Nguyên nhân, cách khắc phục khi cây trồng bị thối rễ và thân
Các bệnh gây thối rễ và thân cây trồng là do các tác nhân gây bệnh tồn tại trong đất, gây thiệt hại năng suất nghiêm trọng.
Hỏi: Xin cho biết nguyên nhân và cách khắc phục khi cây trồng cạn hay bị bệnh thối rễ và thân?
Trả lời: Các bệnh gây thối rễ và thân cây trồng là do các tác nhân gây bệnh tồn tại trong đất, gây thiệt hại năng suất nghiêm trọng. Sự tích lũy nguồn bệnh ngày càng trầm trọng khi nông dân chuyên canh cây trồng, đất thoát nước kém và bị chua, cây giống không sạch bệnh và khí hậu nhiệt đới luôn ẩm ướt cũng là một điều kiện dễ gây bệnh.
Cách khắc phục:
- Luân canh với cây lúa nước là một biện pháp khả thi nhất. Vì đất trồng lúa bị ngập nước trong một thời gian dài sẽ làm cho các hạch nấm trong đất bị tiêu diệt, các loài vi khuẩn, tuyến trùng cũng bị hạn chế tối đa.
- Xử lý hạt hoặc rễ cây con bằng thuốc trừ nấm trước khi gieo trồng.
- Bón lót phân chuồng hoặc phân hữu cơ vi sinh để đất trồng được tơi xốp, vi sinh vật có ích sẽ được gia tăng và phát huy tác dụng.
- Không lạm dụng phân bón hóa học khi cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng. Việc lạm dụng phân hóa học bón cho cây không chỉ làm cho sản phẩm bị ô nhiễm, chất lượng mẫu mã không cao mà còn làm cho đất trồng ngày càng bị chua, kim loại nặng tăng dẫn đến các loài vi sinh vật hại sẽ có điều kiện tích lũy và gia tăng số lượng, gây hại cây trồng thường xuyên hơn.
- Việc làm đất trước khi trồng cây là một biện pháp bắt buộc. Cày bừa hoặc xới đất, lên luống cao sẽ làm cho tầng canh tác đất thông thoáng, rễ cây phát triển được rộng dài. Mặt khác, môi trường đất thông thoáng có ô xi thì các vi sinh vật có hại trong đất không có điều kiện phát sinh gây hại rễ, thân cây trồng.
- Sử dụng các giống cây trồng tiến bộ có khả năng kháng nhiều loài sâu bệnh là một biện pháp cũng rất hữu ích để giảm thiểu lượng sâu bệnh hại. Các giống cây trồng có thân, rễ khỏe, cứng chắc sẽ ít khi bị nấm và vi khuẩn hay tuyến trùng trong đất tấn công.
- Bổ sung các dòng nấm có ích như nấm cộng sinh, nấm đối kháng vào vùng rễ cây trồng để ngăn cản vi sinh vật có hại phát sinh đồng thời kích thích được rễ cây trồng phát triển mạnh và hút dinh dưỡng nhiều hơn.
Hỏi: Vụ đông, cà chua ở vùng chúng tôi thường bị bệnh sương mai gây hại, xin cho biết làm cách nào hạn chế được căn bệnh này?
Trả lời: Sương mai (Phytophthora infestans) là bệnh rất phổ biến và nguy hiểm trên cây cà chua, đặc biệt là khi gặp những đợt mưa phùn, hoặc đêm và sáng sớm có nhiều sương mù, trời lạnh, ban ngày trời âm u, ít nắng... nếu nặng bệnh có thể làm cho lá bị “cháy” khô hoặc thối, hoa và quả non có thể bị rụng, quả lớn bị thối đen, chai cứng không ăn được… gây thiệt hại rất lớn cho nhà vườn.
Để hạn chế tác hại của bệnh, phải áp dụng kết hợp một cách đồng bộ và hợp lý những biện pháp trong quy trình quản lý dịch hại tổng hợp, sau đây là một số biện pháp chính:
- Lên liếp cao hình mai rùa để ruộng không bị đọng nước mỗi khi có mưa, tạo ẩm ướt trong ruộng.
- Sử dụng giống ít nhiễm bệnh.
- Không lấy hạt ở những ruộng đã bị bệnh để làm giống cho vụ sau.
- Bón cân đối giữa đạm, lân và kali, không bón quá thừa phân đạm, nếu có điều kiện nên tăng cường phân chuồng mục và phân hữu cơ vi sinh, nên tăng cường ka li để tăng sức chống đỡ bệnh cho cây.
- Không trồng quá dày, đồng thời thường xuyên tỉa bỏ bớt lá già ở dưới gốc để ruộng cà chua luôn thông thóang.
- Thu gom những bộ phận bị bệnh nặng đưa ra khỏi ruộng tiêu hủy để tránh lây lan.
- Sau mỗi vụ thu hoạch cà chua cần thu gom sạch sẽ tàn dư của cây đem tiêu hủy để hạn chế lây lan cho vụ sau.
- Kiểm tra ruộng cà chua thường xuyên, để phát hiện sớm và phun thuốc phòng trị bệnh kịp thời…
Có thể phun một trong những loại thuốc như Novistar 360WP, Kacie 250EC, Moneys 325SC, Ortiva 560SC, Gekko 20SC… Về liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất có in sẵn trên bao bì.
Có thể bạn quan tâm
Đó là 1 trong những nội dung hợp tác giữa Hội Nông dân Việt Nam và Tập đoàn Công nghệ Hàn Quốc Agerigna. Nội dung này đã được lãnh đạo 2 bên nhất trí
Một số giống bắp cải nhập nội chất lượng cùng quy trình kỹ thuật canh tác.
Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nam Định đang xuất hiện bệnh lùn sọc đen gây hại lúa