Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cá Thát Lát Cườm Ở Đức Linh (Bình Thuận)

Cá Thát Lát Cườm Ở Đức Linh (Bình Thuận)
Publish date: Saturday. June 1st, 2013

Đến năm 2015, huyện Đức Linh (Bình Thuận) tập trung phát triển nuôi cá thát lát cườm tại các vùng đã quy hoạch nuôi tập trung, gồm Võ Xu 20 ha, Đa Kai 70 ha, Vũ Hòa 35 ha, Đức Tài 24 ha. Đồng thời ưu tiên phát triển, đẩy mạnh phong trào tại các xã có Chi hội nghề cá như Đông Hà, Trà Tân, Đức Hạnh, Đức Tín, Nam Chính.

Từ thực tế khó khăn

Đức Linh hiện có diện tích nuôi trồng thủy sản trên 1.000 ha. Trong đó, đối tượng nuôi chủ yếu là các loại cá thông thường có giá trị kinh tế thấp như trắm cỏ, mè, chép, rô phi, cá trôi… Những năm qua, tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện đang có xu hướng chậm lại. Nguyên nhân do diện tích nuôi phân tán, không tập trung, thị trường tiêu thụ bấp bênh, đối tượng nuôi chưa có sức cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, hình thức nuôi chủ yếu quảng canh, bán thâm canh quy mô nhỏ. Trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu ở các địa bàn lân cận như Tánh Linh, Định Quán - Đồng Nai. Mặt khác, trên địa bàn huyện chưa tập trung nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao, đặc biệt các đối tượng phục vụ chế biến xuất khẩu...

Xuất phát từ thực trạng đó, vào thời điểm cuối năm 2012, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Linh đã xây dựng đề án nuôi cá thát lát cườm. Qua đó, mục tiêu giúp nông dân tiếp cận, nắm bắt đối tượng nuôi mới, tạo vùng nguyên liệu, thị trường ổn định, tăng thu nhập trong sản xuất. Đây cũng là một trong những mô hình phát triển sản xuất khu vực nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Mô hình hứa hẹn hiệu quả kinh tế

Đến tháng 2/2013, Đề án phát triển nuôi cá thát lát cườm, giai đoạn 2013 - 2015 đã được UBND huyện Đức Linh chính thức phê duyệt. Ông Trương Quang Đến - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Linh cho biết, trong năm 2013, địa phương tiến hành hỗ trợ giống để người dân tiếp cận với đối tượng nuôi mới và tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật. Theo đó, trong tháng 5/2013, huyện đã hỗ trợ nông dân thả giống với diện tích 5 sào, tại 5 hộ có đủ điều kiện nuôi ở Trà Tân, Đức Tín, Đức Tài, Võ Xu, Nam Chính. Tham gia mô hình, bà con được hỗ trợ 100% giống và vật tư, tập huấn kỹ thuật theo chính sách khuyến nông, với tổng mức hỗ trợ trong năm 2013 là 33,5 triệu đồng.

Được biết, giá giống thát lát cườm từ 3.000 - 5.000 đồng/con. Từ ngày thả cá giống vào ao nuôi đến khi thu hoạch là 10 tháng. Lúc này, trọng lượng mỗi con cá thát lát cườm đạt khoảng 1,2kg. Với giá bán ở thị trường hiện nay từ 60.000 - 90.000 đồng/kg, người nuôi có thể yên tâm đầu tư và hưởng lợi. Đặc biệt, đối với bà con tham gia mô hình nuôi cá thát lát cườm ở Đức Linh, Phòng Nông nghiệp huyện sẽ tiến hành liên kết với một số doanh nghiệp ngoài tỉnh để thu mua, bao tiêu sản phẩm. Đồng thời khuyến khích phát triển hình thức ký hợp đồng giữa doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ với người nuôi hoặc đại diện các hộ người nuôi với các tổ chức kinh tế hợp tác.

Mặc dù việc triển khai thực hiện nuôi cá thát lát cườm đang bước vào giai đoạn đầu, với không ít những khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, đề án đang từng bước định hướng cho người dân huyện Đức Linh một cách làm mới, góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả trên đơn vị diện tích. Hơn thế nữa, mục đích mà đề án hướng đến là khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất, tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu cá thát lát. Trong đó coi trọng phát triển kinh tế hộ để tận dụng nguồn lực của địa phương, tạo việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống nhân dân.

Cá thát lát cườm (còn gọi là cá nàng hai) là loài cá nước ngọt, có kích thước tăng trưởng nhanh hơn cá thát lát bản thường, sống nhiều ở các nước như Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma... Ở nước ta, cá thát lát cườm tập trung từ khu vực miền Trung trở vào. Đây là loài cá có chất lượng thịt ngon, có thể chế biến thành nhiều món ăn cao cấp. Trong tự nhiên, cá bị khai thác quá mức nên đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Hiện nay, các cơ sở sản xuất có thể lai tạo giống giúp người nuôi chủ động hơn, không phải phụ thuộc vào nguồn giống tự nhiên.


Related news

Bò ngoại trên đất khó Bò ngoại trên đất khó

Nằm trong vùng sinh thái có khí hậu đặc thù của Tây Nguyên, lượng mưa trung bình năm đạt 1.600 – 1.800 mm, với diện tích đồng cỏ tự nhiên rộng lớn, đa dạng rất thích hợp với phát triển chăn nuôi đại gia súc, việc đưa bò ngoại vào chăn nuôi thử nghiệm tại huyện M’Drak thành công đã mở ra nhiều triển vọng mới cho ngành chăn nuôi Dak Lak.

Tuesday. May 19th, 2015
Tháo gỡ khó khăn trong chăn nuôi an toàn sinh học Tháo gỡ khó khăn trong chăn nuôi an toàn sinh học

Hộ gia đình ông Nguyễn Thanh Liêm ở ấp Lương Phú B, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) chăn nuôi gà tre theo mô hình an toàn sinh học cho thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng.

Tuesday. May 19th, 2015
Ngành chăn nuôi nhập giống tốt thay vì lưu giữ giống bản địa Ngành chăn nuôi nhập giống tốt thay vì lưu giữ giống bản địa

Để giúp ngành chăn nuôi trong nước tăng nhanh sản lượng thịt, sữa, giảm lượng nhập khẩu thì chỉ còn một cách là phải nhập nhiều hơn nữa các giống gia súc, gia cầm có năng suất, chất lượng cao từ các nước trên thế giới về cho người dân, doanh nghiệp chăn nuôi.

Tuesday. May 19th, 2015
Thức ăn chăn nuôi nội ngoại so găng Thức ăn chăn nuôi nội ngoại so găng

Thức ăn chăn nuôi (TACN) được đánh giá là lĩnh vực kinh doanh đầy tiềm năng trong các năm sắp tới. Hiện các doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm thị phần áp đảo nhưng đã bắt đầu có những tín hiệu “phản công” từ các doanh nghiệp nội.

Tuesday. May 19th, 2015
Lo chống nắng nóng cho gia súc, gia cầm Lo chống nắng nóng cho gia súc, gia cầm

Ngày 15-5, thông tin từ Bộ NN-PTNT cho biết, Cục Chăn nuôi vừa có công văn gửi sở NN-PTNT các tỉnh ở miền Bắc và Trung bộ đề nghị phối hợp triển khai các biện pháp phòng chống nắng nóng và thiệt hại cho đàn gia súc và gia cầm.

Tuesday. May 19th, 2015