Cá Tra Việt Nam Bị Đánh Úp
Lý do duy nhất để Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thay đổi hẳn mức thuế chống bán phá giá (CBPG) philê cá tra đông lạnh của Việt Nam trong quyết định chính thức của đợt rà soát hành chính lần thứ 8 (POR8) giai đoạn 1/8/2010 - 31/7/2011, là việc chọn Inđônêxia làm nước thay thế thay vì Bănglađét đã chọn khi đưa ra mức thuế sơ bộ.
Vì không công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường, nên khi xác định mức thuế CBPG, DOC chọn một nước khác có nền kinh tế thị trường, với những điều kiện gần tương đương với Việt Nam làm “nước thay thế” để lấy số liệu tính chi phí sản xuất và giá bán “bình thường”. Trong các đợt xem xét hành chính trước đây, một số nước (như Bănglađét, Ấn Độ, Inđônêxia, Nicaragoa, Pakistan, Philippin) đã được đưa ra phân tích, và cuối cùng Bănglađét được cho là lựa chọn thích hợp nhất làm nước thay thế. Với điều kiện sản xuất gần tương đồng, giá thành sản xuất ở Bănglađét không khác mấy với Việt Nam, vì vậy mức thuế CBPG được tính ra tương đối thấp, thậm chí bằng 0.
Kết quả đó không làm phía nguyên đơn – Hiệp hội Chủ trại nuôi Cá nheo Mỹ (CFA) - hài lòng. Họ đã nhiều lần yêu cầu DOC thay đổi nước thay thế và năm ngoái đã suýt thành công ở POR7 (giai đoạn 1/8/2009-31/7/2010), khi Philipin được dự định chọn làm nước thay thế và mức thuế sơ bộ đã ấn định lên đến 0,56 USD/kg. Lần đó, chúng ta đã phản kháng thành công, buộc DOC phải trở lại với Bănglađét và mức thuế chỉ còn 0 - 0,03 USD/kg trong quyết định cuối cùng.
Rút kinh nghiệm, trong quyết định sơ bộ cho POR8 (giai đoạn 1/8/2010 - 31/5/2011) công bố ngày 12/9/2012, DOC vẫn đưa ra dự định lựa chọn Bănglađét và đưa ra mức thuế sơ bộ rất thấp – bằng 0. Nhưng đến quyết định chính thức ngày 14/3/2013, nước thay thế lại là Inđônêxia với lý giải hết sức hàm hồ. Rõ ràng, đây là hành động cố tình “đánh úp”, khiến các DN Việt Nam không kịp trở tay, vì khác với quyết định sơ bộ, phía bị đơn chỉ có 5 ngày để phản ứng.
Tuy chỉ phải chịu mức thuế thấp nhất, nhưng Công ty CP Vĩnh Hoàn lại bị tổn thất rất lớn, bởi trong POR6 và POR7 công ty này đã có mức thuế bằng 0. Nếu có mức thuế 0 thêm lần này (như trong quyết định sơ bộ), Vĩnh Hoàn đủ điều kiện để có thể thoát hẳn khỏi vụ kiện. Với mức 0,19 USD/kg, cao hơn cả mức de minimis (mức thuế tối thiểu, bằng 0,5% giá bán bình thường), khiến công ty Vĩnh Hoàn lại phải trở về vạch xuất phát.
Nhìn lại 10 năm qua, kể từ khi bắt đầu vụ kiện CBPG này, ngoài những vấn đề nội tại, cá tra Việt Nam đã phải chống chọi với không biết bao nhiêu trở lực đến từ bên ngoài. Ở Mỹ, CFA liên tục tìm cách chống lại, thậm chí tác động để sửa đổi Luật Nông trại 2008, định chuyển cá tra đặt dưới quyền kiểm soát của Bộ Nông nghiệp Mỹ thay vì Cục Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) như các loại thủy sản khác. Ở châu Âu và một số nơi khác, không ngừng rộ lên những thông tin bôi nhọ cá tra.
XK cá tra năm 2012 đã chững lại, giá trị XK chỉ đạt hơn 1,7 tỷ USD, thấp hơn năm 2011. Đòn mới này từ phía Mỹ chắc chắn sẽ còn gây thêm nhiều thiệt hại. Nhưng liệu những người sản xuất cá tra Việt Nam có chịu “bó tay”? So với 10 năm trước, ngành cá tra Việt Nam đã trưởng thành nhiều, đã có nhiều kinh nghiệm trong đấu tranh pháp lý quốc tế. Cá tra cũng đã đến với nhiều thị trường khác. Chúng ta còn nỗ lực để có cá tra đạt chứng nhận Global G.A.P, BAP, ASC,… và được xếp vào loại sản phẩm bền vững, khuyến khích tiêu dùng.
Cuộc đấu trên thương trường cũng khó khăn, gian khổ không kém trên chiến trường. Phải chăng, ta vẫn cần phát huy bài học “trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi!”.
Có thể bạn quan tâm
Từ năm 2012 đến nay, An Giang đều tổ chức thả cá về thiên nhiên, số lượng ngày càng tăng về loài, trong đó có một số loại cá quý hiếm. Việc làm này nhằm kêu gọi cộng đồng ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản có trong thiên nhiên, nhất là những loài cá trước đây nổi tiếng vì thịt ngon, số lượng nhiều, nay đã đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại vùng cát pha ven biển và đất nhiễm mặn, thời gian gần đây, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) đã hướng cho nhân dân các xã Nga Thanh, Nga Thái, Nga Liên, Nga An trồng hồng xiêm Lái Cấm và bưởi Diễn. Các mô hình được phát triển đại trà trên đất ruộng nhiễm mặn kém hiệu quả, chân đất màu không chủ động được nước tưới và xen canh trong các khu dân cư, cho thu hoạch từ 250 đến 300 triệu đồng/ha.
Có tới 30% số hoa quả TQ kiểm tra có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng, nhưng, lượng hàng rau, củ, quả của TQ chuyển về các chợ TPHCM hay Hà Nội vẫn không giảm.
Ông Trần Văn Vinh, một người dân xã Nâm N’Jang (Đắk Song) cho biết: "Gia đình tôi trồng được 2 ha tiêu đang trong thời kỳ kinh doanh, những năm trước đây năng suất vườn tiêu đạt hơn 3-4 tấn/ha. Thế nhưng gần nửa tháng nay, vườn tiêu đang xanh tốt bỗng nhiên đổ bệnh rủ lá chết hàng loạt. Đến nay, 1,3 ha (tương đương 1.300 trụ tiêu) đã bị chết khô, gây thiệt hại hơn 700 triệu đồng".
Những năm qua hưởng ứng cuộc vận động “cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” (NTM) huyện Phù Ninh đã tích cực triển khai thực hiện ở 18/18 xã, ưu tiên bố trí các nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.