Bước Đột Phá 2 Màu - 1 Lúa
Hơn 2 năm nay, phong trào trồng rau màu ở xã Minh Hòa (Châu Thành - Kiên Giang) phát triển khá nhanh, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ nông dân Khmer trên địa bàn. Hiện chính quyền địa phương đang khuyến khích người dân nhân rộng mô hình.
Ông Tạ Văn Phương, Phó chủ tịch UBND xã Minh Hòa, cho biết: “Hiện xã có 10.000 khẩu, trong đó người Khmer chiếm 54,54%. Trước đây, đời sống của một số hộ vẫn còn khó khăn do đất sản xuất ít. Thế nhưng, những năm gần đây, nhiều hộ đã khá lên từ mô hình trồng màu như: Dưa leo, khổ qua (mướp đắng), cải xanh”.
Người dân xuống giống rau màu ngay sau khi thu hoạch lúa đông xuân. Sau đó, thay vì gieo sạ lúa hè thu, bà con lại lên liếp trồng hoa màu. Anh Danh Tha, nông dân ấp Bình Hòa cho biết: “Trồng màu chi phí ít, hiệu quả gấp 4-5 lần so với trồng lúa, trong khi rủi ro lại ít hơn làm lúa hè thu.
Bởi vì theo kinh nghiệm, làm vụ hè thu chi phí cao mà năng suất lúa trúng lắm cũng chỉ đạt khoảng 30 giạ/công (1.000m2). Còn rau màu, mùa nào trồng cũng có ăn mà bán cũng dễ”.
Anh Danh Sung (ấp Bình Hòa) từ chỗ chỉ có 2 công ruộng, qua 2 năm trồng màu, đã mua thêm gần 3 công đất. Anh Tô Hòa cũng đang chuẩn bị chuyển đổi diện tích lúa hè thu kém hiệu quả sang trồng màu. Anh Hoà nói: “Mấy năm nay cứ ôm cây lúa, nhất là vụ hè thu nên không có lãi do thời tiết xấu, sâu bệnh nhiều. Thấy nhiều hộ ở đây trồng màu có lãi, vụ hè thu này tôi cũng chuyển đổi theo”.
Điều đặc biệt, hầu hết các hộ trồng màu trong xã đều là người Khmer. Lý giải vấn đề này, ông Phương nói vui: “Đây quả là tín hiệu vui cho xã. Bởi vì đồng bào Khmer đã chuyển biến nhận thức, tự vươn lên làm giàu. Bà con đã biết cách áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Bên cạnh đó, bà con đã biết nhờ các kỹ sư trong Tổ Kinh tế kỹ thuật của huyện đến truyền đạt kiến thức”.
Theo tính toán của ông Danh Lanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Hòa: “Nếu thuận buồm xuôi gió, bình quân mô hình này lãi ròng 16 triệu đồng/công/năm”. Tuy nhiên, phong trào trồng rau màu ở xã còn mang tính tự phát, chưa có quy hoạch cụ thể về diện tích trồng màu tập trung. Cái khó của mô hình là thiếu nước tưới vào đầu vụ hè thu. Muốn có nước ngọt, các hộ trồng màu phải đắp đập ngăn nước mặn xâm nhập vào nội đồng. Khi chủ động được nguồn nước ngọt, không chỉ có điều kiện phát triển 2 vụ màu chắc ăn mà còn góp phần giữ vệ sinh đồng ruộng cho vụ lúa đông xuân”.
Cũng theo ông Danh Lanh, mặc dù mới phát triển 2 năm nay, song mô hình này đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Kiên Giang cần đầu tư xây dựng điểm trình diễn, nhân rộng mô hình để nhiều người dân có cơ hội thoát nghèo.
Có thể bạn quan tâm
Dự án thiết lập vườn dừa giống và bình tuyển cây dừa mẹ để cải thiện giống dừa trong sản xuất đại trà đã được Chi cục Bảo vệ thực vật triển khai vào năm 2014. Mục tiêu dự án là bình tuyển 18 ngàn cây dừa mẹ theo tiêu chuẩn, hướng dẫn chăm sóc dừa mẹ đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất.
Thời tiết khô hạn khiến năng suất chuối đạt thấp, thêm vào đó giá chuối lại rớt thê thảm do hạn chế khối lượng xuất khẩu.
Hơn 414.000ha trái cây các loại với sản lượng khoảng 4,3 triệu tấn mỗi năm, vùng Nam bộ được mệnh danh là nơi sản xuất và xuất khẩu trái cây chủ lực của cả nước. Điểm sáng là vậy, song hiện tại với thực trạng “được mùa rớt giá” thường xảy ra khiến người dân lo lắng…
Sau 7 - 8 năm tuổi thì cây vú sữa đột nhiên có biểu hiện “lão hóa”: khô cành, rụng lá giảm năng suất, chất lượng trái.
Nhiều người dân cũng có nhìn nhận chung rằng do thị trường tiêu thụ mận An Phước phụ thuộc nhiều vào phía Trung Quốc nên không thể nói trước điều gì