Các Giống Mía Triển Vọng Mới Nhập
Trong năm 2010, Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Mía đường đã tiến hành nhập nội và đang tiến hành sơ tuyển một số giống mía mới của Thái Lan.
Kết quả sơ tuyển bước đầu cho thấy có 5/6 giống có nhiều triển vọng gồm: K99-72, K99-75, K99-82, Khonkaen 3 và Kps01-25. Đây đều là những giống mía có khối lượng cây trung bình khá cao (2,5 – 3,3 kg/cây), tiềm năng cho năng suất mía trung bình rất cao (từ 100-140 tấn/ha), chữ đường bình quân khá (11-13 CCS), có khả năng phù hợp với thị hiếu và điều kiện canh tác mía ở Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh phía Nam. Riêng giống K2000-89 cần tiếp tục theo dõi, đánh giá thêm ở các vùng khác. Sau đây là lý lịch của các giống mía triển vọng này.
1. Giống mía K99-72
(Giống mía K99-72)
- Nguồn gốc: Do OCSB lai tạo tại tỉnh Kanchnaburi, Thái Lan năm 1999, nhập nội về Việt Nam từ 2007, chính thức từ 12/2010.
- Bố mẹ: K84-200 x E-Hieu.
- Đặc điểm nông công nghiệp: Chữ đường cao, đạt từ 13-14 CCS (trung bình 13,72 CCS). Năng suất mía cao, trung bình đạt từ 75-93,75 tấn/ha trong điều kiện không tưới chỉ sử dụng nước mưa và đạt từ 112,5-125 tấn/ha trong điều kiện có tưới. Đường kính thân trung bình 2,8-3 cm, chiều cao cây trung bình. Mật độ cây khá cao 6-7 cây/bụi, khả năng đẻ nhánh tốt, tốc độ tăng trưởng hơi chậm ở giai đoạn đầu. Ít trổ cờ, chống đổ ngã tốt. Kháng trung bình đối với bệnh than, bệnh thối đỏ. Kháng sâu đục thân tốt. Chín trung bình (11-13 tháng). Thích hợp với chân đất cát pha và đất sét.
2. Giống mía K99-75
- Nguồn gốc: Do OCSB lai tạo tại tỉnh Kanchnaburi, Thái Lan năm 1999, nhập nội về Việt Nam từ 9/2010.
- Bố mẹ: K84-200 x đa giao.
- Đặc điểm nông công nghiệp: Chữ đường khá, đạt từ 11-12 CCS. Năng suất mía rất cao, trung bình đạt từ 100-130 tấn/ha. Đường kính thân trung bình 2,5- 3 cm, chiều cao cây trung bình, mật độ cây cao 6-8 cây/bụi, khả năng đẻ nhánh tốt, tốc độ tăng trưởng nhanh. Không trổ cờ, chống đổ ngã trung bình. Kháng trung bình đối với bệnh than, bệnh thối đỏ, hơi mẫn cảm với rầy đầu vàng, kháng sâu đục thân tốt. Chín trung bình sớm (11-12 tháng). Thích hợp với chân đất ruộng thoát nước tốt hoặc đất cao đủ ấm.
3. Giống mía K99-82
- Nguồn gốc: Do OCSB lai tạo tại tỉnh Kanchnaburi, Thái Lan năm 1999, nhập nội về Việt Nam từ 9/2010.
- Bố mẹ: K84-200 x đa giao
- Đặc điểm nông công nghiệp: Chữ đường khá, đạt từ 11-13 CCS. Năng suất mía rất cao, trung bình đạt từ 110 – 130 tấn/ha. Đường kính thân to 2,8- 3,3 cm, chiều cao cây cao, mật độ cây khá 5-7 cây/bụi, khả năng đẻ nhánh trung bình, tốc độ tăng trưởng hơi chậm ở giai đoạn đầu. Ít trổ cờ, chống đổ ngã trung bình. Kháng trung bình đối với bệnh than, bệnh thối đỏ, ít mẫn cảm rầy đầu vàng, kháng sâu đục thân tốt. Chín trung bình sớm (11-12 tháng). Thích hợp với chân đất thấp.
4. Giống mía K2000-89
- Nguồn gốc: Do OCSB lai tạo tại tỉnh Kanchnaburi, Thái Lan năm 2000, nhập nội chính thức về Việt Nam từ tháng 12/2010.
- Bố mẹ: K84-200 x K83-74.
