Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cá Vàng Vi Về Từ Hoàng Sa

Cá Vàng Vi Về Từ Hoàng Sa
Ngày đăng: 10/03/2014

Kết thúc phiên biển đầu năm trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa, nhiều ngư dân Quảng Ngãi trở về với cá ngừ vi vàng chật ních khoang tàu. Đây chính là một trong hai loại cá ngừ đại dương xuất khẩu, nhưng với ngư dân Quảng Ngãi, họ vẫn quen gọi là cá “vàng vi” Hoàng Sa…

Loại cá “vàng vi” thường có trọng lượng vài ba chục ký mỗi con. Vì có giá trị xuất khẩu nên loại cá này rất được các thương lái săn đón. “Vi vàng” vừa về đến cảng, lại tiếp tục lên xe đông lạnh về những cơ sở chuyên doanh chờ ngày xuất khẩu…

Lộc quý “vàng vi”

Sau nửa tháng trời giong tàu trên biển, tàu cá do thuyền trưởng Nguyễn Văn Đại cầm lái đã trở về cảng Sa Kỳ. Khi tàu vừa vào đến “vùng hậu cần”, rất nhiều chủ nậu đã đưa tay vẫy tàu của anh Đại ngỏ ý muốn mua cá. Với bản tính thủy chung của dân đi biển, anh Đại quyết định đưa tàu mình cặp “Đại lý Hữu Danh”.

Chủ đại lý Hữu Danh là một người đàn ông trung niên, đứng trên gác nói vọng xuống: “Tàu mình cá gì vậy?”. Anh Đại đáp sang sảng: “Toàn bộ là vàng vi thôi!”. Ông chủ nậu đi như chạy từ trên gác xuống nhảy phắt sang khoang tàu mở nắp hầm cá, buông một câu: “Hay quá! Vớt cá lên đi. Cao hơn 2 giá so với trước Tết nhé”. Cá ngừ vi vàng trước Tết là 58.000 đồng/kg, còn nay là 60.000 đồng, tức là cao hơn 2 giá.

Những chiếc vi vàng ươm được vuốt lại cong vút tưởng tượng giống như cánh máy bay thu nhỏ. Cá cẩn thận được xếp vào những khay nhựa to, mỗi con một khay, xếp thành từng lớp trong thùng xe đông lạnh. Cân cá xong, anh Đại và những ngư dân trên tàu bắt đầu quay sang tính tiền bán cá. Hơn 15 tấn cá vàng vi, giá bán 60.000 đồng/kg. Sau khi trừ tổn – chi phí dầu, đá lạnh, thực phẩm, tàu anh Đại lãi khoảng nửa tỷ đồng.

Vậy là phiên biển này, mỗi lao động trên tàu kiếm được khoảng gần 40 triệu đồng. “Thế là vui lắm rồi. Ra Hoàng Sa, được cá vi vàng thì như được lộc vàng vậy!”. Anh Đại bảo sáng mai cho anh em trở về thăm nhà vài bữa, rồi lại tiếp tục nổ máy thẳng hướng Hoàng Sa. Tiết này Hoàng Sa đang là mùa cá ngừ vi vàng nên phải tranh thủ đánh bắt, kiếm thêm thu nhập bù lại những ngày biển động nằm bờ.

Mục tiêu ưu tiên của đánh bắt xa bờ

Sau ngày mở cửa biển, hầu hết tàu đánh bắt xa bờ của Lý Sơn tập trung khai thác trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa. Trên tàu cờ đỏ sao vàng năm cánh phấp phới tung bay mang niềm kiêu hãnh Việt Nam đến vùng biển quần đảo Hoàng Sa neo tàu, chờ cá.

Và rồi may mắn cho những ai tìm được luồng cá ngừ vi vàng. “Có những khi trúng luồng cá đến vài chục tấn, đánh bắt mệt nghỉ. Cá này khi nào cũng có người muốn mua, giá ổn định”- anh Trần Nam, một chủ tàu cá cho biết.

Trong phiên biển đầu tiên của ngư dân Lý Sơn ở Hoàng Sa, rất nhiều tàu cá khác đã trúng đậm cá ngừ vi vàng. Giá bán cao nên sau khoảng hơn 10 ngày đi biển, mỗi lao động trên tàu được chia phần tiền lên đến 30 – 40 triệu đồng. Nghề đánh bắt cá ngừ vi vàng này tuy phải đi xa tới Hoàng Sa, nhưng bù lại nếu trúng luồng cá thì thu nhập vượt hẳn đánh bắt các loại cá khác.

