Chuỗi Nông Sản An Toàn METRO
Không chỉ dừng ở việc tạo nguồn rau quả, thực phẩm an toàn để cung ứng tới khách hàng nội địa, METRO đã bắt tay vào việc XK nông sản Việt Nam vào hệ thống toàn cầu.
Trong số những DN đang tổ chức các chuỗi tiêu thụ nông sản có hiệu quả, mô hình của METRO Cash & Carry Việt Nam (gọi tắt là METRO) đang được đánh giá cao. Cty này không chỉ dừng ở việc tạo nguồn rau quả, thực phẩm an toàn để cung ứng tới tận tay các đối tượng khách hàng nội địa mà đã bắt tay vào việc XK nông sản Việt Nam vào hệ thống METRO trên toàn cầu.
Đào tạo nông dân sản xuất an toàn
Ngay từ khi bắt đầu đặt chân vào thị trường Việt Nam năm 2002, METRO đã nhận thấy rằng nhiều nông dân có mong muốn đưa nông sản vào siêu thị nhưng lại rất khó làm được điều này. Bởi nông dân chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, sản lượng không ổn định, không đáp ứng yêu cầu dài hạn. Chất lượng nông sản do nông dân làm ra chưa đảm bảo, không ổn định, không đạt yêu cầu bao gói và vận chuyển.
"Công ty METRO hiểu rằng chúng tôi có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển các chuỗi cung ứng sản phẩm tươi sống ở Việt Nam. Đây là lý do tại sao chúng tôi cố gắng đưa các tiêu chuẩn quốc tế mà METRO đã áp dụng tại các quốc gia khác trên thế giới vào Việt Nam", ông Philippe Bacac, TGĐ Cty METRO Cash & Carry Việt Nam.
Nông dân chưa đầu tư cho phương tiện sơ chế và chuyên chở. Nông dân chỉ quen bán hàng qua thương lái, ngại liên hệ trực tiếp với đơn vị kinh doanh, chưa quen với phương thức kinh doanh hiện đại (đặt hàng qua fax/email, giao hàng đúng giờ...).
Nhìn chung, 3 khó khăn lớn nhất khiến nông sản do nông dân Việt Nam làm ra khó vào siêu thị là: kế hoạch sản xuất chưa phù hợp với nhu cầu thị trường, diện tích canh tác nhỏ lẻ; chất lượng sản phẩm không ổn định; chưa xây dựng mối quan hệ gắn bó với đơn vị tiêu thụ.
Mấy năm đầu khi mới vào Việt Nam, METRO thực hiện thu mua sản phẩm rau an toàn thông qua các nhà phân phối nông sản. Như vậy sản phẩm nông sản từ người nông dân phải qua hai khâu trung gian, đó là thương lái địa phương, nhà phân phối sỉ tại đô thị lớn mới đến được các trung tâm METRO để bán cho khách hàng.
Bắt đầu từ năm 2005, METRO đã kết hợp với các đối tác xây dựng trạm trung chuyển rau quả tại Đà Lạt với quy trình khép kín giúp người nông dân từ việc cung cấp kiến thức về nông nghiệp hiện đại, thực hành nông nghiệp tốt đến việc bao tiêu các sản phẩm người nông dân sản xuất.
Theo đó, METRO đã lựa chọn các trang trại, tiến hành tập huấn cho họ sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn METRO Requirements. Đến nay, đã có trên 150 trang trại rau quả ở Đà Lạt tiến hành sản xuất theo METRO Requirement. Mỗi ngày, Trạm trung chuyển rau quả Đà Lạt thu mua bình quân 30 tấn rau quả an toàn từ trên 150 trang trại nói trên, lúc cao điểm, sản lượng thu mua lên tới 40 tấn/ngày. Toàn bộ sản lượng rau quả an toàn này được đưa đi phân phối trong hệ thống của METRO.
Từ năm 2010, METRO cũng đã liên kết với hàng chục cơ sở trồng rau an toàn có chứng nhận ở miền Bắc (Đông Anh- Hà Nội, Hải Dương, Mộc Châu- Sơn La) để thu mua rau củ quả theo tiêu chuẩn HACCP cung cấp cho các trung tâm METRO phía Bắc.
