Cá Tra Vẫn Chưa Thể Quay Lại Nga
Thị trường Nga vẫn tiếp tục đóng chặt cửa đối với cá tra Việt Nam, cho dù trước đó các cơ quan có liên quan ở Việt Nam dự báo thị trường này sẽ mở cửa chậm nhất vào cuối tháng 4-2014. Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep, không biết khi nào cá tra của Việt Nam mới có thể quay lại thị trường Nga.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) nói, vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN – PTNT) đã đi sang Nga đàm phán để có thể đưa cá tra vào thị trường này sau khi bị "cấm cửa" từ 31-1.
“Lúc đó, theo tiến độ công việc chúng tôi dự báo chậm nhất đến cuối tháng 4, cá tra sẽ được quay lại thị trường Nga, thực tế có những phát sinh và chúng tôi chưa biết được khi nào thị trường này mới mở cửa trở lại cho cá tra của Việt Nam,” ông Hòe nói. Ông Hoè từ chối không cho biết chi tiết các rắc rối là gì.
Theo Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), Bộ NN - PTNT trong số 602 doanh nghiệp, cơ sở đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để xuất khẩu vào châu Âu, chỉ có 34 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn để xuất vào thị trường Nga.
Ông Hòe cho biết, những doanh nghiệp được xuất khẩu thủy sản vào Nga hiện nay cũng chỉ được phép xuất khẩu các mặt hàng hải sản, thủy sản khô chứ không có cá tra.
Trước đó, cá tra bị tạm ngưng xuất khẩu vào Nga vào năm 2008 do tình trạng mạ băng cao trong sản phẩm. Sau đó, phía Việt Nam cam kết không để tái diễn tình trạng mạ băng cao (có khi lên đến 30% - trong 1 ký phile cá tra có 300 gram nước ở dạng đông lạnh) và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm nên đến giữa năm năm 2009 mới được xuất khẩu trở lại.
Cuối năm 2013, phía Nga có một đợt thanh, kiểm tra vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tại một số ao nuôi, cơ sở chế biến của một số doanh nghiệp đang xuất khẩu cá tra sang Nga. Kết quả, cá tra bị tạm ngưng xuất khẩu kể từ ngày 31-1-2014.
Có thể bạn quan tâm
Bến Tre là một trong 3 tỉnh đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long về diện tích trồng cây ăn quả. Trong đó, một số cây trồng đã có “thương hiệu” như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bưởi da xanh, nhãn... Đây cũng là nhóm cây ăn quả đặc sản của tỉnh và được quy hoạch phát triển, ổn định sản xuất đến năm 2020.
Nhằm giúp nông dân có định hướng nuôi trồng thủy sản gắn với tiêu thụ sản phẩm, phát huy thế mạnh và phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện An Phú phối hợp với Trung tâm Giống thủy sản An Giang (đơn vị chuyển giao kỹ thuật) đã triển khai dự án “Mô hình ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nuôi cá sặc rằn”, từ tháng 3 - 2011 đến tháng 3 - 2013.
Vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đã bắt đầu cho thu hoạch. Theo ông Vũ Đình Bát, Chủ tịch Hiệp Hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà, giá bán vải quả tại vườn ngày 5 - 6 là 15 nghìn đồng/kg, tăng từ 4.000 - 6.000 đồng/kg so với năm ngoái. Nguyên nhân là do thị trường Trung Quốc tiêu thụ ngày càng nhiều, sản lượng vải thiều Bắc Giang giảm.
Sau nhiều năm tìm đầu ra ở thị trường nước ngoài, thanh long ruột đỏ, một trong những trái cây đặc sản của tỉnh Trà Vinh đã chính thức được xuất khẩu sang thị Mỹ.
Ngày 22-1, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Sở NN&PTNT Hậu Giang tổ chức Hội thảo báo cáo kết quả 2 năm thực hiện dự án nghiên cứu ảnh hưởng biến đổi khí hậu (BĐKH) ở Đồng bằng sông Cửu Long (CLUES) tại tỉnh Hậu Giang.