Cà Mau Bảo Vệ Nguồn Lợi Cá Đồng Bắt Đầu Từ Ý Thức Của Người Dân

Vào mùa khô, mùa thu hoạch cá đồng, người nuôi cá lựa bắt những con cá lớn để bán, con nào còn nhỏ giữ lại để làm cá giống cho mùa sau. Khi mùa mưa đến, cá mang trứng ra môi trường tự nhiên để đẻ con. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm cả cá mẹ và cá non bị săn bắt ráo riết, nếu không có biện pháp bảo vệ kiên quyết thì nguồn lợi cá đồng sẽ cạn kiệt nhanh.
Tuy mới bắt đầu mùa sinh sản, cá con rất nhỏ nhưng vì lợi ích kinh tế trước mắt, nhiều nông dân thiếu ý thức săn bắt cá mẹ, dùng lưới mành, lưới mùng, lưới ba màng kích thước lỗ rất nhỏ kéo bắt cá non để cải thiện bữa ăn, thậm chí bán với giá cao, vi phạm quy định về quản lý thuỷ sản. Theo tính toán của các lão nông tri điền, nếu năm nào nước lớn (mưa nhiều) thì 1 tấn cá non thả ra, 1 năm sau có thể cho thu hoạch hàng trăm tấn cá thương phẩm.
Huyện Trần Văn Thời và U Minh (Cà Mau) là 2 địa phương được xem là cái nôi của con cá đồng. Tuy nhiên, với sự khai thác quá mức, thiếu ý thức dẫn đến nguồn lợi này cạn kiệt nhanh.
Ông Lê Thanh Triều, Chủ tịch UBND huyện U Minh, cho biết, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp bảo vệ nguồn lợi cá non trên toàn bộ diện tích đất lâm phần U Minh Hạ, huyện U Minh đang tích cực triển khai đợt tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về trách nhiệm bảo vệ cá non, nghiêm cấm mọi hình thức săn bắt, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ cá non trên phạm vi toàn tỉnh.
Huyện cũng giao trách nhiệm cho chủ tịch xã, các lâm trường, công ty lâm nghiệp thực hiện tốt công tác quản lý, đồng thời tổ chức thả cá non xuống ruộng khi mùa mưa bắt đầu nhằm bảo đảm cho cá phát triển, sinh trưởng đúng thời vụ.
Ông Nguyễn Văn Việt, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, cho biết, một thực tế tồn tại là người nuôi cá thì giữ cá, còn người không nuôi cá thì tìm mọi cách để bắt cá. Ðiển hình như dùng vịt con nhấp dụ bắt cá lóc mẹ khi mới đẻ trứng, sau đó khi cá con nở ra thì dùng lưới màng, lưới mùng kích thước lỗ rất nhỏ kéo bắt cá non để bán.
Theo quy định của ngành chức năng, người dân chỉ được mua bán cá đồng đối với loại cá có đủ kích cỡ, trọng lượng như cá lóc 6 con/kg trở lên, cá rô đạt 10 con/kg, cá bổi 10 con/kg… Loại cá có trọng lượng thấp hơn không được phép mua bán.
Anh Phan Thanh Toàn, nông dân xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, cho biết, trước đây người dân dùng lưới để bắt cá, sau đó chọn cá đủ kích cỡ để bán, cá non thả lại làm cá giống, nhưng hiện nay do cá non bán với giá khá cao nên người dân dùng mọi hình thức bắt. Ðây chính là nguyên nhân làm cho nguồn cá non bị tận diệt.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, do chuyển sang làm 2 vụ lúa trên năm, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định cũng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh sản và phát triển của các loài cá đồng. Cộng với nạn trộm cá bằng xiệc điện làm nguồn lợi cá đồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Phạm Thế Tài, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT, cho biết, để ngăn chặn tình trạng bắt cá non, Sở NN&PTNT đã thành lập đội kiểm tra liên ngành kiểm tra thực tế tình trạng mua bán, vận chuyển cá non tại các chợ trong tỉnh.
Ðồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho mọi người dân có ý thức bảo vệ cá non, cũng chính là bảo vệ quyền lợi cho người nuôi cá. Ðối với hành vi bán và mua cá non, sở kiên quyết xử lý với hình thức tịch thu hoặc xử lý hành chính, buộc thả cá trở lại ao đìa.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2013, lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm có bước phát triển hơn so với năm ngoái. Tuy nhiên, kết quả không đạt kế hoạch đề ra, người chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do giá thức ăn tăng cao, giá bán ra thị trường thấp. Trước thực trạng thua lỗ, người chăn nuôi khó có thể tăng đàn.

Anh sử dụng gà trống chọi địa phương cho lai với gà Lương Phượng thuần chủng sinh sản (tỷ lệ 12 con gà mái/1 gà trống). Gà Lương Phượng sinh trưởng, phát triển khỏe, sức đề kháng tốt và bắt đầu đẻ trứng sau 6 tháng nuôi. Anh Quang cho biết: "Hằng ngày, đàn gà Lương Phượng của gia đình tôi đẻ trứng đạt tỷ lệ từ 75-80%, tương đương với giống gà lấy trứng thương phẩm CP, nhưng quả trứng to và đều hơn. Trứng ra bao nhiêu đều được chủ các lò ấp nở ở huyện Gia Lộc đặt mua hết với giá khoảng từ 3.500-4.000 đồng/quả.

Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, địa phương khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng trên những chân ruộng canh tác gặp nhiều khó khăn nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất. Trong vụ đông xuân 2013 - 2014, Tiền Giang chỉ gieo sạ 78.500 ha, giảm khoảng 2.000 ha so với vụ đông xuân năm trước. Diện tích giảm trên được chuyển đổi sang trồng màu tết, lập vườn trồng cây ăn quả đặc sản hoặc cây trồng phù hợp khác.

Trồng tre điền trúc lấy măng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân ấp 2 và ấp 3, xã Thành Tâm (Chơn Thành - Bình Phước). Năm nay mùa mưa đến sớm, mưa nhiều nên được mùa măng.

Trước kia, người dân xã Hồng An (Hưng Hà - Thái Bình) chủ yếu thu nhập từ 2 vụ lúa nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Gần chục năm trở lại đây, nông dân trong xã đã chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang sản xuất đa dạng các loại cây rau màu giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Trồng rau màu cho thu nhập cao, ổn định, bình quân trên 200 triệu đồng/ha/năm.