Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bò Tơ Có Giá

Bò Tơ Có Giá
Ngày đăng: 23/07/2014

Nuôi bò vàng, bò thịt vốn đã phát triển từ nhiều năm trước ở huyện Củ Chi (TPHCM). Tuy nhiên 2 năm trở lại đây, đặc sản “bò tơ Củ Chi” bắt đầu nổi tiếng và lan rộng khắp miền Nam.

Bỗng chốc, nhu cầu mua bò tơ (bê non) tăng lên đột biến, khiến con bò lên giá mạnh.

Ở huyện Củ Chi, nông dân bắt đầu nuôi bò vàng, bò thịt từ cách đây vài chục năm. Hồi đó, đa phần nuôi theo kiểu truyền thống, tức là bò cái thì để làm giống, sinh sản, bò đực nuôi từ 1,5- 2 năm thì bán thịt, lợi nhuận cũng không đáng kể, người nuôi lấy công làm lãi.

Khoảng 2 năm trở lại đây, người ta biết đến bò Củ Chi nhiều hơn thông qua món ăn đặc sản ưa thích của các dân nhậu: “Bò tơ Củ Chi”. Ban đầu, nó mới chỉ nhen nhóm ở quanh khu vực thị trấn và các xã lân cận, với số lượng cũng hạn hẹp. Nhưng tới nay, nó đã có mặt tại nhiều địa điểm ăn uống lớn ở TPHCM. Nhiều dân nhậu thành phố còn đích thân đi xe con lên tận thị trấn Củ Chi để thưởng thức món đặc sản này.

Theo đó, giá bò tơ (bê non) vốn chỉ lẹt đẹt 7 – 8 triệu đồng/con những năm trước thì nay đã tăng vọt lên 12- 13 triệu đồng/con. Nhiều nông dân nuôi bò thịt tại địa bàn cũng quan tâm và chăm chút hơn cho những chú bê mới sinh này.

Chúng tôi tìm gặp anh Ngô Văn An (tổ 3, khu phố 6, thị trấn Củ Chi) là một người nuôi bò thịt nổi tiếng. Dẫn khách lại chuồng bò của mình, anh liệt kê hết những con bò có tại chuồng về độ tuổi, lúc nào có thể bán, lứa nào để nuôi. Anh nói: “Gia đình tôi nuôi bò thịt cũng hơn 30 năm rồi. Nhưng hồi đó nuôi bò lớn mới bán, chứ không bán bò tơ. Gần đây giá bò tơ tăng cao, lái đi mua nhiều, gia đình cũng có các lứa xuất bán, đem về thu nhập rất khá”.

Theo anh, bò tơ tương đối dễ nuôi, ít bệnh, mà giá lại cao. Anh nắm rất chắc kỹ thuật nuôi bò thịt. Bê con khi mới sinh bú hoàn toàn bằng sữa mẹ cho tới 3 - 4 tháng đầu tiên. Tới tháng thứ 5 anh chăm sóc đều đặn bằng cách cho bê ăn cỏ, uống nước cám, chăn dắt thường xuyên mỗi chiều. Vào cuối tháng thứ 5 cho tới tháng 6 thì bê con có thể bán lấy thịt. Lúc này giá vào khoảng 200 ngàn đ/kg, bê con khoảng 60 – 70kg thịt, được từ 12 – 14 triệu đồng/con.

Hiện nay, huyện Củ Chi đang cho ghép bò sữa phối tinh với bò sữa cao sản ra dòng con thuần F1. Giống này vừa có thể cho sữa, lại vừa có thể cho thịt nếu thị trường có nhu cầu. Dĩ nhiên, thịt bò sữa sẽ không ngon bằng thịt bò vàng, nhưng sẽ tiện để phát triển song song giữa việc cho sữa và và lấy thịt.

Anh chia sẻ, nếu muốn nuôi bò thuần cho sinh sản, thì con mẹ phải lựa chọn thật kỹ. Bò mẹ cho giống tốt thì con sẽ khỏe mạnh, chăm bú sữa, ít bệnh, thịt cũng sẽ mềm và thơm hơn. Trung bình, một con bò mẹ giống tốt có giá khoảng 20 – 30 triệu đồng.

Bò đẻ 1 con/ năm, kéo dài 10 năm thì triệt sản và chuyển sang bán thịt. Như vậy, một con bò mẹ có thể cho tới 10 bê con trong 10 năm, thu về tổng cộng từ 120 -140 triệu đồng. Năm vừa rồi, gia đình anh xuất hơn 100 con bê, thu lãi hơn 200 triệu đồng.

