Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bức Tử Thanh Long

Bức Tử Thanh Long
Ngày đăng: 27/02/2014

Giá trái thanh long hiện nay đang ở mức cao “kỷ lục”, chưa năm nào người dân chong đèn thanh long nhiều lần như hiện nay. Hộ chong ít nhất đến thời điểm này là 2 lần, còn nhiều thì lên đến 4 lần trên cùng một diện tích thanh long.

Theo nhiều nhà nghiên cứu với cách làm như hiện nay, người dân Bình Thuận đang làm giảm tuổi thọ và sản lượng, “bức tử” cây thanh long - cây trồng vốn được coi là “cây hái ra tiền” của người dân Bình Thuận…

“Ép” cây ra trái quanh năm

Cách đây khoảng 3 năm, thời điểm này người dân đã dừng chong đèn để cây thanh long lấy chất dinh dưỡng nuôi dây và phục hồi sau nhiều tháng “kiệt sức” vì ra trái vụ chong đèn. Nhưng nay, giá thanh long trái vụ luôn ở mức cao, người dân liên tục chong đèn khiến cây thanh long “không được nghỉ ngơi”.

Đi dọc quốc lộ 1A đoạn qua huyện Hàm Thuận Nam hay ngược quốc lộ 28 đoạn từ xã Hàm Liêm đến thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc vào ban đêm có hàng nghìn hộ dân đang chong đèn thanh long trái vụ.

“Giờ giá thanh long đang cao, tranh thủ đánh (chong đèn - PV) thêm pha nữa kiếm chút đỉnh cho cháu ăn học”, anh Định, một hộ dân đang chong đèn thanh long ở xã Hàm Chính cho biết. Nhưng cũng theo anh Định thì đây là lần thứ 3 anh chong đèn trên diện tích thanh long gần 500 trụ của gia đình.

Hai lần trước đó anh bán được hơn 200 triệu đồng, một số tiền không phải là nhỏ nhưng anh Định vẫn tiếp tục chong lần 3 bất chấp nhiều dây thanh long có biểu hiện vàng úa. Không chỉ anh Định mà nhiều hộ khác đang “chạy đua” chong đèn trước khi thanh long chính vụ vào mùa.

Có những hộ dân vừa cắt trái bán hôm trước, hôm sau đã chong đèn ngay trên diện tích đó. “Biết được trời mấy tuổi. Hiện nay thanh long được giá thu nhập cao thì cố kiếm thêm. Chứ vài năm nữa thanh long xuống giá thì ai mua”, đây là cách lý giải của khá nhiều hộ dân về việc họ chong đèn thanh long nhiều lần trong năm.

Được một mất mười

Người trồng vẫn biết chong đèn nhiều lần, “ép” cây thanh long ra trái quanh năm sẽ ảnh hưởng nhiều đến cây. Nhưng họ tiếp tục làm, giá thanh long càng cao thì số lần chong đèn càng nhiều lên. Nhiều hộ nông dân “ép” đến mức thanh long không kịp tích tụ chất dinh dưỡng để ra trái.

Năng suất thấp, trên cây thanh long xuất hiện nhiều loại bệnh lạ là hậu quả mà người nông dân đang thấy rõ những năm gần đây. “Cây thanh long cũng là một loại cây trồng, nó không thể nằm ngoài các quy luật tự nhiên. Ra trái nhiều trong khi thời gian để cây lấy lại chất dinh dưỡng, phát triển thân cành không có thì tất nhiên cây sẽ kém phát triển.

Chong đèn nhiều, cây thanh long sẽ yếu, sức đề kháng sâu bệnh sẽ kém, năng suất không bằng các năm trước. Nếu cứ chong đèn thanh long như hiện nay thì chỉ vài năm nữa, không ít hộ dân phải phá bỏ vườn, trồng lại cây mới. Tốt nhất ngoài vụ mùa thì người dân chỉ nên chong đèn từ một đến hai lần trong năm.

Làm như vậy, người dân vẫn có thu nhập, cây thanh long sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, thời gian cho trái sẽ lâu hơn”, bà Đào Thị Kim Dung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây thanh long cho biết.

Một số hộ dân trồng thanh long lâu năm cho biết: Sử dụng chất kích thích quá nhiều, chong đèn tùy ý, người dân đang làm cho tuổi thọ của cây thanh long ngày càng ngắn. Trước đây, việc chong đèn chưa bị lạm dụng như hiện nay thì cây thanh long ở độ tuổi từ 4 đến 8 năm ra trái khá nhiều.

