Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cá Điêu Hồng Giảm Giá, Người Nuôi Lo Lắng

Cá Điêu Hồng Giảm Giá, Người Nuôi Lo Lắng
Ngày đăng: 25/01/2014

Làng bè nuôi cá điêu hồng ven sông Tiền đang gặp khó khăn do giá cá liên tục sụt giảm, cá tới lứa thu hoạch khó tiêu thụ. Hiện nay, giá cá điêu hồng tại bè được thương lái thu mua từ 31.000 - 32.000 đồng/kg, giảm 1.500 đồng/kg so với 1 tháng trước. Trước tình hình này, nông dân nuôi cá điêu hồng trên bè ngại thả giống trong vụ nuôi mới.

Những ngày này, đến làng bè nuôi cá điêu hồng trên sông Tiền thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang, chúng tôi nhận thấy không còn không khí phấn khởi hiện trên gương mặt bà con nông dân như trong năm 2013.

Ông Phan Thế Nhân, có 5 bè nuôi cá điêu hồng ở xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho cho biết, hiện nay giá cá điêu hồng bán tại bè theo hình thức bắt bằng ghe đục (ghe có khoang thông đáy bằng lưới để chứa cá) được thương lái thu mua với giá 31.000 đồng/kg, còn nếu bắt cá oxy (cá sống đựng trong bao nilong bơm oxy) được thu mua với giá 32.000 đồng/kg.

Tính ra giá cá điêu hồng đã giảm 1.500 đồng/kg so với gần 1 tháng trước và giảm từ 6.000 - 7.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Việc tiêu thụ cá điêu hồng trong những ngày qua cũng rất khó khăn, nhiều bè cá trong vùng tới lứa thu hoạch kêu thương lái bán cá đã nửa tháng qua nhưng đến nay vẫn chưa bán được.

Theo nhiều người nuôi cá bè, nguyên nhân khiến cá điêu hồng có xu hướng giảm giá và tiêu thụ chậm là do nhiều bè thả cá giống lúc cá điêu hồng thương phẩm có giá trên dưới 40.000 đồng/kg, giờ tới lứa thu hoạch đồng loạt. Số lượng thương lái thu mua cá điêu hồng không nhiều, nhưng nhiều chủ bè kêu bán cá cùng thời điểm khiến cá bị ứ đọng dẫn đến giá cá liên tục sụt giảm trong thời gian gần đây.

Ông Lê Văn Chương, người nuôi cá bè ở xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy cho biết, hiện nay giá thành nuôi cá điêu hồng từ 32.000 - 33.000 đồng/kg, tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg so với năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu do giá thức ăn thủy sản tăng cao, nhưng chất lượng giảm khiến hệ số thức ăn nuôi cá tăng lên từ 1,7 - 1,8 trong những năm trước lên tới 2,1 (cần 2,1 kg thức ăn tạo ra 1 kg cá).

Bên cạnh đó, chất lượng cá giống ngày càng giảm, dịch bệnh ngày càng tăng, dẫn đến tỷ lệ hao hụt cá giống cao. Do đó, với giá bán cá điêu hồng hiện nay, người nuôi cá điêu hồng ở Tiền Giang đang ở mức hòa vốn, thậm chí lỗ sau 6 - 7 tháng nuôi nếu chất lượng cá giống và kỹ thuật nuôi không tốt.

Dù vậy, do gần TP. Hồ Chí Minh, giảm được chi phí vận chuyển cũng như hao hụt, nên giá cá điêu hồng ở Tiền Giang được thương lái mua cao hơn những tỉnh khác trong khu vực ĐBSCL. Ông Trần Thanh Hiền, thương lái thu mua cá điêu hồng ở phường 6, TP. Mỹ Tho cho biết, giá cá ở Đồng Tháp hiện nay chỉ được thu mua từ 30.000 - 31.000 đồng/kg, thấp hơn từ 1.000 - 2.000 đồng/kg so với làng bè Tiền Giang, do chi phí vận chuyển cá từ Đồng Tháp về chợ đầu mối thủy sản Bình Điền (TP. Hồ Chí Minh) cao hơn so với Tiền Giang.

Một nông dân nuôi cá điêu hồng trên bè nhiều kinh nghiệm ở xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho cho biết, do mỗi vụ nuôi kéo dài 6 tháng nên không có nhiều chủ bè có cá bán được giá dù giá nằm ở mức cao trong năm 2013.

Nhiều chủ bè do thua lỗ phải ngừng nuôi, hay nuôi cầm chừng trong khoảng thời gian từ cuối năm 2012 đến đầu năm 2013, nên khi giá cá cao thì không có cá bán. Đến khi thả nuôi trở lại và thu hoạch thì sản lượng cá tăng cao khiến cung lớn hơn cầu, giá cá thấp và tiếp tục thua lỗ.

