Cà Mau nông dân lao đao vì tôm rớt giá
Nếu không có giải pháp can thiệp kịp thời từ phía Nhà nước thì chỉ tiêu xuất khẩu của ngành Thủy sản năm nay chắc chắn sẽ gặp nhiều thách thức.
“Khóc ròng” vì tôm rớt giá
Con số cụ thể minh chứng cho thực trạng này là giá tôm sú loại 20 con/kg hiện chỉ còn 255.000 đồng/kg; loại 30 con/kg còn 175.000 đồng/kg, giảm từ 25.000 - 50.000 đồng/kg so với trước. Đối với giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg chỉ còn 80.000 đồng/kg; loại 90 con/kg giá 85.000 đồng/kg, giảm 30.000 đồng/kg so với tháng trước.
Nguyên nhân khiến giá tôm nguyên liệu giảm mạnh được ngành chức năng nhìn nhận đó là do thời gian gần đây, sản lượng tôm nuôi ở một số nước trong khu vực như Ấn Độ, Thái Lan... đã phục hồi, nguồn cung cho thị trường tăng so với cùng kỳ nên các nhà nhập khẩu còn chờ đợi, chưa ký hợp đồng vì không lo thiếu nguồn hàng. Trước tình hình này, tỉnh Cà Mau tăng cường chỉ đạo trong công tác phối hợp giữa các lực lượng, đặc biệt là rà soát lực lượng cán bộ khuyến nông - khuyến ngư, lực lượng cán bộ thú y…
Chủ động sắp xếp, phân giao địa bàn một cách cụ thể; kết hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa với chính quyền địa phương. Tăng cường các hoạt động quản lý chuyên ngành; quản lý các yếu tố đầu vào như thuốc thú y, giống thủy sản… Khi có dịch bệnh thì kiên quyết xử lý, tránh tình trạng xử lý không triệt để khiến dịch bệnh bùng phát. Tăng cường hơn nữa công tác đào tạo tập huấn khuyến nông, khuyến ngư; hoàn thành các tài liệu tuyên truyền vì hiện nay nguồn kinh phí để thực hiện công tác này đã được đáp ứng đủ.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau - Châu Công Bằng: “Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đẩy mạnh và phát huy tối đa loại hình tập huấn tại hiện trường bằng hình thức liên kết, lần đầu tiên sẽ tổ chức tại huyện Phú Tân, với tên gọi “Một mô hình nhiều người biết, còn hơn là nhiều mô hình mà không ai biết mà áp dụng”; công tác tập huấn phải gắn với mô hình cụ thể, từ đó làm nền tảng xây dựng những mô hình bền vững, xây dựng những mô hình ngay trong vùng dịch, từ đó làm cơ sở để nhân rộng.
Quan tâm nghiên cứu, xem xét ứng dụng các mô hình mới như công nghệ tuần hoàn nước, mô hình nhà kín… Cũng theo ông Châu Công Bằng, để tạo bước đột phá, ngoài việc chỉ đạo các cấp bám sát cơ sở, có những hình thức hoàn toàn mới mang lại hiệu quả thiết thực hơn trước: Tổ chức họp giao ban thường xuyên ngay tại cơ sở, ngay những huyện trọng điểm về nuôi trồng thủy sản.
Đồng thời sẽ không “ngồi” ở huyện mà xuống tận mô hình của dân; nghe dân nói, cùng làm với dân từ đó sẽ tìm biện pháp tháo gỡ kịp thời. Duy trì các hoạt động khác như phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông nông thôn, bám sát thị trường… từ đó làm cơ sở, căn cứ khuyến cáo cũng như hỗ trợ kịp thời cho người dân.
Tập trung phát triển kinh tế thủy sản của Cà Mau phải gắn liền với công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cụ thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong dân, ưu tiên phát triển diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến, đẩy mạnh hình thức nuôi tôm theo hình thức sinh thái. Riêng đối với hình thức nuôi tôm công nghiệp thì chỉ khuyến khích đối với những hộ có vốn và có kinh nghiệm, không để tình trạng thất bại do nuôi đại trà như trước đây nữa.
Hạn hán và dịch bệnh
Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay tình hình hạn hán và xâm nhập mặn đang ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Ước tính, hơn 2 tháng nay, hạn hán đã gây thiệt hại cho nông dân Cà Mau lên tới hàng chục tỷ đồng. Khô hạn đã làm gần 5.000ha đất nuôi tôm cũng bị khô nước, trong đó có gần 1.000ha nuôi tôm trái vụ bị chết… Dự báo tình hình khô hạn sẽ còn tiếp tục ít nhất cho tới giữa tháng 5 mới được cải thiện. Hiện nay, nông dân rất lo lắng khi tiếp tục đầu tư sản xuất. Để giải quyết khó khăn này, hiện nay ngành Nông nghiệp đang khẩn trương tìm biện pháp khắc phục và đưa ra nhiều khuyến cáo đối với nông dân.