Vài năm trước, lượng cá này ít nhưng tiết xuân năm nay, cá ngừ vi vàng lại rộ lên, ngư dân trúng lớn. Tàu cá cứ vào bờ bán cá xong lại nhập nhiên liệu, đá lạnh, lương thực tiếp tục ra khơi.

Được mùa cá ngừ vi vàng, cả làng chài Sa Kỳ, Bình Châu rộn tiếng cười. Nét mặt đen sạm của ngư dân dường như cũng vơi đi sự khắc khổ. Biển Hoàng Sa có lẽ vì thế mà sẽ đông tàu thuyền ngư dân Quảng Ngãi vươn khơi, vừa đánh bắt, vừa góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Vì giá trị kinh tế cao nên cá ngừ vi vàng được Bộ Thủy sản chọn làm mục tiêu ưu tiên trong phát triển đánh bắt xa bờ. Đó cũng chính là mục tiêu mà mỗi ngư dân khi đi đến Hoàng Sa đều mong đạt được. Và mùa xuân này, nhiều tàu cá của ngư dân Lý Sơn, Bình Châu đã chạm tay đến “vàng vi” mang về bạc tỷ ngay từ chuyến mở biển đầu năm mới.


Có thể bạn quan tâm

Tàu Nằm Bờ Dài Ngày, Ngư Dân Khó Khăn Tàu Nằm Bờ Dài Ngày, Ngư Dân Khó Khăn

Hiếm có khi nào mà các cơn bão lại hình thành liên tiếp trên biển Đông, gây ảnh hưởng trên vùng biển của nước ta nhiều như trong thời gian vừa qua. Sau những cơn "bão" giá xăng dầu khiến cho chi phí mỗi chuyến ra khơi đẩy lên cao, thì những cơn bão do thiên tai gây ra đã khiến không ít tàu, thuyền của ngư dân phải lao đao.

23/11/2013
Cà Mau Khuyến Cáo Người Dân Không Nên Ồ Ạt Nuôi Cá Sấu Cà Mau Khuyến Cáo Người Dân Không Nên Ồ Ạt Nuôi Cá Sấu

Trước tình trạng hàng trăm hộ dân ở Cà Mau triển khai kế hoạch nuôi cá sấu với hy vọng đây sẽ là vật nuôi phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo, ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, cơ quan chức năng đã khuyến cáo người dân không nên ồ ạt nuôi cá sấu, vì đây là vật nuôi không an toàn và đang trong tình trạng không có thị trường tiêu thụ.

23/11/2013
Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Thâm Canh Cá Rô Phi NOGIP IV Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Thâm Canh Cá Rô Phi NOGIP IV

Năm 2013, Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư Thái Bình đã xây dựng đề án mô hình thâm canh cá rô phi NOGIP IV tại các vùng chuyển đổi của xã Thụy Thanh (huyện Thái Thụy), xã Phú Xuân (thành Phố Thái Bình), xã Quỳnh Trang (huyện Quỳnh Phụ) và xã Tây Tiến (huyện Tiền Hải).

23/11/2013
Làm Giàu Từ Nuôi Dê Làm Giàu Từ Nuôi Dê

Các hộ nuôi dê ở làng Tao Chor A (xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) cho biết, so với các vật nuôi khác như heo, bò, gà,… thì nuôi dê đem lại nguồn lợi lớn hơn mặc dù vốn đầu tư cho con giống và chuồng trại khá cao, từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng/cặp giống bố mẹ.

23/11/2013
Phát Triển Đàn Lợn Nái Móng Cái Thuần Phát Triển Đàn Lợn Nái Móng Cái Thuần

Thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt Đề án phát triển đàn lợn nái móng cái thuần trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2012 - 2015, huyện Bạch Thông đang nỗ lực triển khai nhằm chủ động về con giống phục vụ chăn nuôi, phát triển nhanh số lượng và chất lượng đàn lợn thịt. Sau hai năm thực hiện đề án bước đầu đã mang lại hiệu quả.

23/11/2013