỗi giàn câu thường dài 20 hải lý; hàng ngàn lưỡi câu được móc mồi thả xuống biển. Thuyền thả câu và thu dây câu đều phải chạy hết 40 hải lý nên tiêu tốn nhiên liệu rất lớn, trong khi hiệu quả thấp. Theo cách mới, nhờ cá ngừ đứng đèn nên tàu thuyền chỉ cần đầu tư 50 - 60 triệu bắt giàn đèn cao áp, dây câu cũng khá đơn giản với mỗi dây một hoặc 2 lưỡi câu, mỗi ngư dân dùng một dây câu. Sau khi thuyền chong đèn sáng, cá theo đèn nổi lên và ăn mồi. Nếu sử dụng lưới rút còn hiệu quả hơn, mỗi mành lưới sâu 110 m, rộng trên 600 m được thả xuống biển, sau khi chong đèn phát hiện cá theo đàn nổi lên thì dùng máy quay tời kéo lưới rút thu cá. Tàu sử dụng lưới rút cần có máy công suất lớn, trong khi câu tay chỉ cần công suất nhỏ cũng làm được, chi phí đầu tư thấp, thời gian mỗi chuyến biển chỉ từ 10 - 15 ngày nên dễ làm nghề hơn rất nhiều so với trước.