Từ cuối năm 2010, xuất phát từ Dự án hợp tác công-tư giữa METRO và Bộ NN-PTNT, METRO đã bắt tay xây dựng chuỗi cung ứng thủy hải sản chất lượng cao cho thị trường nội địa Việt Nam, bằng việc đầu tư xây dựng Trạm trung chuyển cá tại Cần Thơ. Tầm nhìn của dự án này là hướng tới việc vung cấp cho người tiêu dùng Việt Nam sản phẩm thủy hải sản tươi được nuôi trồng theo hướng bền vững và được chế biến tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế về VSATTP.
Đến đầu năm 2014, trên 70 hộ nông dân vẫn đang tham gia quy trình METRO requirements để cung ứng sản phẩm thủy sản an toàn vào METRO.
Sau 2 năm, tổng lượng thủy sản an toàn thu mua từ nông dân qua Trạm trung chuyển Cần Thơ đạt trên 4.000 tấn. Bình quân trạm trung chuyển thu mua khoảng 6-7 tấn thủy sản/ngày. Hiện nay, khoảng trên 60% số lượng cá tại 19 trung tâm METRO trên toàn quốc được thu mua từ các tỉnh ĐBSCL thông qua Trạm trung chuyển Cần Thơ.
Theo ông Khuất Quang Hưng (Cty METRO), tham gia vào các chuỗi cung ứng rau quả và thủy sản, người nông dân thu được các lợi ích cụ thể như: có kiến thức kinh doanh tốt, có kế hoạch sản xuất phù hợp với yêu cầu thị trường, cân đối được đầu vào đầu ra, kết nối với thị trường, đảm bảo mức giá tiêu thụ ổn định.
METRO cùng các chuyên gia nông nghiệp đã đào tạo, nâng cao kiến thức và kỹ thuật canh tác, trồng trọt, NTTS cho nông dân, từ đó giúp họ giảm thiểu thất thoát sau thu hoạch, kiểm soát được quy trình và chất lượng. Việc phối hợp chặt chẽ giúp nông dân có kế hoạch sản xuất tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Nông dân cũng được cung cấp các kiến thức và xu hướng mới về nông nghiệp, nâng cao kỹ năng quản lý và lập kế hoạch, tăng năng suất và chất lượng, giảm chi phí sản xuất và đầu tư, đảm bảo đầu ra ổn định và quan trọng nhất là tăng thu nhập.
Đưa nông sản vào Metro toàn cầu
Nhờ liên kết chặt chẽ với nông dân và các nhà cung ứng nông sản theo tiêu chuẩn an toàn, từ nhiều năm nay METRO đã trở thành địa chỉ tin cậy của khoảng 1 triệu khách hàng chuyên nghiệp như nhà hàng, khách sạn, quán ăn, bếp ăn tập thể, nhà kinh doanh…, khi những khách hàng này có thể dễ dàng tiếp cận nguồn nông sản, thực phẩm an toàn với giá cả hợp lý trong hệ thống METRO trên toàn quốc.
Đặc biệt, từ cuối 2013 đến nay, METRO đã khuyến khích các hộ nông dân chuyển đổi từ tiêu chuẩn METRO Requirements sang VietGAP. Đến đầu năm 2014, hộ nông dân đầu tiên nuôi cá lóc với quy mô 900 tấn/năm trong khuôn khổ dự án đã chuyển đổi thành công và được chứng nhận VietGAP.
Theo kế hoạch, đến hết năm 2014 khoảng 15 hộ nông dân nuôi thủy sản quy mô vừa và lớn trong dự án của METRO sẽ chuyển đổi sang VietGAP. Ở Đà Lạt, cũng đã có gần 15 hộ chuyển đổi thành công sang tiêu chuẩn VietGAP. Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có khoảng 50 hộ trồng rau quả chuyển đổi thành công sang tiêu chuẩn này.
