Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bình Phước nặng tình với cây điều

Bình Phước nặng tình với cây điều
Ngày đăng: 03/07/2015

Cà phê xen điều, lợi đơn, lợi kép!

Từ khi cây điều còn là “cây xóa đói giảm nghèo”, già làng Điểu Liên (thôn 5, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng) đã trồng bắp, đậu xen trong vườn điều để lấy ngắn nuôi dài. Điều làm ông Điểu Liên lo lắng là năm nào điều được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa. Mua được máy phát điện, máy bơm dẫn nước từ suối lên tưới cây, năm 2000, ông Điểu Liên trồng cà phê xen trong vườn điều để tăng thu nhập. Nhờ tiết kiệm chi tiêu, từ 1 ha đất ban đầu, đến nay ông Điểu Liên đã có 5 ha đất trồng điều xen cà phê. Vườn điều cho năng suất trung bình khoảng 2 tấn/ha/năm, năm mất mùa cũng được 1,5 tấn/ha. Những nơi đất dốc, ông trồng cây lá nhíp giữa những hàng điều, cà phê để chống xói mòn, vừa có rau ăn quanh năm, mùa mưa gia đình ông còn hái lá nhíp mang ra chợ bán.

Già làng Điểu Liên cho biết: “Cà phê phải tưới nước mùa nắng, trước tết Nguyên đán, trùng với thời gian cây điều đã rụng lá, chuẩn bị ra lá non và làm bông, được tưới nước điều phát triển mạnh. Tôi thường bón phân chuồng và phân hữu cơ để phù hợp với cả hai loại cây. Cà phê trồng dưới tán điều vẫn cho nhiều trái nhưng phải thường xuyên tỉa bớt cành điều để cây nào cũng có ánh sáng, vườn thông thoáng ít sâu bệnh. Mỗi mùa thu hoạch xong là tôi chia ra nhiều khoản tiền như: Nuôi con trai học đại học ở thành phố Hồ Chí Minh, chi tiêu trong gia đình, mua phân bón chăm sóc vườn cây và gửi ngân hàng phòng khi ốm đau, có việc. Mình bỏ công sức thì đất không phụ lòng người đâu. Thấy vườn nhà mình nhiều trái, một số người trong thôn đến học và làm theo, năm giá thấp cũng quyết không chặt cây điều”.

Trồng tiêu trên thân cây điều, tại sao không?

Chỉ có 3 ha điều, nhưng vụ mùa 2015, gia đình ông Trần Văn Đáp (thôn 9, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập) thu được 12 tấn hạt điều tươi. Nông dân trên địa bàn tỉnh đến mùa thường nhặt điều và bán luôn tại vườn, riêng ông Đáp trữ lại phơi khô được 6 tấn. Chờ đến khi giá điều khô lên 40.000 đồng/kg, ông Đáp mới bán toàn bộ. Chúng tôi vào tận vườn nhìn dây tiêu quấn trên thân điều từ gốc lên đến gần ngọn, những chùm tiêu non chìa ra xanh mướt, mới biết cây điều chưa phải là nguồn thu chính của gia đình ông Đáp.

Năm 1994, ông Đáp từ tỉnh Đồng Nai đến xã Đắk Ơ thăm con gái. Thấy đất đỏ màu mỡ, cây trồng tốt tươi là ông mê liền. Sau chuyến đi đó ông bàn với vợ bán hết nhà, vườn ở Đồng Nai được 6 lượng vàng, đến Bình Phước mua 2 ha đất lập nghiệp. Cuốc cỏ tranh tới đâu, vợ chồng ông Đáp trồng lúa xen điều tới đó. Với bản tính “chăm chỉ, siêng năng”, ông Đáp trồng xen cà phê trong vườn điều và trồng tiêu leo trên thân điều. Dù đã 73 tuổi, hằng ngày ông Đáp vẫn cuốc bồn cho tiêu, kéo ống, tưới tiêu, xịt thuốc, tỉa cành điều tạo độ thông thoáng... Ông làm không thuê nhân công, vừa lao động để có sức khỏe, vừa sống trong vườn để quan sát từng sự thay đổi nhỏ của cây trồng để chăm sóc kịp thời.