Nhưng nay, cây thanh long chỉ ra trái đều ở từ năm thứ 4 đến năm thứ 6. Còn ở những năm tiếp theo sản lượng giảm mạnh và khả năng ra trái mỗi lần chong đèn rất thấp. Điều này lý giải vì sao nhiều hộ dân thường xuyên chong đèn bị gãy (cây thanh long ra trái không nhiều - PV).

Tại huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc một số hộ dân đã phải nhổ phá thanh long cũ trồng lại trụ mới vì cây thanh long không còn ra trái ổn định. Mặc dù các trụ thanh long đó trồng chưa tới 10 năm. Bên cạnh việc giảm năng suất, khó ra trái trong mỗi lần chong đèn thì hiện nay cây thanh long rất dễ bị nhiễm bệnh.

Hai năm trở lại đây, dịch nấm tắc kè bùng phát mạnh gây thiệt hại lớn cho người trồng thanh long. Nhiều hộ dân chỉ bán được vài trăm nghìn dù trong vườn có hàng tấn thanh long. Nấm tắc kè bùng phát chính là hệ quả của việc “ép” cây thanh long ra trái nhiều lần trong năm của việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích.

Lợi nhuận từ việc trồng cây thanh long thuộc tốp cao nhất của ngành nông nghiệp Bình Thuận hiện nay. Nhưng với tâm lý làm ăn chụp giật, dùng mọi cách để “ép” thanh long ra trái như hiện nay thì người dân đang “bức tử” cây thanh long. Sự phát lâu dài và bền vững của cây thanh long đang ở mức đáng báo động…


Có thể bạn quan tâm

Khi Mùa Nước Nổi Không Còn Nhiều Tôm, Cá Khi Mùa Nước Nổi Không Còn Nhiều Tôm, Cá

Tỉnh Tiền Giang có 3 huyện bị ảnh hưởng bởi lũ, gồm: Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, hiện nước lũ vùng đang rút, nhưng với cường suất thấp. Mực nước lũ năm nay đủ để tháo chua, rửa phèn, ít gây thiệt hại mùa màng, nhưng nguồn cá, tôm giảm đáng kể, khiến việc mưu sinh mùa nước nổi của cư dân vùng lũ cũng vất vả hơn.

05/11/2013
Bấp Bênh Sò Huyết? Bấp Bênh Sò Huyết?

Thất bại vụ sò huyết năm 2011-2012, hầu hết bà con nuôi sò trong toàn tỉnh Bến Tre đã nói không với loại hải sản này. Dù rằng con sò trước kia đã từng góp phần xóa đói, giảm nghèo cho rất nhiều nông dân!

05/11/2013
Phát Triển Mô Hình Nuôi Ếch Phát Triển Mô Hình Nuôi Ếch

Thời gian gần đây, nhiều nông dân ở xã Mỹ Trung (Tiền Giang) chọn mô hình nuôi ếch Thái để tăng thu nhập cho gia đình. Mô hình này khá phù hợp với những nông dân ít đất sản xuất, thời gian nuôi ngắn nên đồng vốn xoay vòng nhanh, hiệu quả kinh tế khá cao và có thể kết hợp thả cá trong ao.

05/11/2013
Khôi Phục Chăn Nuôi Phục Vụ Thị Trường Tết Khôi Phục Chăn Nuôi Phục Vụ Thị Trường Tết

Chỉ còn ba tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Thời điểm hiện nay, người chăn nuôi trong tỉnh Bình Định đang tích cực tái đàn, chăm sóc gia súc, gia cầm (GSGC) phục vụ thị trường Tết. Ðiều đáng mừng với người chăn nuôi là sau thời gian dài giảm giá, hiện giá sản phẩm GSGC đang tăng mạnh trở lại.

05/11/2013
Nhân Rộng Mô Hình Nuôi Dông Thương Phẩm Nhân Rộng Mô Hình Nuôi Dông Thương Phẩm

Ở nhiều địa phương trong tỉnh Phú Yên, nuôi dông trên vùng đất cát bước đầu đã cho thấy những hiệu quả nhất định. Mô hình này tiếp tục được kỹ sư Đặng Thanh Thiện, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Tuy An nhân rộng, góp phần làm thay đổi cuộc sống của nhiều hộ dân nơi đây.

05/11/2013