Các trang trại chăn nuôi không lo ngại TPP
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đồng Nai, trong những năm qua quy mô đàn heo của tỉnh đã mở rộng đều đặn, từ gần 1,12 triệu con vào năm 2010 lên 1,5 triệu con trong năm 2014, tăng hơn 34%.
Ngoài chăn nuôi nhỏ lẻ, Đồng Nai hiện có 2.200 trang trại, chiếm hơn 69% tổng đàn heo.
Trong những năm tới, đàn heo của Đồng Nai sẽ tiếp tục tăng lên, và Sở NN&PTNT Đồng Nai dự báo đàn heo của tỉnh sẽ chạm ngưỡng 2 triệu con vào năm 2020.
Hiện Đồng Nai là nơi có tổng đàn heo lớn nhất cả nước.
Ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai, cho biết những con số mà Đồng Nai đưa ra là dựa trên nhu cầu tiêu thụ thịt của người dân Việt Nam chứ chưa tính tới yếu tố TPP.
Các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi hay công ty sản xuất giống cũng có dự báo tương tự khi lý giải cho việc mở rộng sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam trong thời gian tới.
Công ty Cargill Việt Nam cung cấp hơn một triệu tấn thức ăn chăn nuôi trong năm 2015.
Và hiện công ty vẫn nhìn thấy cơ hội mở rộng thị trường nên đang đầu tư xây dựng thêm một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi mới ở Nghệ An, dự kiến nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào năm 2016.
Trước thông tin khi Việt Nam gia nhập TPP, ngành chăn nuôi sẽ bị ảnh hưởng, ông Chánh Trương, Trưởng đại diện Cargill Việt Nam, cho rằng khi Việt Nam gia nhập TPP, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ gặp khó khăn và có thể bị xóa sổ, nhưng nhìn tổng thể, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng do nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ thịt sẽ tăng theo sự phát triển kinh tế.
Đó là lý do Cargill Việt Nam quyết định đầu tư xây dựng thêm nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi mới.
“Những hoạt động đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh của chúng tôi là căn cứ trên cái nhìn tổng thể về triển vọng của ngành chăn nuôi trong 20 năm tới chứ không nhìn vào những vấn đề trước mắt,” ông Chánh Trương nói.
Cũng có cái nhìn lạc quan về triển vọng của ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Tấn Hậu, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên chăn nuôi Tám Do ở Long Thành, Đồng Nai cho biết, TPP có thể ảnh hưởng đến những hộ chăn nuôi nhỏ khi giá thành sản xuất cao không thể cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu từ các nước trong TPP; nhưng khi kinh tế phát triển thì nhu cầu tiêu dùng thịt của người dân sẽ phải tăng lên, và bù cho sự sụt giảm nguồn cung từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là sự tăng đàn của các trang trại lớn.
Vì thế, những công ty sản xuất giống heo nái như Tám Do sẽ không bị ảnh hưởng xấu mà vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất.
Ông Hậu cho biết, công ty đang xây dựng thêm một trang trại sản xuất heo nái giống quy mô 1.200 con sẽ hoạt động vào năm 2016.
Với trang trại mới này, năng lực sản xuất heo nái cung cấp cho thị trường của Tám Do sẽ cao gấp đôi hiện nay.
Theo ông Lê Minh Báu, hiện giá thành sản xuất của những trang trại chăn nuôi độc lập thường cao hơn những trang trại chăn nuôi gia công cho Công ty C.P Việt Nam (CPV), và khi thuế nhập khẩu thịt bằng 0%, những trang trại chăn nuôi riêng lẻ sẽ gặp khó khăn vì khó cạnh tranh được với thịt heo nuôi gia công của CPV.
Hiện tại CPV đang đầu tư mô hình chuỗi sản xuất từ trang trại đến bàn ăn.
Đây là mô hình khép kín nên chi phí sản xuất thường thấp hơn so với các trang trại chăn nuôi ở bên ngoài.
CPV cũng đang đầu tư để mở rộng hệ thống bán hàng trực tiếp sản phẩm thịt thay vì chỉ thông qua các công ty phân phối như trước đây.