Phải hơn 5 tháng nữa thì giá cá điêu hồng mới tăng trở lại, khi lượng cá thả nuôi hiện nay thu hoạch hết, lượng cá tới lứa thu hoạch giảm. Thời gian tới, giá cá có thể ổn định ở mức này hoặc giảm thêm chút ít do cá đang còn nhiều.

Với tình hình giá cá điêu hồng trong những ngày qua, nguy cơ người nuôi bị thua lỗ là rất lớn do giá cá giảm trong mấy ngày gần đây. Chính vì vậy, thời điểm này người nuôi cá điêu hồng trên bè mặc dù đã thu hoạch, nhưng không dám thả cá giống để nuôi vụ mới.

Nếu tiếp tục thả cá giống vào các bè còn trống thì nguy cơ thua lỗ là rất cao, nên hiện nay họ tạm ngưng thả cá giống và tiếp tục nghe ngóng tình hình, hoặc chỉ thả vài bè chứ không mạnh dạn thả nuôi lại tất cả các bè đã thu hoạch.

Những năm gần đây, người nuôi cá điêu hồng luôn phập phồng do giá cả đầu ra thất thường và thời gian dài nằm ở mức thấp. Thiết nghĩ, để nghề nuôi cá bè phát triển bền vững hơn trong thời gian tới, đã đến lúc Nhà nước cần phải có cách làm bài bản hơn, từ khâu quy hoạch gắn với nhu cầu thị trường, quản lý quy hoạch và nhất là cần có sự chia sẻ thông tin, liên kết sản xuất và tiêu thụ cá điêu hồng nuôi bè giữa các tỉnh trong khu vực ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản Tiền Giang, từ đầu năm 2014 đến nay, toàn tỉnh thả nuôi mới 142 bè cá điêu hồng, với 2,9 triệu con giống và thu hoạch 139 bè cá, với 823 tấn cá. Hiện nay, toàn tỉnh có 961 bè đang nuôi cá trong tổng số 1.327 bè neo đậu.


Có thể bạn quan tâm

Tăng Chất Lượng Nguồn Giống Cá Tra Tăng Chất Lượng Nguồn Giống Cá Tra

Theo báo cáo của các tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2013, toàn vùng ĐBSCL đã thả nuôi 4.314ha cá tra, diện tích thu hoạch 2.116ha, sản lượng đạt 545.718 tấn, năng suất trung bình đạt 260 tấn/ha. Nếu so với năm 2012, sản lượng cá giống tăng 13,3%; diện tích nuôi giảm 4,1%; sản lượng cá thu hoạch tăng 2,3%.

20/08/2013
“Treo Ao Tôm” Chờ Bảo Hiểm Bồi Thường “Treo Ao Tôm” Chờ Bảo Hiểm Bồi Thường

Cà Mau là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất cả nước nhưng hiện nông dân ở “vựa tôm” phải đối mặt với nguy cơ phá sản khi tôm nuôi liên tiếp bị thiệt hại, nợ tiền đại lý thức ăn, nợ ngân hàng, đẩy hàng loạt hộ vào cảnh khốn đốn.

21/08/2013
Nuôi Heo Trên Đệm Lót Sinh Thái Khắc Phục Ô Nhiễm Môi Trường Nuôi Heo Trên Đệm Lót Sinh Thái Khắc Phục Ô Nhiễm Môi Trường

Bến Tre là tỉnh có ngành chăn nuôi phát triển khá mạnh, hàng ngàn hộ dân nông thôn trong tỉnh chọn nuôi gia súc là kinh tế chính của gia đình. Tuy nhiên, tình trạng chất thải trong chăn nuôi hầu như không được xử lý ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ làm ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Gần đây phương pháp nuôi heo trên đệm lót sinh thái hạn chế thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường được một số hộ dân trong tỉnh áp dụng thành công, mở ra một hướng mới cho ngành chăn nuôi của tỉnh.

21/08/2013
Thí Điểm Trồng Hẹ Theo VietGAP Thí Điểm Trồng Hẹ Theo VietGAP

Nhằm cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm rau bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và tăng thu nhập cho nông dân, Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang phối hợp với Trạm Khuyến nông Chợ Gạo (Tiền Giang) đang thực hiện thí điểm mô hình sản xuất hẹ theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Bình Phục Nhứt.

21/08/2013
Cử Nhân Mát Tay Trồng Cây Ăn Quả Cử Nhân Mát Tay Trồng Cây Ăn Quả

Sinh ra ở vùng quê Lĩnh Nam, Hoàng Mai - nơi có truyền thống trồng rau của Hà Nội, nhưng anh Lê Hồng Ngọc (sinh năm 1980) lại chọn cho mình hướng đi riêng, đó là trồng cây ăn quả.

21/08/2013
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.