Hiện tại, gia đình anh có hơn 20 bê các loại, 2 bò mẹ cho giống và 1 bò đực. Mới đây, anh vừa bán 4 con bê con và mua lại 1 bò mẹ. “ Để chuồng trống là tôi không chịu được”, anh cười nói. Vì sao bò tơ lại được ưa chuộng, anh lý giải rằng, thịt bò tơ lúc mới lột da nhìn trắng như thịt heo, khi ăn rất mềm, thơm mùi sữa và bổ, khác hẳn với thịt bò đực già 2 năm tuổi, ăn rất dai và không thơm.

Gần đó, gia đình anh Ngô Văn Linh trước đây chỉ mua đi bán lại như kiểu lái, chủ yếu là bò giống. Nhưng 2 năm trở lại đây, bê con bắt đầu có giá, gia đình anh quyết định đầu tư chuồng trại, tậu gần chục con bò giống. “Năm rồi, tôi bán một lứa bê, thu về cũng ngót 100 triệu đồng” – anh khoe.

Theo ông Nguyễn Văn Phơn, cán bộ nông nghiệp huyện Củ Chi, bò vàng (bò thịt) trên địa bàn huyện có khoảng 10.000 con và đàn bò chủ yếu phát triển mạnh khoảng 2 năm trở lại đây. Ông Phơn cũng cho rằng, cùng với bò sữa là thế mạnh thì việc nuôi bò thịt có thể được coi là một mô hình kinh tế mới, đầy tiềm năng của Củ Chi. Thời gian tới, huyện sẽ có chính sách hỗ trợ cho người dân nuôi bò vàng, bò thịt, song song với đẩy mạnh phát triển đàn bò sữa chủ lực.


Có thể bạn quan tâm

Triển Khai Kế Hoạch Nuôi Tôm Nước Lợ Năm 2014 Và Bàn Giải Pháp Phòng Chống Dịch Bệnh Trên Tôm Nuôi Ở Các Tỉnh Phía Nam Triển Khai Kế Hoạch Nuôi Tôm Nước Lợ Năm 2014 Và Bàn Giải Pháp Phòng Chống Dịch Bệnh Trên Tôm Nuôi Ở Các Tỉnh Phía Nam

Sáng 28-2, tại TP.Bà Rịa, Tổng Cục Thủy sản phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch nuôi tôm nước lợ năm 2014 và bàn giải pháp phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi ở các tỉnh phía Nam.

01/03/2014
Trứng An Toàn Vẫn Tiêu Thụ Tốt Trứng An Toàn Vẫn Tiêu Thụ Tốt

Theo đại diện một số siêu thị tại TP.Biên Hòa (Đồng Nai), lượng trứng gia cầm tiêu thụ vẫn tốt dù giá trứng không điều chỉnh giảm như ngoài thị trường.

01/03/2014
Vụ Đông Xuân Lúa Trúng Đậm Nhưng Xuất Khẩu Chậm Vụ Đông Xuân Lúa Trúng Đậm Nhưng Xuất Khẩu Chậm

Năng suất lúa vụ đông xuân 2013-2014 ở ĐBSCL cao hơn từ khoảng 1 tấn/héc ta so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức kỷ lục trong vòng 10 năm qua; trong khi đó, tình hình xuất khẩu gạo đang gặp nhiều khó khăn do bị cạnh tranh quyết liệt từ Ấn Độ và Thái Lan.

01/03/2014
Quế Rớt Giá, Đốn Làm Củi Quế Rớt Giá, Đốn Làm Củi

Do giá quế xuống thấp, hơn 100 ha quế có đường kính từ 15 đến 30cm đã bị người dân bỏ mặc không khai thác; nhiều hộ dân còn có ý định chặt bỏ để làm củi hoặc nhường diện tích cho cây bời lời.

01/03/2014
Dừa Xiêm Lùn Lãi 30 Triệu Đ/ha/tháng Dừa Xiêm Lùn Lãi 30 Triệu Đ/ha/tháng

30 triệu đồng là số tiền hằng tháng mà gia đình ông Phan Minh Úc (45 tuổi) ở ấp Trùm Thuật, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) thu về từ mô hình trồng dừa.

01/03/2014