Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cả Huyện Cùng Diệt Chuột

Cả Huyện Cùng Diệt Chuột
Ngày đăng: 29/06/2013

Nhằm khuyến khích nhân dân chung tay diệt chuột bảo vệ mùa màng, nhiều xã đã hỗ trợ kinh phí thu mua đuôi chuột với giá từ 2.000 - 3.000 đồng/đuôi...

Chúng tôi có mặt tại cánh đồng khu Vô Hối, thị trấn Thanh Miện (Hải Dương) khi anh em trong tổ diệt chuột của khu đang phối hợp vây bắt chuột. Ông Trần Văn Hợp, Tổ trưởng cho biết: "Mặc dù tổ diệt chuột chỉ có 3 người, ra quân chừng hai giờ đồng hồ nhưng bằng các biện pháp thủ công: đào hang, đổ nước anh em trong tổ đã bắt được hơn 60 con".

Tuy nhiên, thị trấn có 6 khu dân cư nhưng chỉ có Vô Hối duy trì được hoạt động của tổ diệt chuột, hơn nữa khu vực này lại có nhiều gò đống, bờ kênh không được phát quang thường xuyên, cỏ dại mọc um tùm… nên việc diệt chuột còn gặp nhiều khó khăn.

Không chỉ ở Vô Hối, tại cánh đồng Am (thôn My Trì, xã Ngũ Hùng), việc vác cuốc, đào hang, múc nước… diệt chuột cũng diễn ra sôi nổi. Nhấc đám chuột vừa bẫy lên, ông Phạm Văn Đoá, thành viên trong tổ diệt chuột của thôn cho biết: "Nếu không đánh bắt kịp thời, mỗi năm cứ một đôi chuột như thế này lại sản sinh ra trên 2.000 con chuột khác. Như vậy không nói cũng biết hậu quả nguy hại tới mức nào".

Thôn My Trì hiện có trên 100 mẫu ruộng cấy lúa và trồng màu. Vụ chiêm xuân vừa qua, mặc dù đã có rất nhiều cố gắng song chuột vẫn cắn phá mất trên 2 mẫu. Không chỉ làm giảm năng suất lúa, tình trạng này còn khiến những người đảm nhận công việc diệt chuột bị thất thu, thậm chí “làm không công” bởi phải bỏ gần chục triệu ra bồi thường cho xã viên…

Việc diệt chuột trên địa bàn Thanh Miện đang được đẩy mạnh. Trước tình trạng nạn chuột phá hoại mùa màng xảy ra trên diện rộng và ngày một gia tăng những năm gần đây, đặc biệt là trong vụ chiêm xuân năm 2013, vụ mùa này, UBND huyện Thanh Miện đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo diệt chuột do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách khối kinh tế làm Trưởng ban, phát động chiến dịch diệt chuột bảo vệ sản xuất vụ mùa năm 2013 trên toàn huyện.

Việc diệt chuột được chia thành 3 đợt. Đợt 1 tiến hành ngay sau khi nông dân làm đất lồng ngả, lồng cấy, bắt đầu gieo cấy lúa; đợt 2 thực hiện khi bà con đã cấy xong đến giai đoạn lúa đẻ nhánh; đợt 3 triển khai khi cây lúa đã đứng cái, phân hoá đòng. Ban Chỉ đạo huyện yêu cầu các cấp, các ngành tham gia chỉ đạo quyết liệt, tập trung diệt sớm ngay từ đầu vụ và diệt đồng bộ, liên tục. Toàn huyện phấn đấu tiêu diệt được 200 nghìn con chuột (giao chỉ tiêu cụ thể cho từng xã, thị trấn).

Ông Vũ Khắc Diệp, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện cho biết: "Trạm đã tích cực hướng dẫn nông dân các biện pháp diệt chuột. Trong 3 biện pháp diệt chuột chủ yếu là thủ công (dùng đèn có cường độ ánh sáng mạnh để soi chuột vào ban đêm, đào bắt, hun khói), biện pháp sinh học (phát triển đàn mèo, dùng bả sinh học) và hoá học thì huyện đặc biệt coi trọng biện pháp đánh bắt thủ công.

