Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cả Huyện Cùng Diệt Chuột

Cả Huyện Cùng Diệt Chuột
Publish date: Saturday. June 29th, 2013

Nhằm khuyến khích nhân dân chung tay diệt chuột bảo vệ mùa màng, nhiều xã đã hỗ trợ kinh phí thu mua đuôi chuột với giá từ 2.000 - 3.000 đồng/đuôi...

Chúng tôi có mặt tại cánh đồng khu Vô Hối, thị trấn Thanh Miện (Hải Dương) khi anh em trong tổ diệt chuột của khu đang phối hợp vây bắt chuột. Ông Trần Văn Hợp, Tổ trưởng cho biết: "Mặc dù tổ diệt chuột chỉ có 3 người, ra quân chừng hai giờ đồng hồ nhưng bằng các biện pháp thủ công: đào hang, đổ nước anh em trong tổ đã bắt được hơn 60 con".

Tuy nhiên, thị trấn có 6 khu dân cư nhưng chỉ có Vô Hối duy trì được hoạt động của tổ diệt chuột, hơn nữa khu vực này lại có nhiều gò đống, bờ kênh không được phát quang thường xuyên, cỏ dại mọc um tùm… nên việc diệt chuột còn gặp nhiều khó khăn.

Không chỉ ở Vô Hối, tại cánh đồng Am (thôn My Trì, xã Ngũ Hùng), việc vác cuốc, đào hang, múc nước… diệt chuột cũng diễn ra sôi nổi. Nhấc đám chuột vừa bẫy lên, ông Phạm Văn Đoá, thành viên trong tổ diệt chuột của thôn cho biết: "Nếu không đánh bắt kịp thời, mỗi năm cứ một đôi chuột như thế này lại sản sinh ra trên 2.000 con chuột khác. Như vậy không nói cũng biết hậu quả nguy hại tới mức nào".

Thôn My Trì hiện có trên 100 mẫu ruộng cấy lúa và trồng màu. Vụ chiêm xuân vừa qua, mặc dù đã có rất nhiều cố gắng song chuột vẫn cắn phá mất trên 2 mẫu. Không chỉ làm giảm năng suất lúa, tình trạng này còn khiến những người đảm nhận công việc diệt chuột bị thất thu, thậm chí “làm không công” bởi phải bỏ gần chục triệu ra bồi thường cho xã viên…

Việc diệt chuột trên địa bàn Thanh Miện đang được đẩy mạnh. Trước tình trạng nạn chuột phá hoại mùa màng xảy ra trên diện rộng và ngày một gia tăng những năm gần đây, đặc biệt là trong vụ chiêm xuân năm 2013, vụ mùa này, UBND huyện Thanh Miện đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo diệt chuột do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách khối kinh tế làm Trưởng ban, phát động chiến dịch diệt chuột bảo vệ sản xuất vụ mùa năm 2013 trên toàn huyện.

Việc diệt chuột được chia thành 3 đợt. Đợt 1 tiến hành ngay sau khi nông dân làm đất lồng ngả, lồng cấy, bắt đầu gieo cấy lúa; đợt 2 thực hiện khi bà con đã cấy xong đến giai đoạn lúa đẻ nhánh; đợt 3 triển khai khi cây lúa đã đứng cái, phân hoá đòng. Ban Chỉ đạo huyện yêu cầu các cấp, các ngành tham gia chỉ đạo quyết liệt, tập trung diệt sớm ngay từ đầu vụ và diệt đồng bộ, liên tục. Toàn huyện phấn đấu tiêu diệt được 200 nghìn con chuột (giao chỉ tiêu cụ thể cho từng xã, thị trấn).

Ông Vũ Khắc Diệp, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện cho biết: "Trạm đã tích cực hướng dẫn nông dân các biện pháp diệt chuột. Trong 3 biện pháp diệt chuột chủ yếu là thủ công (dùng đèn có cường độ ánh sáng mạnh để soi chuột vào ban đêm, đào bắt, hun khói), biện pháp sinh học (phát triển đàn mèo, dùng bả sinh học) và hoá học thì huyện đặc biệt coi trọng biện pháp đánh bắt thủ công.

