Bón Phân Cho Hồ Tiêu Kinh Doanh
LÝ THUYẾT KHOA HỌC VỀ BÓN PHÂN CHO HỒ TIÊU KINH DOANH
Cũng thuộc loại thân bò, nhưng cây tiêu được bò leo trên giá đỡ gọi là nọc tiêu. Khác hẳn với cây khoai lang cũng thân bò nhưng bò sát trên mặt đất, nếu dây và lá khoai quá tốt thì củ nhỏ và ít củ, vì vậy mới có câu “tốt dây nhưng xấu củ”. Ngược lại, thân cây tiêu bò leo trên giá đỡ được hưởng đủ ánh sáng và khí trời nên thân lá có tươi tốt thì chùm trái mới nhiều và quả tiêu mới mượt mà, bóng láng.
Ngoài giống tốt, có sức kháng sâu bệnh khá thì phân bón đóng vai trò rất quan trọng. Về mặt khoa học, người ta quy ước bón phân cho vườn tiêu là phải biết cây tiêu lấy đi chất gì, lấy hết bao nhiêu để trả lại chất ấy đủ cho đất thì đến các vụ sau, năm sau mới có năng suất ổn định.
Kết quả phân tích thấy rằng trong 1 kg hạt tiêu đen có chứa 39 gram đạm (N), 9 gram lân (P205) và 21 gram kali (K20) cùng các chất trung và vi lượng khác. Như vậy để có 5 tấn hạt tiêu khô/ha, thì con người đã lấy đi 195 kg N, 50 kg P205 và 105 kg K20. Nếu tính cả thân lá cây tiêu thì con số này chí ít cũng gấp 2 lần như vậy. Một nghiên cứu của Sadanandan (2000), cho thấy vườn tiêu 8 năm tuổi đã lấy đi từ đất hết 295 kg N, 56 kg P205 và 405 kg K20. Như vậy thân và lá cây tiêu đã sử dụng một lượng kali khá lớn, làm cho tỷ lệ N;P:K do tiêu lấy đi là 5,3:1:7,2.
Lý thuyết thì như vậy, nhưng trong thực tế do tính chất đất đai trồng tiêu rất khác nhau, nên cùng bón lượng phân cao gần giống nhau, nhưng thu được năng suất tiêu cũng rất khác nhau. Ví dụ, Nguyễn Tăng Tôn (2011) thí nghiệm bón 10 tấn phân chuồng phối hợp với 120kg N+60 kg P205 và 120 kg K20 trên 1 ha đã thu được 5,39 tấn tiêu khô trên vùng đất đỏ Bình Phước. Nhưng Dierolf và cộng sự (2001) thì cũng khuyến cáo bón 10 tấn phân hữu cơ nhưng phải phối hợp với 400 kg N, 200 kg P205 và 500 kg K20 mới đạt năng suất 3 tấn tiêu hạt/ha. Còn Nguyễn hữu Luận (2007) bón nền phân 300 N + 200 P205+ 400 K20/ha đã thu được 4,25 tấn tiêu đen/ha, cho hiệu quả kinh tế khá cao.
Trong thực tế do những năm gần đây tiêu có giá cao nên người trồng tiêu đã đầu tư tối đa. Một điều tra của Trung tâm cây ăn quả miền Đông Nam bộ ở vùng Phú Giáo, Bình Phước cho thấy có hộ trồng tiêu đã bón một vụ tiêu 3 tấn phân NPK 16-16-8, 1 tấn phân ure, 1 tấn phân lân và 600 kg phân kali, chưa kể các nguồn phân hữu cơ khác.
Chỉ tính riêng phân hóa học, người trồng tiêu đã bón đến 780 kg N + 978 kg P205 và 850 kg K20/ha tiêu/năm, và đã thu được 6,2 tấn tiêu khô. Nếu thừa nhận cây tiêu 8 năm tuổi lấy đi 292 kg N,56 kg P205 và 405 kg K20/ha đất thì số phân trên còn dôi ra 488 kg N, 922 kg P205 và 455 kg K20. Số chất dinh dưỡng dôi ra này một phân lưu lại trong đất nhưng phần khá lớn sẽ chảy ra sông suối, vừa lãng phí và vừa gây thêm ô nhiễm cho mội trường làm sinh thái vi sinh vật trong đất bị rối loạn nên cây hay bị bệnh.
PHÂN ĐẦU TRÂU HỒ TIÊU KINH DOANH
Nhận thức được việc sử dụng phân bón cho hồ tiêu thời kỳ kinh doanh đang trở thành có tính cấp thiết, nhằm để vừa tránh lãng phí cho người trồng, vừa đạt năng suất cao, tiện lợi cho người sử dụng mà không gây ô nhiễm môi trường. Cty CP Phân bón Bình Điền đã nghiên cứu và sản xuất Phân Đầu Trâu hồ tiêu kinh doanh có chứa hàm lượng dinh dưỡng 19-9-19+TE sẽ thỏa mãn nhu cầu như vậy. Xin được giới thiệu một số mức bón để bà con trồng tiêu tham khảo:
1/Trên đất đỏ vàng hay nâu đỏ, độ phì cao, mật độ tiêu trung bình 2.000 nọc/ha, bón khoảng 10 tấn phân chuồng hoai, bổ sung 2-3 tấn phân hữu cơ sinh học Đầu Trâu, 500-600 kg vôi sau khi thu hoạch,tỉa cành và tạo tán.
