Cá Tra Việt Nam Bị Đánh Úp

Lý do duy nhất để Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thay đổi hẳn mức thuế chống bán phá giá (CBPG) philê cá tra đông lạnh của Việt Nam trong quyết định chính thức của đợt rà soát hành chính lần thứ 8 (POR8) giai đoạn 1/8/2010 - 31/7/2011, là việc chọn Inđônêxia làm nước thay thế thay vì Bănglađét đã chọn khi đưa ra mức thuế sơ bộ.
Vì không công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường, nên khi xác định mức thuế CBPG, DOC chọn một nước khác có nền kinh tế thị trường, với những điều kiện gần tương đương với Việt Nam làm “nước thay thế” để lấy số liệu tính chi phí sản xuất và giá bán “bình thường”. Trong các đợt xem xét hành chính trước đây, một số nước (như Bănglađét, Ấn Độ, Inđônêxia, Nicaragoa, Pakistan, Philippin) đã được đưa ra phân tích, và cuối cùng Bănglađét được cho là lựa chọn thích hợp nhất làm nước thay thế. Với điều kiện sản xuất gần tương đồng, giá thành sản xuất ở Bănglađét không khác mấy với Việt Nam, vì vậy mức thuế CBPG được tính ra tương đối thấp, thậm chí bằng 0.
Kết quả đó không làm phía nguyên đơn – Hiệp hội Chủ trại nuôi Cá nheo Mỹ (CFA) - hài lòng. Họ đã nhiều lần yêu cầu DOC thay đổi nước thay thế và năm ngoái đã suýt thành công ở POR7 (giai đoạn 1/8/2009-31/7/2010), khi Philipin được dự định chọn làm nước thay thế và mức thuế sơ bộ đã ấn định lên đến 0,56 USD/kg. Lần đó, chúng ta đã phản kháng thành công, buộc DOC phải trở lại với Bănglađét và mức thuế chỉ còn 0 - 0,03 USD/kg trong quyết định cuối cùng.
Rút kinh nghiệm, trong quyết định sơ bộ cho POR8 (giai đoạn 1/8/2010 - 31/5/2011) công bố ngày 12/9/2012, DOC vẫn đưa ra dự định lựa chọn Bănglađét và đưa ra mức thuế sơ bộ rất thấp – bằng 0. Nhưng đến quyết định chính thức ngày 14/3/2013, nước thay thế lại là Inđônêxia với lý giải hết sức hàm hồ. Rõ ràng, đây là hành động cố tình “đánh úp”, khiến các DN Việt Nam không kịp trở tay, vì khác với quyết định sơ bộ, phía bị đơn chỉ có 5 ngày để phản ứng.
Tuy chỉ phải chịu mức thuế thấp nhất, nhưng Công ty CP Vĩnh Hoàn lại bị tổn thất rất lớn, bởi trong POR6 và POR7 công ty này đã có mức thuế bằng 0. Nếu có mức thuế 0 thêm lần này (như trong quyết định sơ bộ), Vĩnh Hoàn đủ điều kiện để có thể thoát hẳn khỏi vụ kiện. Với mức 0,19 USD/kg, cao hơn cả mức de minimis (mức thuế tối thiểu, bằng 0,5% giá bán bình thường), khiến công ty Vĩnh Hoàn lại phải trở về vạch xuất phát.
Nhìn lại 10 năm qua, kể từ khi bắt đầu vụ kiện CBPG này, ngoài những vấn đề nội tại, cá tra Việt Nam đã phải chống chọi với không biết bao nhiêu trở lực đến từ bên ngoài. Ở Mỹ, CFA liên tục tìm cách chống lại, thậm chí tác động để sửa đổi Luật Nông trại 2008, định chuyển cá tra đặt dưới quyền kiểm soát của Bộ Nông nghiệp Mỹ thay vì Cục Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) như các loại thủy sản khác. Ở châu Âu và một số nơi khác, không ngừng rộ lên những thông tin bôi nhọ cá tra.
XK cá tra năm 2012 đã chững lại, giá trị XK chỉ đạt hơn 1,7 tỷ USD, thấp hơn năm 2011. Đòn mới này từ phía Mỹ chắc chắn sẽ còn gây thêm nhiều thiệt hại. Nhưng liệu những người sản xuất cá tra Việt Nam có chịu “bó tay”? So với 10 năm trước, ngành cá tra Việt Nam đã trưởng thành nhiều, đã có nhiều kinh nghiệm trong đấu tranh pháp lý quốc tế. Cá tra cũng đã đến với nhiều thị trường khác. Chúng ta còn nỗ lực để có cá tra đạt chứng nhận Global G.A.P, BAP, ASC,… và được xếp vào loại sản phẩm bền vững, khuyến khích tiêu dùng.
Cuộc đấu trên thương trường cũng khó khăn, gian khổ không kém trên chiến trường. Phải chăng, ta vẫn cần phát huy bài học “trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi!”.
Related news

Ở vùng nông thôn, nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Ông Trần Văn Phúc, một hộ nuôi tôm (ấp An Điền, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải - Bạc Liêu) nói: “Ở địa phương này, đường sá đi lại khó khăn, nên thương lái ít vào đây thu mua tôm, cua… Nếu không có người thu mua tôm, cua, người dân ở đây sẽ gặp khó khăn”.

Những ngày này, thị trấn Cao Thượng tràn ngập sắc đỏ đặc trưng của vải sớm Tân Yên. Dọc đường vào xã Phúc Hoà (nơi có diện tích vải sớm lớn nhất huyện, khoảng 350 ha) có hàng chục điểm cân vải. Nông dân chở vải từ các xã Phúc Hoà, Liên Sơn, Cao Thượng, Hợp Đức, Tân Trung…

Ông Trịnh Minh Tấn (SN 1950, ngụ tổ 7, ấp Bàu Sen, xã Hảo Đước, huyện Châu Thành, Tây Ninh) hiện đang nuôi 50 cặp bồ câu Pháp sinh sản dưới hình thức nhốt chuồng. Đây là mô hình chăn nuôi mới ở huyện Châu Thành đem lại thu nhập khá. Theo ông Tấn, bồ câu là giống sinh sản nhanh (ấp 18 ngày là trứng nở), ít bệnh tật, ít tốn thức ăn và công chăm sóc nhưng giá trị kinh tế lại cao.

Trước nhu cầu các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật gia tăng trong dịp hè 2013, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) vừa chỉ đạo đơn vị chức năng triển khai ngay đợt lấy mẫu rau ngót trên địa bàn Hà Nội khổ qua ở TPHCM để kiểm tra bổ sung các chỉ tiêu an toàn thực phẩm.

Khoảng 1 tháng nay, bệnh lạ hoành hành trên đàn tôm khiến người nuôi tôm Vạn Ninh (Khánh Hòa) ăn ngủ không yên. Người nuôi đang hy vọng cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân và cách điều trị bệnh cho tôm.