Bón phân Trung Quốc, hoa chết hàng loạt
Gia đình ông Nguyễn Thành Quang (45 tuổi), ngụ đường Mai Anh Đào, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đang khốn đốn vì 2.000m2 hoa sa-lem bỗng héo úa, chết hàng loạt sau khi bón một loại phân có xuất xứ từ Trung Quốc.
Vườn hoa sa-lem của gia đình ông Nguyễn Thành Quang bị chết sau khi bón phân có xuất xứ từ Trung Quốc
Theo trình bày của ông Quang, vào giữa tháng 8/2017, ông mua phân NPK loại 25kg, có xuất xứ từ Trung Quốc về bón cho một số loại cây trồng, trong đó có 2.000m2 hoa sa-lem. Sau khi bón khoảng 5 ngày, vườn hoa của gia đình ông Quang xuất hiện những dấu hiệu bất thường. Hàng loạt cây hoa bỗng héo vàng lá, thối đọt, chết yểu.
Tới thời điểm này, gần 50% diện tích hoa sa-lem đã bị hư hỏng và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng. Nghi ngờ phân bón là “thủ phạm” gây hoa chết, ông Quang đem loại phân trên bón thử cho một số cây mọc quanh nhà, như rau răm, rau dền, cải cúc… thì chỉ mấy ngày sau xuất hiện tình trạng cây bị chết tương tự như sa-lem.
Tuy nhiên, cũng với loại phân này, gia đình ông Quang dùng để bón cho một vườn rau cải thì rau không bị chết. Theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì của nhà cung cấp, loại phân mà gia đình ông Quang sử dụng có xuất xứ từ Trung Quốc, dùng để bón gốc cho tất cả các loại cây trồng, liều lượng tùy loại cây, từ 200 - 350kg/ha.
Sau khi nhận được phản ánh của gia đình ông Nguyễn Thành Quang, công ty nhập loại phân này từ Trung Quốc về bán ra thị trường Việt Nam đã cử người tới tìm hiểu nguyên nhân.
“Chúng tôi đang thử hết các nguyên nhân có thể xảy ra dẫn tới vườn hoa sa-lem của ông Quang bị héo lá, thối đọt. Cụ thể, chúng tôi lấy mẫu đất, mẫu cây, nước… về kiểm nghiệm để có các phân tích chính xác. Trong đó, giả thuyết vườn hoa sa-lem nhiễm nấm bị loại bỏ, chúng tôi chỉ tập trung phân tích các nguyên nhân có thể phân không hợp với chất đất, do khí hậu thổ nhưỡng không phù hợp, bón phân sai khuyến cáo...
Điều đáng lưu ý là cùng một loại phân chúng tôi phân phối nhưng ông Quang bỏ hai vườn khác nhau (một vườn hoa sa-lem, một vườn rau cải) thì chỉ vườn sa-lem có dấu hiệu hư hại, vườn còn lại phát triển bình thường”, đại diện công ty này cho biết.
Ông Nguyễn Thành Quang thì vẫn nghi ngờ nguyên nhân khiến vườn hoa sa-lem của gia đình ông chết hàng loạt có thể là do phân bón.
Có thể bạn quan tâm
Một số giống bắp cải nhập nội chất lượng cùng quy trình kỹ thuật canh tác.
Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nam Định đang xuất hiện bệnh lùn sọc đen gây hại lúa
Các bệnh gây thối rễ và thân cây trồng là do các tác nhân gây bệnh tồn tại trong đất, gây thiệt hại năng suất nghiêm trọng.