Còn theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, toàn tỉnh hiện có gần 10.000ha đất nông nghiệp bị xâm mặn, trong đó bao gồm xâm mặn từ biển, xâm mặn từ các con sông nội địa và xâm mặn từ vùng giáp ranh giữa nước mặn và nước ngọt. Toàn tuyến ven biển Cà Mau dài 254km, bao gồm ven biển Đông và ven biển Tây đều bị xâm mặn, phổ biến là xâm mặn từ đê biển vào đất liền từ 1 - 2km, thậm chí có nơi xâm mặn vào sâu tới 3km. Riêng vùng giáp ranh mặn ngọt tình trạng xâm mặn phần lớn là do người dân tự phát đưa nước mặn vào ruộng để nuôi tôm.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đầm Dơi - Nguyễn Quốc Thống thông tin: Do thời tiết và dịch bệnh nên toàn huyện tổng diện tích nuôi tôm công nghiệp bị thiệt hại ước khoảng trên 62 ha, giảm gần 50% so với cùng kỳ. Hiện nay, tình trạng nông dân “treo” đầm không diễn ra; người nông dân đã có ý thức hơn trong việc tuân thủ lịch thời vụ và những khuyến cáo của ngành chức năng; tình hình sản xuất trong tầm kiểm soát.
Ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, các hộ nuôi tôm sú quảng canh cải tiến tập trung ở các huyện Đầm Dơi, Cái Nước và Phú Tân bị mất mùa do hạn hán kéo dài, toàn bộ ao đầm nuôi tôm bị khô nước. Nhiều hộ dân đã dùng máy bơm nước từ sông vào để cứu tôm nhưng không hiệu quả. Ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân tạm dừng thả tôm nuôi quảng canh trái vụ, trừ nuôi công nghiệp...
Về xâm nhập mặn, đối với tuyến ven biển Cà Mau đã được Trung ương đầu tư 1.300 tỷ đồng trong chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, từ nay đến năm 2020, địa phương sẽ nâng cấp toàn tuyến đê biển Tây để khắc phục tình trạng xâm mặn. Riêng ven biển Đông, tới đây Trung ương cũng sẽ đầu tư làm đê cơ bản. Đối với xâm mặn từ các con sông nội địa, chính quyền địa phương sẽ vận động người dân chung tay cùng với Nhà nước đắp bờ ngăn mặn. Bên cạnh đó, cũng sẽ kiên quyết xử lý những hành vi tự phát đưa nước mặn vào ruộng để nuôi tôm, như vậy sẽ khắc phục được tình trạng xâm mặn vùng giáp ranh mặn ngọt.
Phó Tổng Thư ký Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản tỉnh - Đặng Quang Lan chia sẻ: Thời gian tới tỉnh sẽ quyết tâm xây dựng cho bằng được những vùng nuôi an toàn mà cụ thể là những “khu công nghệ cao”. Muốn làm được như vậy cần phải tuân thủ theo các quy trình kỹ thuật một cách triệt để; có những chương trình phối, kết hợp một cách cụ thể, rõ ràng. Mặt khác Hội sẽ cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng vùng nuôi, gắn với nhà máy chế biến; vừa tạo đầu ra cho sản phẩm sạch, vừa đủ nguồn nguyên liệu để hoạt động.
Với nhiều giải pháp được xem là đồng bộ, tin chắc rằng con tôm Cà Mau sẽ được “cứu” và ngành kinh tế thủy sản sẽ vẫn giữ được vai trò mũi nhọn trong nền kinh tế. Song, hơn ai hết nông dân phải tuân thủ theo các khuyến cáo của ngành chức năng trong lịch thời vụ lẫn công tác phòng, chống dịch bệnh và tái sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
Theo tin từ Bộ Công thương, Thương vụ Việt Nam tại Ô-xtrây-li-a vừa cho biết, Bộ Nông nghiệp Ô-xtrây-li-a đã có văn bản chính thức cho phép nhập khẩu trái vải tươi của Việt Nam.
Việc Bộ Nông nghiệp Mỹ và Úc cho phép Việt Nam xuất nhãn, vải vào những thị trường này là một điều hết sức đáng mừng.
Với gần 1.000 ha tiêu, trong đó 70% đã cho thu hoạch của xã dân tộc thiểu số biên giới Lộc An chiếm 1/4 diện tích tiêu Lộc Ninh và gần 10% diện tích của tỉnh Bình Phước. Hữu cơ hóa vườn để sản xuất tiêu sạch bền vững, những “vua” trồng tiêu ở Lộc An đã góp phần dẫn dắt giá cả tiêu Việt Nam trên thị trường quốc tế. Và mùa thu hoạch năm 2015, người trồng tiêu ở Lộc An vui hơn bởi giá bán luôn ở mức trên 200 ngàn đồng/kg (tiêu trên 500g/lít)...
Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam vừa phối hợp với Hiệp hội Nông dân Thuốc lá Thế giới tổ chức “Diễn đàn Hiệp hội Nông dân Thuốc lá Thế giới (ITGA) – Khu vực Châu Á”. Đại diện của 8 quốc gia trong khu vực châu Á đã có mặt và tham dự diễn đàn này.
Ngày 24.4, Hội Làm vườn tỉnh Bình Định phối hợp với UBND xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát) và xã Bình Tân (huyện Tây Sơn) tổ chức hội nghị đầu bờ mô hình trồng đậu phụng thâm canh xen mì vụ Đông Xuân với sự tham gia của hàng trăm hộ nông dân tại địa phương.