Cá ngừ rớt giá, ngư dân chuyển hướng làm ăn
Theo các chủ tàu, so với chuyến biển câu cá ngừ đại dương kéo dài 1 tháng với chi phí hàng trăm triệu đồng, thì hành nghề lưới chuồn chỉ khoảng 20 ngày, nhờ vậy chi phí cho mỗi chuyến biển chỉ từ 60 đến 70 triệu đồng. Mặt khác, ngư trường hành nghề lưới chuồn rộng, cá chuồn dồi dào và giá cá ổn định ở mức từ 17.000 đến 20.000 đồng/kg nên hiệu quả kinh tế mang lại cao.
Ngư dân Nguyễn Văn Long ở phường Phú Đông, TP Tuy Hòa cho hay, đã chuyển sang nghề lưới chuồn hơn 1 tháng nay. Để hành nghề này, ông sắm dàn lưới hơn 200 triệu đồng. Hai chuyến biển vừa qua, tàu của ông đạt sản lượng 8 tấn cá/chuyến, với giá bán 20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi gần 100 triệu đồng. “Hành nghề lưới chuồn dễ thở hơn hẳn so với câu cá ngừ đại dương, vì chi phí thấp, giá cá lại ổn định, đảm bảo có lãi”, ông Long nói.
Trước khi hành nghề lưới chuồn, đầu năm 2015, tàu của ông câu cá ngừ đại dương ở ngư trường Trường Sa. Chuyến biển kéo dài 1 tháng nhưng chỉ câu được 15 con, tương đương 8 tạ cá. Với giá cá 130.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lỗ gần 80 triệu đồng. Theo ông Long, không chỉ riêng ông, ở phường Phú Đông có hàng chục ngư dân đã chuyển sang hành nghề lưới chuồn, thay vì đi câu cá ngừ đại dương như trước đây.
Sáng 16/5, gần chục tàu của ngư dân phường 6 cập bến, mang theo gần trăm tấn cá chuồn cùng nhiều loại hải sản khác, sau chuyến biển kéo dài 20 ngày. Nhiều xe tải ở các tỉnh đến vận chuyển cá đi tiêu thụ. Ngư dân Lê Tấn Hiệp chia sẻ: Ngoài 5 tấn cá chuồn, tàu của tôi còn câu được cá hố, mực… bán 130 triệu đồng, lãi khoảng 70 triệu đồng.
Theo ông Phan Thuẩn, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6, đến thời điểm này đã có gần 120 tàu trong tổng số 180 tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân trong phường chuyển sang làm nghề lưới chuồn hoặc vừa câu cá ngừ đại dương, vừa lưới chuồn.
Theo Sở NN-PTNT, hiện có khoảng 2/3 trong khoảng 650 tàu cá của ngư dân trong tỉnh đã chuyển sang hành nghề lưới chuồn hoặc vừa hành nghề lưới chuồn vừa câu cá ngừ đại dương. Việc ngư dân đa dạng hóa sản phẩm nằm trong định hướng phát triển khai thác thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, nếu các tàu đồng loạt chuyển sang hành nghề lưới chuồn ở vùng biển lộng mà bỏ vùng biển xa thì không ổn chút nào.
“Mặc dù trong thời gian qua, ngư dân trong tỉnh được hỗ trợ trên 200 tỉ đồng để trang trải chi phí chuyến biển theo chủ trương của Chính phủ, nhưng trước thực trạng giá cá ngừ xuống thấp như hiện nay thì việc hỗ trợ này cũng không thể giúp ngư dân toàn tâm, toàn ý yên tâm bám biển. Vì vậy, vấn đề đặt ra lúc này là tỉnh phải đẩy nhanh triển khai đề án Thí điểm khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi, nhằm tạo ra liên kết chặt chẽ theo chuỗi giữa các khâu; đảm bảo giá trị kinh tế và hài hòa lợi ích cho các bên tham gia”, một lãnh đạo Sở NN-PTNT nói.
Có thể bạn quan tâm
Dù mới bán thí điểm tại chợ Hòa Bình (Q.5, TP.HCM), nhưng nhiều người tiêu dùng từ xa không ngại khó tìm đến đây chỉ để mua thịt heo VietGAP với mong muốn có bữa ăn an toàn.
Mặc dù được coi là “vựa” nông sản của cả nước, nhưng những ngày gần đây từ khắp các chợ đầu mối cho đến các chợ vùng nông thôn ở các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều tràn ngập các loại nông sản Trung Quốc (TQ).
Giống táo lõi hồng có tên Hidden Rose, hay còn được gọi là Airlie Redflesh, là giống táo Mỹ được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Trong một thời gian ngắn, hàng loạt đồng lúa hai vụ ở Cà Mau biến thành đồng nước mặn để nuôi tôm. Người dân biết rõ việc tự ý đưa nước mặn vào nuôi tôm, phá vỡ quy hoạch nông nghiệp là sai nhưng vẫn bất chấp, trong khi chính quyền buông lỏng quản lý…
Đó là thông tin do Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cung cấp tại buổi giao ban xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2015 do Bộ Công thương tổ chức sáng 12.10 tại TP.HCM.