Cá Mú Nghệ Khó Bán
Hiện cá mú nghệ thương phẩm tại Khánh Hòa được thương lái thu mua ở mức 140-150 ngàn đ/kg, giảm 100 ngàn đ/kg so với những năm trước. Mặc dù giá thấp nhưng vẫn khó tiêu thụ.
Người nuôi cá mú nghệ đang điêu đứng vì điều này.
Ông Nguyễn Hoá, tổ dân phố Bãi Giếng Nam, thị trấn Cam Đức (Cam Lâm, Khánh Hòa), một người có thâm niên nuôi cá mú đen và mú nghệ cho biết: “Thời điểm này giá cá mú đen thương phẩm được thương lái thu mua ở mức từ 200-210 ngàn đ/kg (loại 1-1,4kg/con) giảm từ 30-50 ngàn đ/kg so với đầu năm.
Tuy nhiên, với mức giá trên nếu người nuôi không bị hao hụt trên 50%, thì vẫn có lãi khá, từ 20-30 ngàn đ/kg. Nhưng với cá mú nghệ thì ngược lại, hiện giá chỉ ở mức từ 140-150 ngàn đ/kg, giảm 100 ngàn đ/kg so với mọi năm, đã vậy lại còn rất khó bán.
“Như gia đình tôi có 2 ao với tổng diện tích 6.000m2, thả 1.200 con cá mú nghệ, đến nay đã nuôi được 30 tháng. Trong quá trình nuôi cá bị hao hụt chỉ còn khoảng 500 con. Lứa cá này gia đình tôi đầu tư gần tỷ đồng nhưng vẫn chưa bán được. Hiện mất thêm khoảng 3 triệu đ/ngày tiền mua cá mồi cho ăn, rất tốn kém”, ông Hoá buồn rầu.
Còn ông Phan Hữu Cầu, người nuôi cá mú nghệ than vãn: “Mọi năm giờ này thương lái đã lùng sục các chủ đìa để thu mua tập kết tại cảng Cam Ranh rồi XK sang Trung Quốc tiêu, nhưng nay chẳng thấy ai hỏi han gì. Thấy xót ruột quá gia đình tôi đành bán lẻ, mỗi đợt từ 10-15 con, với giá 150 ngàn đ/kg. Trong ao vẫn còn tồn khoảng 300 con chưa có người mua”.
Theo ông Cầu, chi phí đầu tư tiền giống, thức ăn, công cho lứa cá này suốt 3 năm nay lên trên 1 tỷ đồng. Thả hơn 1.000 con, nay hao hụt còn một nửa, với giá hiện nay nếu bán sạch ao thua lỗ từ 100-150 triệu đ.
Ông Nguyễn Văn Thư, cán bộ quản lý nông nghiệp thị trấn Cam Đức cho biết: Hiện tại địa phương có 7 hộ đầu tư nuôi cá mú nghệ. Giai đoạn từ năm 2003-2012, cá mú nghệ có giá ổn định từ 200-240 ngàn đ/kg người nuôi có lãi cao.
Tuy nhiên khoảng 2 năm nay, cá mú nghệ bắt đầu rớt giá khiến người nuôi điêu đứng. Hiện khu vực thị trấn còn tồn khoảng 40 tấn cá.
Tại các phường Ba Ngòi, Cam Phúc Nam (TP Cam Ranh), cũng xảy ra tình cảnh tương tự. Nhiều bè nuôi cá mú đến kỳ thu hoạch không bán được.
Ông Trần Văn Tâm, một thương lái thu mua cá mú ở phường Cam Nghĩa cho hay: Cá mú nghệ hiện chỉ tiêu thụ nội địa, chủ yếu TP HCM nên giá thấp và lượng không nhiều. Còn nguyên nhân vì sao 2 năm nay khách hàng Trung Quốc không sang mua thì các thương lái cũng không rõ!.
Có thể bạn quan tâm
Theo đánh giá của Bộ NN và PTNT, tình hình xuất khẩu khó khăn, giá nguyên liệu thấp cộng với dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất tôm nước lợ, đặc biệt tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Trước tình hình đó, Bộ trưởng NN và PTNT đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị giải quyết khó khăn đối với ngành hàng này.
Cư dân vùng sông nước xem cá vược như loài ngư tinh với bao huyền tích. Vượt qua những quan niệm lạc hậu, ngư dân đầm phá Tam Giang (Thừa Thiên Huế) đã mạnh dạn “mang” loài cá này vào nuôi thương phẩm để trở thành một đặc sản giá trị.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) Tiền Giang vừa có văn bản hướng dẫn UBND huyện Tân Phú Đông về việc khai thác sò huyết giống tự nhiên trên khu vực cồn Ngang thuộc xã Phú Tân.
Ngay sau vụ việc 14 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn Đồng Nai bị Chi cục Thú y tỉnh kiểm tra, phát hiện vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, Chi cục Thú y TP.Hồ Chí Minh đã kiểm tra các cơ sở giết mổ. Trong 222 mẫu xét nghiệm, cơ quan chức năng phát hiện có 31 mẫu dương tính với chất cấm, trong đó có 20 mẫu được cho là có nguồn gốc từ Đồng Nai.
Sau hơn 20 năm lăn lộn trên thương trường, giờ đây ông làm chủ một trang trại chăn nuôi quy mô hiện đại với tổng doanh thu mỗi năm hàng tỷ đồng. Đó là cựu chiến binh Lương Văn Tuấn ở thôn Gia Tiến, xã Tân Trung, huyện Tân Yên (Bắc Giang).