Cá Thát Lát Cườm Ở Đức Linh (Bình Thuận)
Đến năm 2015, huyện Đức Linh (Bình Thuận) tập trung phát triển nuôi cá thát lát cườm tại các vùng đã quy hoạch nuôi tập trung, gồm Võ Xu 20 ha, Đa Kai 70 ha, Vũ Hòa 35 ha, Đức Tài 24 ha. Đồng thời ưu tiên phát triển, đẩy mạnh phong trào tại các xã có Chi hội nghề cá như Đông Hà, Trà Tân, Đức Hạnh, Đức Tín, Nam Chính.
Từ thực tế khó khăn
Đức Linh hiện có diện tích nuôi trồng thủy sản trên 1.000 ha. Trong đó, đối tượng nuôi chủ yếu là các loại cá thông thường có giá trị kinh tế thấp như trắm cỏ, mè, chép, rô phi, cá trôi… Những năm qua, tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện đang có xu hướng chậm lại. Nguyên nhân do diện tích nuôi phân tán, không tập trung, thị trường tiêu thụ bấp bênh, đối tượng nuôi chưa có sức cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, hình thức nuôi chủ yếu quảng canh, bán thâm canh quy mô nhỏ. Trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu ở các địa bàn lân cận như Tánh Linh, Định Quán - Đồng Nai. Mặt khác, trên địa bàn huyện chưa tập trung nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao, đặc biệt các đối tượng phục vụ chế biến xuất khẩu...
Xuất phát từ thực trạng đó, vào thời điểm cuối năm 2012, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Linh đã xây dựng đề án nuôi cá thát lát cườm. Qua đó, mục tiêu giúp nông dân tiếp cận, nắm bắt đối tượng nuôi mới, tạo vùng nguyên liệu, thị trường ổn định, tăng thu nhập trong sản xuất. Đây cũng là một trong những mô hình phát triển sản xuất khu vực nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Mô hình hứa hẹn hiệu quả kinh tế
Đến tháng 2/2013, Đề án phát triển nuôi cá thát lát cườm, giai đoạn 2013 - 2015 đã được UBND huyện Đức Linh chính thức phê duyệt. Ông Trương Quang Đến - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Linh cho biết, trong năm 2013, địa phương tiến hành hỗ trợ giống để người dân tiếp cận với đối tượng nuôi mới và tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật. Theo đó, trong tháng 5/2013, huyện đã hỗ trợ nông dân thả giống với diện tích 5 sào, tại 5 hộ có đủ điều kiện nuôi ở Trà Tân, Đức Tín, Đức Tài, Võ Xu, Nam Chính. Tham gia mô hình, bà con được hỗ trợ 100% giống và vật tư, tập huấn kỹ thuật theo chính sách khuyến nông, với tổng mức hỗ trợ trong năm 2013 là 33,5 triệu đồng.
Được biết, giá giống thát lát cườm từ 3.000 - 5.000 đồng/con. Từ ngày thả cá giống vào ao nuôi đến khi thu hoạch là 10 tháng. Lúc này, trọng lượng mỗi con cá thát lát cườm đạt khoảng 1,2kg. Với giá bán ở thị trường hiện nay từ 60.000 - 90.000 đồng/kg, người nuôi có thể yên tâm đầu tư và hưởng lợi. Đặc biệt, đối với bà con tham gia mô hình nuôi cá thát lát cườm ở Đức Linh, Phòng Nông nghiệp huyện sẽ tiến hành liên kết với một số doanh nghiệp ngoài tỉnh để thu mua, bao tiêu sản phẩm. Đồng thời khuyến khích phát triển hình thức ký hợp đồng giữa doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ với người nuôi hoặc đại diện các hộ người nuôi với các tổ chức kinh tế hợp tác.
Mặc dù việc triển khai thực hiện nuôi cá thát lát cườm đang bước vào giai đoạn đầu, với không ít những khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, đề án đang từng bước định hướng cho người dân huyện Đức Linh một cách làm mới, góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả trên đơn vị diện tích. Hơn thế nữa, mục đích mà đề án hướng đến là khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất, tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu cá thát lát. Trong đó coi trọng phát triển kinh tế hộ để tận dụng nguồn lực của địa phương, tạo việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống nhân dân.
Cá thát lát cườm (còn gọi là cá nàng hai) là loài cá nước ngọt, có kích thước tăng trưởng nhanh hơn cá thát lát bản thường, sống nhiều ở các nước như Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma... Ở nước ta, cá thát lát cườm tập trung từ khu vực miền Trung trở vào. Đây là loài cá có chất lượng thịt ngon, có thể chế biến thành nhiều món ăn cao cấp. Trong tự nhiên, cá bị khai thác quá mức nên đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Hiện nay, các cơ sở sản xuất có thể lai tạo giống giúp người nuôi chủ động hơn, không phải phụ thuộc vào nguồn giống tự nhiên.
Có thể bạn quan tâm
Tại hội thảo, một số nhà khoa học đánh giá cao dự án phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên song cho rằng cần phải hết sức “bình tĩnh” khi phát triển loại cây này. Theo giáo sư Hoàng Hòe, người đầu tiên đề xuất trồng cây mắc ca, thế giới đã phát triển cây mắc ca trong 50 năm qua với 10 nước tham gia nhưng đến nay, diện tích chỉ đạt khoảng 80.000 ha.
Những ngày cuối năm, nông dân làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà, TP. Hội An, Quảng Nam) tất bật chăm bón rau màu chuẩn bị thu hoạch cung ứng cho thị trường vào dịp tết. Trung bình mỗi ngày làng rau này xuất bán 2 tấn rau các loại cho các chợ và siêu thị lớn tại miền Trung.
Bộ NNPTNT và ngành chức năng đã chính thức cho phép đưa cây trồng biến đổi gen vào sản xuất tại Việt Nam bắt đầu từ năm 2015. Đây là cơ hội mới cho ngành nông nghiệp, nông dân tăng sản lượng, hạn chế sâu bệnh trên các cây trồng, đặc biệt là ngô. Từ số báo này, trên số ra thứ 5 hàng tuần, Báo NTNN mở chuyên mục “Nông dân với cây trồng biến đối gen” nhằm cung cấp mọi khía cạnh về loại cây này đến với bạn đọc, bà con nông dân.
“Đa phần nông dân vùng ven Tuy Hòa này đều trông vào mấy chậu hoa để kiếm chút tết. Đất đai ngày càng hiếm. Nhu cầu cất nhà nhiều quá, đẩy giá đất lên, nhiều bà con cứ cắt đất sản xuất để bán ăn dần. Thành ra nông dân “tay không”, phải đi thuê đất trồng hoa, làm chỉ có huề vốn. Vì vậy, thấy đất bằng mà bỏ không nhiều năm, bà con đánh liều rủ nhau… làm đại!” - bà Thái Thị An ở khu phố Ninh Tịnh 5, phường 9, cho hay.
Lão nông Nguyễn Văn Hưng ở ấp Mỹ Hòa cho biết: “Vụ đông xuân năm trước, tôi làm 7.000m2 lúa OM 5451, bán với giá 5.700 đồng/kg. Năm nay chỉ còn 4.700 đồng/kg; mỗi 1 công lúa (1.000m2) thất thu khoảng 1 triệu đồng. Trừ tất cả các chi phí thì lời không nhiều”.