Không dừng ở đó, Công ty METRO Cash & Carry Việt Nam đang cùng với Văn phòng Thương mại METRO tại khu vực và các đơn vị trong nước hợp tác chặt chẽ nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào hệ thống trung tâm METRO Cash & Carry tại 29 quốc gia. Cuối năm 2013, lô hàng đầu tiên gồm 23 tấn thanh long đã cập cảng Thượng Hải (Trung Quốc), mở ra cơ hội lớn trong việc xuất khẩu các sản phẩm rau quả từ Việt Nam sang các trung tâm METRO tại nước này và trên toàn thế giới.
Mặc dù đợt hàng thử nghiệm đầu tiên số lượng vẫn còn khiêm tốn nhưng METRO hy vọng đơn hàng sẽ nhiều hơn trong thời gian không xa. Hiện nay METRO vẫn đang trong quá trình tìm kiếm các công ty Việt Nam để thu mua các loại nông sản khác như tỏi, gừng, chanh dây, chôm chôm, dâu tây… cung cấp cho hệ thống METRO toàn cầu.
Trong năm 2013, METRO đã mua trực tiếp từ các nhà cung cấp nông sản trong nước với tổng trị giá hơn 6 triệu USD cho hệ thống METRO toàn cầu. Các sản phẩm chính gồm thủy hải sản và hoa quả. Trong năm 2014, METRO dự kiến tăng giá trị hợp đồng lên gấp đôi với tổng trị giá trên 12 triệu USD.
Ông Philippe Bacac, TGĐ Cty METRO Cash & Carry Việt Nam khẳng định “Việt Nam là một đất nước có những điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp với nhiều loại nông sản đa dạng như rau quả và các loại thủy hải sản. Tuy nhiên việc xây dựng chuỗi cung ứng nông sản như rau quả vẫn có nhiều thách thức như khoảng cách giữa các thành phố, khả năng vận chuyển các sản phẩm tới các địa điểm trên toàn quốc.
Ngoài ra việc tổ chức nông dân, áp dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất, kiểm soát việc sử dụng hóa chất và các chất phụ gia, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch, áp dụng các quy trình quản lý chất lượng… cũng đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy xây dựng chuỗi cung ứng các sản phẩm tươi sống tại Việt Nam là một thách thức.
Có thể bạn quan tâm
Sau 2 năm tiến hành nuôi thử nghiệm, sáng 28/7, Trung tâm Thủy sản Điện Biên và Sở Khoa học & Công nghệ đã tổ chức hội thảo đánh giá kết quả và khả năng nhân rộng Dự án “Ứng dụng công nghệ nuôi cá lăng chấm Hemibarus gattaus thương phẩm trong ao” (sau đây gọi tắt là dự án nuôi cá lăng thương phẩm).
Nhằm tìm ra những đối tượng nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, góp phần đa dạng cơ cấu giống thủy sản trên địa bàn tỉnh, đầu tháng 7/2015, Trung tâm Thủy sản triển khai thí điểm mô hình “nuôi cá chạch đồng trong ao” bằng nguồn vốn Chương trình Hỗ trợ sản xuất nông - lâm nghiệp của tỉnh với tổng kinh phí thực hiện trên 400 triệu đồng.
Đó là nội dung được rất nhiều đại biểu đưa ra thảo luận tại hội nghị "Triển khai thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt năm 2014-2015 và định hướng giai đoạn 2016-2020" do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 22-7.
"Bại hoại với diện tích ao nuôi chỉ khoảng 20% và số thành công những ao nuôi này chỉ 60%. Cũng có hộ nuôi thành công cao hơn nhưng nhờ hạ tầng kỹ thuật tốt, có kiểm soát khuẩn hại và nuôi với mật độ vừa phải. Đến nay, hơn 70% diện tích ao nuôi bỏ trống, nhiều hộ dân, trang trại bỏ nghề, có cơ sở tháo chạy hoàn toàn" - ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh nói về những khó khăn với hội viên của mình 6 tháng đầu năm nay.
Từ đầu năm đến nay, cả nước thu hoạch 228.933 tấn tôm, đạt 33% kế hoạch năm, giảm hơn 12% so cùng kỳ năm ngoái. Dẫn đầu vẫn là sản lượng tôm các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.