Cá chết dày, ngư dân trắng tay
Trong khi chờ đợi sự vào cuộc của cơ quan chức năng, nhiều chủ lồng bè đã lâm vào cảnh nợ nần, trắng tay.
Bỗng dưng lâm nợ
Nhiều ngày đã trôi qua, nhưng ông Dương Văn Hùng, chủ lồng bè cá ngụ thôn 5, xã Long Sơn (TP Vũng Tàu) vẫn còn thẫn thờ trước sự cố cá chết hàng loạt.
Chỉ sau một đêm, toàn bộ tài sản tích cóp bằng mồ hôi, nước mắt suốt bao năm của cả gia đình đã “đội nón ra đi”.
Sự việc bắt đầu từ rạng sáng 6-9-2015. Như lệ thường, ông Hùng ra thăm bè cá nhưng hôm đó, ông phát hiện tình trạng khác lạ, đó là cá trong bè cứ ngoi lên mặt nước. Cầm đèn soi, ông thấy nước có màu đen và bốc mùi hôi thối.
Chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, đến sáng cùng ngày đã có hơn 15.000 con cá chim và 3.000 con cá bớp giống cùng chết trắng lồng. Chứng kiến cảnh đó, ông Hùng như “chết đứng”. Bè cá là tất cả tài sản của gia đình ông đã “chết” theo dòng nước.
Ông Hùng đau xót: “Toàn bộ tiền của gia đình đều đổ xuống bè để nuôi cá, hy vọng sẽ cải thiện kinh tế gia đình. Giờ chẳng còn gì cả, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng”.
Cá chết trắng bè của ngư dân ở xã Long Sơn
Không chỉ ông Hùng, còn có 14 hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và (thuộc địa bàn xã Long Sơn) đều bị chết cá trong đêm 5 rạng sáng 6-9.
Ông Huỳnh Văn Lành, chủ một bè nuôi cá, cho biết: “Cứ sau mỗi đợt mưa lại xảy ra hiện tượng tôm, cá chết. Mỗi khi mưa, nước từ thượng lưu chảy về đều có màu rất đen, gây ô nhiễm, làm cá, tôm giống yếu và chết. Bè của tôi thả 1.000 con tôm giống nhưng nay chỉ còn 350 con.
Thậm chí có những con cá trưởng thành từ 3 - 4kg/con cũng bỏ ăn và chết”. Còn bè nuôi cá gần đó của ông Nguyễn Văn Khoa cũng chết khoảng 2.000/5.000 con cá chẽm giống.
Nỗi buồn vì cá chết hàng loạt của các chủ bè chưa kịp nguôi ngoai, thì mới đây, vào các ngày từ 26 đến 28-9, một số hộ dân ở xã Long Sơn tiếp tục phản ánh lên chính quyền địa phương về tình trạng cá nuôi tại các lồng bè trên sông Chà Và lại chết với số lượng lớn.
Theo thống kê của Sở NN-PTNN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT), trong tháng 9 qua có gần 90 tấn cá của bà con ngư dân bị chết, thiệt hại ước tính gần 20 tỷ đồng.
Được biết, số tiền đầu tư để nuôi cá của đa phần người dân đều vay của ngân hàng hoặc vay ngoài với lãi suất cao. Do đó, khi tình trạng cá chết xảy ra đã khiến nhiều người bỏ bè, trốn nợ.
Theo các hộ nuôi cá, nguyên nhân cá chết là do nước thải ở một số cơ sở chế biến hải sản nằm gần cổng xả số 6 của Khu chế biến thủy sản xã Tân Hải, huyện Tân Thành (tỉnh BR-VT) đổ trực tiếp ra sông, khiến nguồn nước ở hạ lưu bị ô nhiễm nặng.
Sự việc đã được người dân nhiều lần báo lên các cơ quan chức năng TP Vũng Tàu, huyện Tân Thành cũng như tỉnh BR-VT nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để.
Bao giờ chấm dứt?
Quay trở lại với sự việc cá chết hàng loạt vào thời điểm đầu tháng 9 vừa qua, vì quá bức xúc người dân đã thuê xe ba gác chở cá chết tới đổ trước cổng các cơ sở chế biến hải sản thuộc xã Tân Hải, để phản đối việc xả thải gây ô nhiễm nguồn nước.
