Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cá Tra Dầu Sông Mê Công Bị Đe Dọa Tuyệt Chủng Do Các Đập Thủy Điện

Cá Tra Dầu Sông Mê Công Bị Đe Dọa Tuyệt Chủng Do Các Đập Thủy Điện
Ngày đăng: 21/06/2013

Nghiên cứu mới nhất của Quỹ quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cho biết, xây đập trên dòng chảy chính tại khu vực hạ nguồn sông Mê Công có thể trở thành mối đe dọa đối với sự sống còn của loài cá tra dầu sinh sống tại đây.

Nghiên cứu này đã làm sáng tỏ nhiều thông tin về hiện trạng ít được biết đến của một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất và hiếm nhất trên thế giới, bao gồm các số liệu về quần thể, sự phân bố, các mối đe dọa và các biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự tuyệt chủng của loài. Hiện nay vẫn chưa có số liệu chính xác về quần thể loài này, tuy nhiên, người ta ước tính chỉ còn khoảng 200 cá thể trưởng thành.

Với kích thước khổng lồ, chiều dài có thể đạt tới 3 mét và cân nặng khoảng 300 kg, loài cá này sẽ không thể vượt qua đập Xayaburi trong hành trình di cư hàng năm của chúng, và đây có thể sẽ là nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của loài, báo cáo cho biết.

“Một loài cá với kích thước như vậy sẽ không thể bơi qua một chướng ngại vật lớn như một con đập để tới thượng nguồn là nơi đẻ trứng của chúng. Sinh vật khổng lồ này cần dòng chảy lớn và thông thoáng để có thể di cư. Chúng còn cần nguồn nước có chất lượng với những điều kiện dòng chảy nhất định để thực hiện vòng đời của mình bao gồm cả việc sinh sản và kiếm mồi”, Giáo sư Zeb Hogan tại trường Đại học Nevada, tác giả của nghiên cứu, cho biết.

Quần thể cá tra dầu sông Mê Công đã bị suy giảm mạnh do việc đánh bắt quá mức, sinh cảnh bị phá hủy và sự xuất hiện của các con đập trên các nhánh sông Mê Công. Một con đập trên sông Mun, nhánh lớn nhất của sông Mê Công, đã chặn đường di cư của loài cá tra dầu và cô lập sông Mun với phần còn lại của lưu vực sông Mê Công.

Báo cáo của WWF tuyên bố, con đập gây nhiều tranh cãi Xayaburi có thể làm gián đoạn, thậm chí ngăn cản quá trình sinh sản, và gia tăng tỷ lệ tử vong của loài cá này nếu chúng bơi qua các tuốc-bin của đập.

“Có khả năng cá tra dầu Mê Công sử dụng những nhánh sông, nơi xây đập Xayaburi, làm hành lang di cư của chúng. Những cá thể trưởng thành di cư từ các khu vực sinh trưởng ngập nước lũ, qua khu vực xây đập Xayaburi, tới các khu sinh sản tại thượng nguồn. Cũng có khả năng chúng đẻ trứng tại khu vực sẽ xây con đập”, TS. Hogan cho biết thêm.

Tại cuộc họp do Ủy ban sông Mê Công tổ chức năm 2011, các Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Môi trường và Nguồn nước đã nhất trí đề nghị Lào hoãn đưa ra quyết định xây dựng đập Xayaburi để nghiên cứu thêm về những tác động của con đập tới môi trường. Tuy nhiên, vào tháng 11-2012, Lào đã đơn phương quyết định khởi công công trình.

Những mối quan ngại chung quanh dự án Xayaburi, trị giá 3,5 tỷ USD, tập trung vào việc thiếu các dữ liệu và những tính toán đầy đủ về các tác động của con đập, đặc biệt tới nguồn thủy sản và dòng chảy trầm tích.

Pöyry, một công ty Phần Lan chịu trách nhiệm tư vấn cho Lào về xây dựng đập, đã lập luận rằng có thể xây “đường di cư cho cá” để giúp chúng vượt qua các tuốc-bin và bơi xuôi ngược dòng. Tuy nhiên, giải pháp này chưa bao giờ được thử nghiệm trong thực tế. Cá tra dầu Mê Công đã từng phân bố rộng rãi dọc lưu vực sông Mê Công, từ Myanmar cho tới tây nam Trung Quốc. Cho đến đầu những năm 1990, quần thể loài này vẫn còn tương đối dồi dào. Từ đó tới nay, số lượng loài này đã bị giảm mạnh và chỉ được tìm thấy tại sông Mê Công và các nhánh của nó tại Lào, Cam-pu-chia và Thái Lan.

