Cá nước lạnh đóng băng
Cá tầm “chật vật”, cá hồi “lặn” dần
Theo số liệu thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, năm 2014, toàn tỉnh có hơn 40 dự án đăng ký đầu tư nuôi cá nước lạnh với tổng vốn trên 1.100 tỷ đồng. Theo lộ trình của Đề án “Quy hoạch nuôi cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020”, năm 2015, tỉnh Lâm Đồng sẽ có 30ha mặt nước nuôi cá hồi vân cùng 40 - 50ha mặt nước nuôi cá tầm với khoảng 200 lồng, nhằm đạt sản lượng 600 tấn cá hồi và 900 tấn cá tầm. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích nuôi cá nước lạnh toàn tỉnh chỉ còn khoảng 30ha với 11 doanh nghiệp tham gia nuôi trực tiếp. Sản lượng cá năm 2014 đạt 550 tấn, nhưng đến đầu năm 2015 con số này đã liên tục giảm.
Nhiều doanh nghiệp tiên phong nuôi cá nước lạnh từ năm 2007 đã phải “dừng cuộc chơi” hoặc chỉ nuôi cầm chừng như Công ty cổ phần Giang Ly, Trạm Nghiên cứu cá nước lạnh Tây Nguyên (xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương), Công ty TNHH MTV Cá tầm Việt Nam (hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt). Ông Trần Văn Hào, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng, cho biết, diện tích nuôi cá tầm đang giảm, còn cá hồi thì hầu như không còn doanh nghiệp nào dám nuôi thương phẩm.
Là một trong những đơn vị tham gia từ năm 2007, đến nay, Công ty TNHH Ngọc Mai Trang đang có 8ha diện tích mặt nước nuôi cá nước lạnh tập trung tại huyện Lạc Dương. Nhưng hiện tại, doanh nghiệp này chỉ khai thác với diện tích khoảng 3ha, tất cả đều là cá tầm.
Ông Vũ Bá Liên (Quản lý ngành nuôi cá nước lạnh Công ty TNHH Ngọc Mai Trang), cho biết, trước đây, công ty có nuôi cá hồi nhưng gặp rất nhiều khó khăn nên đã dừng nuôi và chuyển hẳn sang nuôi cá tầm thương phẩm. Còn theo đại diện của Trạm nghiên cứu cá nước lạnh Tây Nguyên (xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương), trạm hiện đang có 2ha diện tích mặt nước nuôi và nghiên cứu cá nước lạnh. Dù đã chủ động được nguồn giống và sở hữu đội ngũ kỹ thuật tốt nhưng hiện nơi đây cũng chỉ dám phát triển cầm chừng, chủ yếu nuôi cá tầm và nghiên cứu phát triển giống cá hồi.
Nhiều khâu thiếu, yếu
Theo kết quả khảo sát của Sở NN-PTNT Lâm Đồng, trong tổng diện tích 20.000ha mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản của Lâm Đồng thì diện tích mặt nước hội đủ điều kiện nuôi cá nước lạnh còn rất lớn. Tuy nhiên, điều kiện để người nông dân đầu tư nuôi mới hoặc chuyển từ nuôi cá truyền thống sang nuôi cá nước lạnh lại không dễ thực hiện, nhất là về vốn, thị trường, kỹ thuật và thời tiết.
Ông Trần Văn Hào cho biết, thời tiết đang ngày càng nóng lên, nguồn nước bị ô nhiễm là vấn đề thách thức với ngành nuôi cá nước lạnh ở Lâm Đồng. Cá tầm và cá hồi rất dễ nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết, nguồn nước, chỉ cần nguồn nước có sự biến đổi là cá chết ngay. Bên cạnh đó, về giống, chúng ta mới sản xuất được giống cá hồi, nhưng quy mô còn hạn chế; riêng cá tầm vẫn phải nhập khẩu trứng đã thụ tinh, với giá khá cao, khoảng 700 triệu đồng/kg. Khó khăn về nguồn thức ăn cũng đang là vấn đề, đa phần phải nhập khẩu nên giá thành cao.
Còn theo đại diện Trạm Nghiên cứu cá nước lạnh Tây Nguyên, nguồn nhân lực trong nghề nuôi cá nước lạnh còn thiếu và yếu, sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm tự mày mò là chính. Do đó, chất lượng sản phẩm không ổn định, hiệu quả chưa cao. Đồng thời, nghề nuôi cá nước lạnh cũng đang phải đối diện vấn đề dịch bệnh, nhưng các biện pháp kỹ thuật, thuốc sử dụng trong phòng trừ dịch bệnh chưa có nên các doanh nghiệp không dám liều lĩnh. Cùng với đó là vấn đề thị trường, cá nước lạnh của Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt với với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc.
“Có giai đoạn cá tầm Trung Quốc được nhập ồ ạt về Việt Nam bán với giá rẻ, chỉ bằng một phần ba so với giá cá trong nước khiến doanh nghiệp chúng tôi gặp khó khăn”, ông Vũ Bá Liên (Công ty Ngọc Mai Trang) chia sẻ.
Theo ông Trần Văn Hào, để ngành nuôi cá nước lạnh Lâm Đồng có thể khởi sắc trở lại, cần nhanh chóng khảo sát lại nguồn nước, sự biến đổi khí hậu ở các khu vực được chọn để nuôi cá nước lạnh; các cơ chế, chính sách dành cho lĩnh vực này cần thông thoáng hơn; nguồn giống, thức ăn, thuốc chữa bệnh cần phải được chủ động…
Có thể bạn quan tâm
Rồng đất (còn gọi là kỳ tôm hay càng tôm) sống trong môi trường hoang dã, là đặc sản của các nhà hàng ở Tây Nguyên thời gian gần đây.
Thông tin từ UBND huyện Sơn Động (Bắc Giang), Công ty TNHH Nippon Zoki Việt Nam (Ninh Bình) vừa ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm thỏ dược liệu cho HTX chăn nuôi thỏ Hợp Thành (Sơn Động).
Có thể nói, nhiều địa phương ven biển ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, con tôm rất được kỳ vọng để giúp người dân đổi đời, giúp địa phương phát triển kinh tế. UBND xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) thừa nhận, hồi trước đời sống người dân vùng này rất cơ cực, cứ mãi thiếu trước hụt sau, bởi sản xuất nông nghiệp không hiệu quả.
Ba xã miền núi, vùng cao: Đông Giang, Đông Tiến, La Dạ huyện Hàm Thuận Bắc có 721 ha bắp lai bị khô héo, thiệt hại trên 1,2 tỷ đồng. Trong khi đó, ở các xã Hòa Thắng, Phan Lâm, Phan Sơn huyện Bắc Bình 687 ha đậu phụng, bắp lai, cây lâm nghiệp của hơn 400 hộ xuống giống 2 tháng gặp phải khô hạn, héo úa, không lên nổi; thiệt hại gần 1,3 tỷ đồng.
Chiều! Mực nước sông Hậu vừa rún ròng, cũng là lúc “ngư phủ” dong xuồng bủa lưới bắt cá. Đang ở cuối mùa đánh bắt cá bông lau nên bà con chuyển sang giăng lưới cá thu. Cứ thế, cuộc sống mưu sinh trên sông nước xoay vòng theo năm tháng.