- Đặc điểm nông công nghiệp: Chữ đường cao, đạt từ 12-13 CCS. Năng suất mía cao, đạt trung bình từ 93,75 – 106,25 tấn/ha trong điều kiện không tưới (chỉ sử dụng nước mưa) và đạt từ 112,5-137,5 tấn/ha trong điều kiện có tưới. Đường kính thân to 3-3,5 cm. Ít trổ cờ, hơi đổ ngã. Sức đẻ nhánh khá 5-6 cây/bụi, tốc độ tăng trưởng khá. Kháng trung bình đối với bệnh than, bệnh thối đỏ, sâu đục thân và bọ phấn trắng (white fly). Chín trung bình (12 tháng). Thích hợp với chân đất sét pha cát, tơi xốp, giàu mùn, thoát nước tốt.
5. Giống mía Kps01-25
- Nguồn gốc: Do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giống mía Kampheng Saen, thuộc Trường Đại học Kasertsat lai tạo tại tỉnh Kanchnaburi, Thái Lan năm 2001, nhập nội chính thức về Việt Nam từ tháng 12/2010.
- Bố mẹ: KPS94-13 x U thong 3
- Đặc điểm nông công nghiệp: Chữ đường rất cao, đạt từ 13-15 CCS. Năng suất mía cao, trung bình đạt từ 112,5-125 tấn/ha. Đường kính thân to 3-4 cm. Sức đẻ nhánh cao 6-7 cây/bụi, tốc độ tăng trưởng khá. Ít trổ cờ chỉ thấy ở một số vùng, ít đổ ngã. Kháng trung bình đối với bệnh thối đỏ. Chín trung bình sớm (10-12 tháng). Thích hợp với nhiều chân đất như sét pha cát, đất cát và sét.
6. Giống mía Khonkaen 3
- Nguồn gốc: Do Trung tâm Nghiên cứu Cây trồng Suphanburi lai tạo và được Trường Đại học Khonkaen tuyển chọn, nhập nội chính thức về Việt Nam từ tháng 12/2010.
- Bố mẹ: 85-2-352 x K84-200
- Đặc điểm nông công nghiệp: Chữ đường rất cao, đạt từ 13-15 CCS. Năng suất mía cao, trung bình đạt từ 106,25-112,5 tấn/ha. Đường kính thân trung bình 2,74 cm, tốc độ tăng trưởng hơi chậm ở giai đoạn đầu. Sức đẻ nhá tốt 6-7 cây/bụi. Không trổ cờ, chống đổ ngã tốt, lưu gốc tốt. Thích hợp với chân đất cát giàu mùn.
Có thể bạn quan tâm
Nhằm chủ động giống thủy sản, Chi cục Thủy sản Bắc Giang triển khai đề tài khoa học “Nghiên cứu khả năng sinh sản nhân tạo cá trắm đen”, đã được Hội đồng nghiệm thu với kết quả khả quan.
Vụ xuân năm 2011, Cty CP Giống cây trồng miền Nam đã kết hợp với Trạm Khuyến nông Mèo Vạc trồng trình diễn giống ngô lai đơn SSC557 tại xóm Sủng Nhì, xã Sủng Máng
Thời gian thu hoạch hợp lý từ 7- 10 tháng sau khi trồng. Bình quân năng suất củ tươi đạt 33,4 tấn/ha (trong điều kiện thâm canh như Đồng Nai, Tây Ninh có thể đạt 40-50 tấn/ha), hàm lượng tinh bột 27,2%, hàm lượng HCN 105,9 mg/kg chất khô. Thân thẳng, nhặt mắt, thích hợp với điều kiện sinh thái Việt Nam. Dạng củ đồng đều, thịt củ màu trắng, thích hợp với chế biến và thị trường.
Giống lúa nếp ĐT52 có thời gian sinh trưởng ngắn. Tại miền Bắc vụ xuân 130 -135 ngày, vụ mùa 100 - 110 ngày. Miền Trung vụ ĐX 120 - 125 ngày, vụ HT 100 - 102 ngày. Cây cao 98 - 110 cm, cứng cây chống đổ tốt. Năng suất trung bình 60 - 65 tạ/ha, cao đạt 70 - 75 tạ/ha, tăng hơn giống đối chứng TK 90 từ 15 - 20%
Sản xuất dưa chuột ngày càng phát triển nên nhu cầu về giống của người dân khá lớn. Vừa qua, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã nghiên cứu lai tạo thành công giống dưa chuột PC4 phục vụ cho nhu cầu sản xuất. Giống dưa này không chỉ cho năng suất, chất lượng cao, mẫu mã đẹp, mà còn phù hợp với chế biến xuất khẩu.