Tuy vậy, trên thực tế đã diễn ra cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các tập đoàn như CPV với các trang trại độc lập chung quanh vấn đề giá thành sản phẩm chăn nuôi.
Một số trang trại lớn khác chọn cách tự sản xuất thức ăn cho đàn gia súc thay vì mua từ các đại lý, các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, để giảm chi phí đầu vào.
Ông Trần Công Dân, chủ một trang tại nuôi heo ở Thống Nhất, Đồng Nai cho biết, để cạnh tranh giá bán với các trang trại chăn nuôi gia công, "chúng tôi chọn cách tự sản xuất thức ăn chăn nuôi và nhờ đó mỗi con heo khi xuất chuồng chúng tôi tiết kiệm được khoảng 300.000 đồng."
“Thức ăn chăn nuôi thường chiếm 70% giá bán heo, nhưng nhờ tự sản xuất nên chúng tôi tiết kiệm được khoảng 100 đồng/kg cám.
Mỗi con heo xuất chuồng là 100kg chúng tôi phải cho ăn khoảng 270 – 280 kg cám, như vậy, nhờ tự sản xuất thức ăn mà chúng tôi tiết kiệm được khoảng gần 300.000 đồng so với những trang trại mua thức ăn từ các nhà máy về nuôi,” ông Dân chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Dân còn tự nuôi heo nái để cung cấp heo con cho chính trang trại của mình chứ không mua từ bên ngoài, nhằm giảm chi phí.
Tuần rồi, ông Dân đã đến sân bay Tân Sơn Nhất để làm thủ tục nhập khẩu mấy chục heo nái mà ông mua từ Mỹ.
Giống heo này có tỷ lệ heo con trên một lứa sinh sản cao hơn so với heo giống do các công ty trong nước cung cấp, trong khi heo thịt tăng trưởng nhanh hơn, giúp giảm được chi phí đầu vào, tăng tính cạnh tranh cho những lứa heo thịt tới đây.
Như vậy, nhờ quy trình khép kín từ sản xuất con giống, tự làm thức ăn… nên giá thành nuôi heo của ông Dân luôn rẻ hơn mức bình quân của các trang trại khác.
Với ông Dân, TPP không có gì phải lo ngại cả.
Hiện mỗi năm, trang trại của ông Dân cung cấp cho thị trường khoảng 4.000 con heo.
Có thể bạn quan tâm
Thương vụ Úc tại Việt Nam ngày 10-12 đã thông tin chính thức về việc nguồn cung bò Úc giảm là do yếu tố “thời tiết”, chứ không phải do can thiệp của Chính phủ Úc.
Năm 2013, mô hình cải tạo đàn dông được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Bình Thuận phối hợp với Phòng Kinh tế Phan Thiết thực hiện với quy mô 900m2 tại xã Thiện Nghiệp. Thông qua việc thay đổi bằng giống dông đực Khu Lê, nhằm hướng tới mục đích cải tiến chất lượng, làm tươi máu, tránh đồng huyết, để nâng cao hiệu quả chăn nuôi tại địa phương...
Cứ tưởng rằng ở trên núi cao, rừng thẳm, người dân chỉ có cách chống đói, thoát nghèo dựa vào đất đai, lâm sản… nhưng thật bất ngờ và độc đáo, một lão nông được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã "phát tài" nhờ nuôi thành công con cá tầm. Ông tên là Hà Văn Vận, dân tộc Mường ở thôn Sui Quan, xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì, Hà Nội.
Từ đầu năm đến nay, gia đình anh Dương Văn Trọng, ở tổ 12, phường Tích Lương, T.P Thái Nguyên vẫn nuôi 500 con lợn bột, 50 con lợn nái/lứa và không tăng đàn.
Năm 2013 khép lại, đánh dấu sự thành công của nhiều mô hình nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Nhiều vùng nuôi liên tục thất bát trong năm trước, nay lại được mùa đã góp phần đem lại “sinh khí” mới cho loại hình nuôi trồng thủy sản này.