Đến ngày 7-9, hơn 40 hộ dân tiếp tục chở cá chết tới trụ sở UBND tỉnh BR-VT để cầu cứu cơ quan chức năng vào cuộc. sau khi lắng nghe những bức xúc của bà con, đích thân chủ tịch UBND tỉnh này đã chỉ đạo tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở chế biến hải sản ở xã Tân Hải, đồng thời yêu cầu các ngành chức năng vào cuộc tìm hiểu rõ nguyên nhân vụ việc.
Nhưng khi đoàn công tác đang thực hiện nhiệm vụ, tình trạng cá chết trắng lồng vẫn liên tục tái diễn trong những ngày sau đó…
Chiều 25-9, UBND tỉnh BR-VT đã có cuộc họp với các ban ngành liên quan để nghe báo cáo sự cố môi trường trên sông Chà Và.
Theo Viện Môi trường và Tài nguyên (thuộc Sở TN-MT tỉnh BR-VT), kết quả xét nghiệm các mẫu nước thải tại một số cơ sở chế biến hải sản ở xã Tân Hải và các mẫu lấy ở nhiều điểm trên sông Chà Và cho thấy, một số mẫu nước có tồn tại chất độc hại gấp hàng chục lần ngưỡng cho phép, là nguyên nhân chính khiến cá nuôi tại các lồng bè bị chết hàng loạt.
Ngoài ra, việc nuôi cá với mật độ dày, nước thải sinh hoạt… cũng là những tác nhân dẫn đến cá chết.
Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, Khu chế biến hải sản Tân Hải hiện có 22 cơ sở, trong đó 8 cơ sở xả thải ra khu vực cầu Bà Nanh, số còn lại xả trực tiếp ra cống số 6 và chảy thẳng ra sông Chà Và.
Vừa qua, Cục Cảnh sát môi trường (C49) đã phạt 8 cơ sở tại đây với số tiền 2 tỷ đồng, về hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường. Theo C49, thủ đoạn của các cơ sở chế biến thủy hải sản và bột cá là lắp đặt các máy bơm di động có công suất lớn. Mỗi ngày, các máy bơm hoạt động trong vòng 2 - 4 giờ xả thải ra sông Rạch Ván và sông Chà Và.
Theo luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty TNHH Luật Basico, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), việc xử phạt trên của C49 có thể làm cơ sở để các hộ dân khởi kiện đòi bồi thường trách nhiệm dân sự đối với 8 cơ sở chế biến hải sản.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT cho biết, đây là sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh nên đã chỉ đạo các ban, ngành liên quan tiếp tục củng cố hồ sơ và chứng cứ pháp lý để báo cáo UBND tỉnh xử lý vụ việc. Khi có báo cáo, kết luận chính thức, tỉnh sẽ tổ chức họp báo để thông tin rộng rãi tới toàn thể bà con nhân dân.
Có thể bạn quan tâm
Thực hiện kế hoạch nuôi trồng thủy sản vụ xuân hè 2014 của UBND huyện Tiền Hải (Thái Bình), các địa phương đã tiến hành nạo vét kênh mương và cải tạo diện tích ao đầm để thả giống, các cơ sở sản xuất và kinh doanh giống đã cung ứng giống kịp thời cho người nuôi, đảm bảo kịp thời vụ.
So với các loại hình chăn nuôi khác, chăn nuôi thủy cầm dường như đang lép vế hơn nhiều, cơ cấu chỉ chiếm chưa đến 20% trong tổng đàn gia cầm. Vì vậy, cần có thêm những giải pháp để chăn nuôi thủy cầm có bước đi vững chắc hơn.
Tại hội thảo, các nhà khoa học đã nêu lên những bất cập của hệ thống đê bao kiên cố vùng đầu nguồn lũ đã tác động mạnh đến các vùng hạ nguồn. Cụ thể là tình trạng ngập úng cục bộ liên tục xảy ra với mức độ gia tăng theo từng năm ở các đô thị hạ nguồn ĐBSCL. Việc hệ thống đê bao kiên cố đã khai thác sản xuất lúa một cách triệt để, có nơi 2 năm/7 vụ, dẫn đến cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.
Hy vọng, việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho quả dừa Ninh Đa được triển khai thuận lợi để quả dừa không bị tư thương ép giá, sản phẩm tiêu thụ nhanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
UBND xã Phú Thuận (An Giang) cho biết, nông dân trên địa bàn đã thả nuôi 19 triệu con giống, trên diện tích gần 160 héc-ta, trong đó khoảng 10 héc-ta tôm toàn đực.