Lượng phân Đầu Trâu 19-9-19+TE định mức 1.000 kg/ha, chia ra bón như sau
-Lần1: Đầu mùa mưa: thúc ra hoa, 200 kg/ha
-Lần 2: Bón nuôi quả 250 kg/ha
-Thúc lần 3: Nuôi quả 300 kg/ha
-Lần 4, nuôi quả và dự trữ cho cây 250 kg/ha. Lượng phân khoáng này tương đương: 190 N+90 P205 và 190 K20/ha
2/Trên đất xám nhưng đã bón nhiều phân vào các năm trước, mật độ trung bình 2.000 cây/ha.Cũng bón 10 tấn phân chuồng hoai, bổ sung 2-3 tấn phân hữu cơ sinh học Đầu Trâu, có thể bón thêm 500 kg vôi nếu đất hơi chua, hoặc để xử lý đất tốt hơn.Lượng phân NPK Hồ tiêu kinh doanh là 1.200 kg/ha
-Thúc lần 1:Đầu mùa mưa: 250 kg/ha.
-Thúc lần 2: Nuôi quả 300 kg/ha.
-Thúc lần 3: Nuôi quả 350 kg/ha.
-Thúc lần 4: Nuôi quả và dự trữ cho cây 300 kg/ha. Lượng phân khoáng này tương đương: 228 kg N +108 P205+ 228 K20/ha.
3/Dùng cho các hộ thâm canh cao, mật độ trung bình 2.000 cây/ha, cũng bón 10 tấn phân hữu cơ hoai, phối hợp với 2-3 tấn phân hữu cơ sinh học Đầu Trâu, kết hợp 500-600 kg vôi vào sau khi thu hoạch, tỉa cành tạo tán. Lượng phân NPK Đầu Trâu kinh doanh là 1.500 kg/ha, chia ra:
-Đợt 1: Đầu mùa mưa, thúc ra hoa: 350 kg/ha.
-Đợt 2: Nuôi quả 400 kg/ha.
-Đợt 3: Nuôi quả 400 kg/ha.
-Đợt 4 nuôi quả, dự trữ cho cây 350 kg/ha.
Lượng phân khoáng này tương đương: 285 kg N + 135 P205 + 285 kg K20/ha.
Trên đây là liều khuyến cáo để vừa có năng suất cao và hiệu quả kinh tế cao, không gây ô nhiễm môi trường, để giúp hạt tiêu Việt Nam dễ dàng đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, hội nhập được với thị trường khó tính.
Có thể bạn quan tâm
Trồng tiêu trên cây trụ sống là kiểu canh tác bền vững, tạo nên điều kiện sinh thái phù hợp cho phép kéo dài thời gian khai thác vườn tiêu, hạn chế được các bệnh nguy hiểm và có thể giảm bớt chi phí đầu tư ban đầu
Ngoài giống tốt, có sức kháng sâu bệnh khá thì phân bón đóng vai trò rất quan trọng. Về mặt khoa học, người ta quy ước bón phân cho vườn tiêu là phải biết cây tiêu lấy đi chất gì, lấy hết bao nhiêu để trả lại chất ấy đủ cho đất thì đến các vụ sau, năm sau mới có năng suất ổn định.
Cây hồ tiêu có nguồn gốc từ tán rừng thưa nên ánh sáng tán xạ nhẹ phù hợp với yêu cầu sinh lý của cây tiêu hơn là trực xạ. Bóng mát sẽ điều tiết sự ra hoa quả, làm cây không ra hoa quả quá độ, do vậy ổn định đuợc năng suất và duy trì được tuổi thọ của vườn tiêu
Vụ tiêu vừa qua, phần lớn các vườn tiêu đều giảm năng suất (năng suất bình quân 2,5 tấn/ha), trong khi đó vườn tiêu của ông Trương Đức Hào ở xã Bàu Lâm (huyện Xuyên Mộc - Bà Rịa - Vũng Tàu) có năng suất đến 5,5 tấn/ha. Điều đáng quan tâm là nhiều năm nay vườn tiêu của ông Hào luôn cho năng suất ổn định và giá bán cao hơn so với các vườn tiêu khác gần 10%.
Bệnh chết nhanh trên hồ tiêu do nấm Phytophthora capsici gây ra. Bệnh có thể gây hại ở tất cả các bộ phận của cây nhưng nguy hiểm nhất vẫn là vùng cổ rễ. Nấm gây bệnh có nguồn gốc thủy sinh, gặp mưa ẩm ướt kéo dài sẽ phát triển mạnh, ngấm ngầm tấn công và hủy hoại bộ rễ, làm cho việc dẫn truyền nước và dinh dưỡng nuôi cây bị ngừng trệ, khi phát hiện thấy cây bị chết thì thực ra bộ rễ của chúng đã bị nấm gây hại trước đó hàng tháng rồi, vì thế cây tiêu thường bị chết hàng loạt vào cuối mùa mưa đầu mùa khô.