Một số giống bắp cải nhập nội chất lượng
Một số giống bắp cải nhập nội chất lượng cùng quy trình kỹ thuật canh tác.
Bắp cải No70 (cải bắp sần)
Nhập nội từ Nhật Bản. Thời gian sinh trưởng tương đối ngắn (75 - 85 ngày, tùy thời vụ). Khả năng kháng bệnh, chịu nóng, chịu độ ẩm cao rất tốt. Cây bắp có thể chịu được mưa dài ngày mà không bị thối, nứt. Cho phép trồng vụ sớm, vụ muộn để khắc phục nhu cầu rau giáp vụ. Vụ thu đông bắt đầu trồng từ đầu tháng 8. Vụ xuân hè trồng cuối tháng 2 đầu tháng 3. Mật độ trồng 1.200 cây/sào 360m2. Khoảng cách trồng 40 x 60cm. Trồng 2 hàng/luống rộng 1,2m. Trọng lượng bắp trung bình 1,2 - 1,5kg/1 cây. Năng suất trung bình bình đạt 1,3 - 1,5 tấn/sào.
Bắp cải Hodori 18
Nhập nội từ Hàn Quốc. Thời gian sinh trưởng ngắn (70 ngày). Khả năng kháng bệnh và chịu nóng khá tốt. Trọng lượng bắp trung bình 2kg/1 cây. Năng suất trung bình đạt 1,6 - 1,8 tấn/sào 360m2. Chất lượng rau ăn giòn, ngon, vị đậm. Thời vụ trồng từ tháng 8 - 3. Trồng 2 hàng/luống. Mật độ trồng 1.200 - 1.300 cây/sào. Cây cách cây 30 - 40cm. Hàng cách hàng 50 - 60cm.
Bắp cải NSX
Nhập nội từ Nhật Bản. Chất lượng thuộc hàng đỉnh trong số các giống bắp cải đang trồng phổ biến ở nước ta hiện nay. Nhưng giống có nhược điểm, thời gian sinh trưởng khá dài (100 - 110 ngày), khả năng chịu nóng rất kém và giá giống cao (đắt gấp 2 lần so với các giống bắp cải khác). Thích hợp trồng chính vụ đông (giữa tháng 10). Mật độ trồng 900 - 1.000 cây/sào 360m2. Khoảng cách trồng 50 x 60cm. Trồng 2 hàng/luống rộng 1,2m. Trọng lượng bắp trung bình 3kg/1 cây. Năng suất 2,3 - 2,5 tấn/sào. Rất phù hợp trồng thâm canh cung ứng rau cho các chuỗi siêu thị sạch.
*Chú ý: Các giống bắp cải trên đều là giống lai F1, khả năng chống chịu tốt, chịu thâm canh, năng suất, chất lượng cao. Tuy nhiên, để giống phát huy tốt đặc tính kinh tế và sinh học, khi thâm canh các nhà nông cần tuân thủ quy trình trồng rau VietGAP.
Quy trình thâm canh
-Chọn cây giống khỏe, không mang mầm bệnh. Gieo trồng đúng thời vụ. Đất trồng cát pha hoặc thịt nhẹ.
-Ruộng trồng rau phải đảm bảo cách ly tối thiểu 100 - 300m với đường quốc lộ, khu công nghiệp, trại chăn nuôi tập trung, nghĩa tranh nhân dân và bãi chôn lấp rác thải…
-Phải có nguồn nước sạch (giếng khoan hoặc nước sông không bị ô nhiễm) để tưới dưỡng trong quá trình bắp cải sinh trưởng.
-Khi làm đất rải 20 - 30kg vôi bột trên mặt ruộng, kết hợp cày phay cho vôi trộn đều với đất để xử lý nấm bệnh.
-Lượng phân bón cho 1 sào 360m2: Bón lót 3 - 4 tạ phân chuồng hoai mục + 50-60kg phân hữu cơ vi sinh.
Bón thúc lần 1 (khi cây bén rễ hối xanh): 3 - 5kg NPK 13-13-13+TE Đầu Trâu. Lần 2 (khi cây trải lá rộng): 4 - 6kg NPK 13-13-13+TE Đầu Trâu. Lần 3 (khi cây chuẩn bị cuốn): 5 - 7kg NPK 13-13-13+TE Đầu Trâu.
-Phun định kỳ 7 ngày/1 lần phân bón lá Rong biển, Thiên nông, Đầu Trâu 502.
-Tưới nước: Sau trồng cần tưới ngày 2 lần (sáng, tối). Sau khi cây bén rễ hồi xanh, 3 - 5 ngày tưới 1 lần tùy theo độ ẩm của đất.
-Từ khi cây trải lá rộng đưa nước ngập 1/3 rãnh, khi nước thấm đều mặt luống thì tháo kiệt.
-Tuyệt đối không được dùng nguồn nước thải, nước ao tù chưa được xử lý để tưới, đặc biệt không tưới nước phân tươi cho rau.
-Nên dùng màng phủ nilon mặt luống, sau được lỗ trồng rau, giúp giữ ẩm đất, khống chế cỏ dại, tránh rửa trôi dinh dưỡng, giảm công vun xới, hạn chế nấm bệnh phát sinh gây hại rau.
Phòng trừ sâu bệnh
Thăm đồng thường xuyên để kịp thời bắt giết sâu xám, sâu xanh, sâu tơ, sâu khoang. Không để ruộng quá ẩm kéo dài. Làm sạch cỏ kịp thời. Nhổ bỏ cây cải bắp bị héo nhũn. Tỉa bỏ lá già, lá sâu bệnh. Trồng thêm một số cây thanh hao hoa vàng xen trong ruộng bắp cải để xua đuổi tuyến trùng, hạn chế bệnh sưng rễ, thối gốc.
Khi sâu bệnh gây hại có khả năng ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng rau, có thể sử dụng thuốc BVTV để phun trừ. Phải sử dụng các loại thuốc sâu, bệnh được nhà nước khuyến cáo sử dụng trên cây rau. Ưu tiên dùng các loại thuốc sâu và thuốc bệnh mà ký hiệu độ độc trên bao gói có màu xanh như các thuốc Bt, Zineb, Pegassus, Daconil… Đảm bảo thời gian cách ly tổi thiểu với từng loại thuốc ghi trên bao gói.
Thu hoạch khi bắp cải cuộn chặt thì cắt gốc, loại bỏ lá già, lá bệnh, xếp vào sọt sạch, vận chuyển nhẹ nhàng, tránh dập nát, đưa về nhà sơ chế, tuyệt đối không được ngâm nước trước khi đưa đi tiêu thụ.
Có thể bạn quan tâm
Loại chè shan tuyết phải hái lúc lá còn ngậm sương mai, duy nhất vào mùa xuân.
Nhiều mô hình trồng tiêu xen các loại cây, hoa giúp tiêu phát triển tốt và hạn chế được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)
Đó là 1 trong những nội dung hợp tác giữa Hội Nông dân Việt Nam và Tập đoàn Công nghệ Hàn Quốc Agerigna. Nội dung này đã được lãnh đạo 2 bên nhất trí