Từ ngày 18-6, tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã đồng loạt ra quân thực hiện "chiến dịch" diệt chuột. Sau 6 ngày ra quân, toàn huyện đã diệt được hơn 33 nghìn con chuột. Huyện đã trích trên 390 triệu đồng hỗ trợ các xã, thị trấn diệt chuột, trong đó hỗ trợ 9.000 bẫy bán nguyệt, 160 triệu đồng mua thuốc bẫy bả, trên 200 triệu đồng thu mua đuôi chuột (1.000 đồng/đuôi).

Nhằm khuyến khích nhân dân chung tay diệt chuột bảo vệ mùa màng, nhiều xã đã hỗ trợ kinh phí thu mua đuôi chuột với giá từ 2.000 - 3.000 đồng/đuôi. Đi đôi với việc đánh bắt, địa phương cũng chỉ đạo các tổ diệt chuột quản lý tốt các loại bả, thực hiện nghiêm quy trình diệt chuột như đặt bả vào buổi chiều tối, sáng sớm thu gom bả thừa, xác chuột chết thiêu huỷ hoặc chôn xa nguồn nước sinh hoạt; thông báo rộng rãi kế hoạch diệt chuột để nhân dân bảo vệ đàn vật nuôi…


Related news

Dưa Hấu Xen Vụ Rau Màu Giúp Thoát Nghèo Ở Bến Tre Dưa Hấu Xen Vụ Rau Màu Giúp Thoát Nghèo Ở Bến Tre

Từ năm 2006, nông dân xã Thừa Đức (Bình Đại - Bến Tre) được Chi cục Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện mô hình “trồng dưa hấu trải bạt” trên đất giồng cát, thu hoạch đạt năng suất cao. Trong vài năm trở lại đây, nông dân trúng lớn nhờ áp dụng mô hình “dưa hấu trải bạt” xen vụ các loại rau màu trên đất giồng cát.

Friday. May 3rd, 2013
Bỏ Hoang Nhiều Diện Tích Nuôi Tôm Ở Quảng Nam Bỏ Hoang Nhiều Diện Tích Nuôi Tôm Ở Quảng Nam

Quảng Nam vẫn còn 1.200 ha diện tích nuôi tôm nước lợ chưa được thả nuôi dù vụ 1/2013 đã bắt đầu từ hơn 2 tháng nay. Trong khi nông dân lúng túng trong sản xuất thì một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã không đem lại hiệu quả.

Monday. May 6th, 2013
Giá Cá Tra Xuống Không Lên, Vì Sao? Giá Cá Tra Xuống Không Lên, Vì Sao?

Trong quá khứ, giá cá tra nguyên liệu cũng nhiều lần lên đỉnh rồi lao dốc nhưng chu kỳ chỉ kéo dài vài ba tháng, tuy nhiên, khoảng 2 năm nay, quy luật ấy đã hoàn toàn thay đổi khi giá nguyên liệu ngày một giảm sâu.

Monday. May 6th, 2013
Tôm Nuôi Tiếp Tục Chết Trên Diện Rộng Ở Trà Vinh Tôm Nuôi Tiếp Tục Chết Trên Diện Rộng Ở Trà Vinh

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, hiện tôm nuôi trên địa bàn tiếp tục chết trên diện rộng, chủ yếu là do bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy; trong khi thời tiết rất bất lợi nắng mưa thất thường.

Tuesday. May 7th, 2013
Mật Ong Rừng Tràm Xác Lập Giá Mới Ở Cà Mau Mật Ong Rừng Tràm Xác Lập Giá Mới Ở Cà Mau

Lần đầu tiên, mật ong - đặc sản rừng tràm U Minh Hạ đạt mức giá cao kỷ lục khi được bán từ 350.000 - 500.000 đồng/lít. Mức giá trên tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2012.

Tuesday. May 7th, 2013