Số liệu đánh bắt loài này cũng chứng minh cho sự sụt giảm quần thể nghiêm trọng, từ hàng nghìn cá thể cuối những năm 1880, tới hàng chục cá thể trong những năm 1990, và hiện nay con số này chỉ là một vài cá thể. Mặc dù Thái Lan, Lào và Cam-pu-chia đều đã ban hành những quy định về đánh bắt cá tra dầu Mê Công, trong đó Thái Lan và Cam-pu-chia nghiêm cấm đánh bắt, nhưng loài này vẫn bị đánh bắt bất hợp pháp hoặc bị đánh bắt không chủ ý.

Báo cáo cũng đưa ra những biện pháp chính để ngăn chặn sự biến mất của loài này, trong đó bao gồm các biện pháp khẩn cấp nhằm bảo vệ các hành lang di cư và sinh cảnh trọng yếu của chúng, tăng cường hợp tác quốc tế như quy hoạch quản lý lưu vực vì loài này phải di cư trên một dòng sông chảy qua nhiều quốc gia để hoàn thành vòng đời của mình.

“Cá tra dầu sông Mê Công tượng trưng cho sự vẹn toàn sinh thái của dòng Mê Công vì loài này rất dễ bị tổn thương dưới áp lực đánh bắt và sự thay đổi của dòng sông. Tình trạng của chúng là chỉ số sức khỏe của toàn bộ dòng sông, và sự duy trì nòi giống loài là một phần quan trọng trong quản lý bền vững lưu vực sông Mê Công”. TS Lifeng Li, Giám đốc chương trình Nước ngọt Toàn cầu của WWF phát biểu.

“Chúng ta có thể bảo tồn được loài cá tra dầu sông Mê Công, nhưng cần phải có sự cam kết từ tất cả các nước trong khu vực hạ lưu sông Mê Công, cũng như từ các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ - điều mà hiện nay đang thiếu”, ông Lifeng Li nói.


Có thể bạn quan tâm

Thương Gia Nguyễn Thị Liễu Tặng 55 Triệu Đồng Cho Người Nghèo Quảng Trị Thương Gia Nguyễn Thị Liễu Tặng 55 Triệu Đồng Cho Người Nghèo Quảng Trị

Ngày 21/4, thông qua Báo NNVN, thương gia Nguyễn Thị Liễu ( trú tại xã Tây Sơn, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh)- người nỗi tiếng vừa có đám cưới cho con trai ở phố núi Hương Sơn đã có chuyến hoạt động từ thiện tại tỉnh Quảng Trị.

24/04/2012
Trồng Sen Hồng Cho Thu Nhập Cao Ở Thừa Thiên Huế Trồng Sen Hồng Cho Thu Nhập Cao Ở Thừa Thiên Huế

Mùa này, tại Thừa Thiên-Huế sen đang vào vụ, nên sản phẩm từ sen được bán ở nhiều nơi như ở hồ Tịnh Tâm, đường Đinh Tiên Hoàng, Trần Hưng Đạo, chợ Đông Ba, An Cựu...

11/06/2012
Nuôi Rắn Ri Voi Hiệu Quả Ở Bạc Liêu Nuôi Rắn Ri Voi Hiệu Quả Ở Bạc Liêu

Ông Lê Hồng Nguyên ở ấp Bình Tốt A, xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long (Bạc Liêu) xây 1.500 m2 hồ nuôi rắn ri voi, tường cao 1,2 m, rộng 5 m, dài 10 m, ngăn ra mỗi ô 20 m2, xử lý thật kỹ cho hết mùi xi măng.

03/11/2012
TP.HCM Đẩy Mạnh Phát Triển Trồng Rau VietGAP TP.HCM Đẩy Mạnh Phát Triển Trồng Rau VietGAP

TP.HCM có những thế mạnh riêng các nơi khác không thể có được, đó là sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ gần chục triệu người. Vì vậy, diện tích gieo trồng rau quả của TP.HCM tăng lên mỗi năm từ diện tích lúa được chuyển đổi.

25/04/2012
Vũng Tàu: Trồng Xen Canh Dưa Hường Với Khoai Mì Vũng Tàu: Trồng Xen Canh Dưa Hường Với Khoai Mì

Trong điều kiện diện tích đất sản xuất bị thu hẹp, nhiều nông dân ở xã Tam Phước (huyện Long Điền - Bà Rịa - Vũng Tàu) đã chọn cách trồng xen dưa hường vào khoai mì, giúp tận dụng tốt diện tích sản xuất, nâng cao thu nhập và giúp cho việc chăm sóc khoai mì hiệu quả cao hơn.

26/06/2012