Từ ngày 18-6, tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã đồng loạt ra quân thực hiện "chiến dịch" diệt chuột. Sau 6 ngày ra quân, toàn huyện đã diệt được hơn 33 nghìn con chuột. Huyện đã trích trên 390 triệu đồng hỗ trợ các xã, thị trấn diệt chuột, trong đó hỗ trợ 9.000 bẫy bán nguyệt, 160 triệu đồng mua thuốc bẫy bả, trên 200 triệu đồng thu mua đuôi chuột (1.000 đồng/đuôi).

Nhằm khuyến khích nhân dân chung tay diệt chuột bảo vệ mùa màng, nhiều xã đã hỗ trợ kinh phí thu mua đuôi chuột với giá từ 2.000 - 3.000 đồng/đuôi. Đi đôi với việc đánh bắt, địa phương cũng chỉ đạo các tổ diệt chuột quản lý tốt các loại bả, thực hiện nghiêm quy trình diệt chuột như đặt bả vào buổi chiều tối, sáng sớm thu gom bả thừa, xác chuột chết thiêu huỷ hoặc chôn xa nguồn nước sinh hoạt; thông báo rộng rãi kế hoạch diệt chuột để nhân dân bảo vệ đàn vật nuôi…


Có thể bạn quan tâm

Kinh Tế VAC Phát Triển Cả Chiều Rộng Và Chiều Sâu Kinh Tế VAC Phát Triển Cả Chiều Rộng Và Chiều Sâu

Được thành lập ngày 1 - 4 -1992, đến nay Hội Làm vườn tỉnh vừa tròn 20 tuổi. Hội ra đời và phát triển đã đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng mong mỏi của những người yêu nghề làm kinh tế vườn (cây ăn quả, cây công nghiệp), nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm (VAC), từng bước trở thành một nhân tố tích cực trong phong trào phát triển kinh tế VAC nói riêng và kinh tế của tỉnh nói chung.

27/07/2013
Nuôi Rắn Hổ Hèo Ở An Phú (An Giang) Nuôi Rắn Hổ Hèo Ở An Phú (An Giang)

Từ loài động vật hoang dã, nhưng với kỹ thuật và kinh nghiệm, những “ông vua rắn” ở đầu nguồn đã thuần dưỡng và nuôi nhân tạo thành công loài rắn có tên trong sách đỏ Việt Nam. Đó là rắn hổ hèo.

29/09/2012
Nỗ Lực Tháo Gỡ Khó Khăn Cho Việc Nuôi, Chế Biến, Tiêu Thụ Cá Tra Nỗ Lực Tháo Gỡ Khó Khăn Cho Việc Nuôi, Chế Biến, Tiêu Thụ Cá Tra

Theo kết quả kiểm tra ban đầu về chính sách hỗ trợ người nuôi cá tra, 4 địa phương trọng điểm An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ có số dư tín dụng tại các ngân hàng thương mại phục vụ cho nuôi và chế biến cá tra khá cao và hầu hết các khoản vay đến kỳ đáo hạn đều được điều chỉnh lãi suất về mức 13 - 15%/năm.

04/10/2012
Nhộn Nhạo Thị Trường Bơ Giống Ở Đak Lak Nhộn Nhạo Thị Trường Bơ Giống Ở Đak Lak

Đầu mùa mưa cũng là thời điểm bà con nông dân trong tỉnh Đak Lak bắt tay vào việc trồng mới các loại cây lâu năm. Tuy nhiên, khác với mọi năm, năm nay bơ được xem là cây trồng thu hút sự quan tâm hơn cả, khiến thị trường bơ giống cũng trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, vấn đề làm cho người dân luôn lo ngại là chất lượng cây giống trên thị trường rất khó nhận biết để chọn mua.

31/05/2013
Xuống Giống Lúa - Tôm - Nông Dân Gặp Khó Do Ngập Úng Ở Cà Mau Xuống Giống Lúa - Tôm - Nông Dân Gặp Khó Do Ngập Úng Ở Cà Mau

Vụ lúa trên đất nuôi tôm năm 2012 bắt đầu gần 2 tháng nhưng diện tích xuống giống chỉ đạt hơn phân nửa so với chỉ tiêu kế hoạch. Nguyên nhân gây cản trở tiến độ xuống giống là do thời tiết bất ổn.

09/10/2012