Ông Đáp không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc để cả tiêu và điều cùng cho năng suất cao. Ông nói: “Tôi chia vườn thành 3 khu vực, sử dụng 3 loại phân bón khác nhau, vô cơ, hữu cơ và phân chuồng nhưng vườn cây được bón phân Komix kết hợp NPK là phù hợp hơn cả, cây phát triển tốt, cho năng suất cao và ít sâu bệnh. Ngoài giá cả, nông dân lo sợ nhất là mất mùa. Tôi đã học hỏi và áp dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc cây tiêu. Để đảm bảo cho tiêu ra trái tập trung cần chăm sóc để vườn tiêu đồng đều, những cây yếu phải có chế độ chăm sóc đặc biệt để bắt kịp với cây bình thường. Cây tiêu thường ra bông ngay mắt của bông cũ, tiếp tục bông đèo bông. Do đó khi thu hoạch tiêu phải cẩn thận, gãy 1 tay mất vài chùm bông, còn dễ gây ra bệnh rụng lóng tháo khớp. Tôi thường hãm cây, làm bông bằng cách hun khói, cắt nước và xịt thuốc để tiêu ra bông, trái đồng loạt. Dự định mùa khô năm 2015 tôi sẽ lắp hệ thống tưới tự động”.

Ông Vũ Quốc Hùng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đắk Ơ cho biết: Ông Đáp đi bộ đội 13 năm nhưng không làm thủ tục để hưởng các chế độ trợ cấp của nhà nước, ông chỉ muốn tự lao động để sống. Những hộ nghèo trong xã, đặc biệt là đồng bào DTTS nghèo có con bệnh tật, gặp tai nạn, không đủ tiền cho con đi học... luôn được ông Đáp giúp đỡ và những lời khuyên chân thành để họ thêm yêu lao động, biết tích lũy. Bên cạnh căn nhà 2 tầng vừa xây xong, đang trang trí, ông Đáp phơi những hạt điều sót lại mà ông nhặt được khi giẫy cỏ, chăm tiêu, điều. Ông yêu quý, trân trọng từng hạt điều vì mang ơn loài cây đã giúp gia đình ông và những anh em họ hàng nên cơ nghiệp. Ông Đáp, già làng Điểu Liên là những nông dân trở nên khấm khá vì đã không phụ cây điều.


Có thể bạn quan tâm

Đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính Đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính

Công ty cổ phần thủy sản Việt Úc (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) vừa có tờ trình gửi UBND tỉnh Tiền Giang và các sở, ban, ngành tỉnh đề nghị xem xét, cho phép thực hiện dự án nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính tại huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang.

27/05/2015
Và chuyển động của ngành kinh tế mũi nhọn Và chuyển động của ngành kinh tế mũi nhọn

Ông Nguyễn Văn Thuỷ, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) cho biết: Hai năm gần đây, diện tích nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện đã tăng đáng kể. Đặc biệt, vừa qua huyện đã hoàn thành việc quy hoạch 2 vùng nuôi tôm tập trung gồm: Vùng nuôi tôm công nghiệp xã Tân Bình, diện tích 20ha và vùng nuôi tôm công nghiệp xã Tân Lập, diện tích 20ha.

27/05/2015
Huyện Tuy An (Phú Yên) không kiểm soát được dịch bệnh khi nuôi tôm hồ hở Huyện Tuy An (Phú Yên) không kiểm soát được dịch bệnh khi nuôi tôm hồ hở

Theo Phòng NN-PTNT huyện Tuy An (Phú Yên), mỗi năm huyện Tuy An thả nuôi từ 600 đến 620ha tôm các loại. Trong số này có khoảng 3/4 diện tích nuôi tôm bằng hình thức hồ hở. Do khâu xử lý nguồn nước trong hồ nuôi khi tôm nuôi bị mắc bệnh gặp rất nhiều khó khăn và không thể kiểm soát được nguồn nước bẩn, ô nhiễm, nên mầm bệnh lây lan từ hồ này sang hồ khác diễn ra khá nhanh và lây lan trên diện rộng.

27/05/2015
Làm giàu nhờ nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La Làm giàu nhờ nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La

Nghề nuôi cá lồng là nghề chính của nhiều hộ dân và đem lại thu nhập ổn định từ 2 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng.

27/05/2015
Tôm giống không xét nghiệm thiệt thòi thuộc về người nuôi Tôm giống không xét nghiệm thiệt thòi thuộc về người nuôi

Bạc Liêu là một trong những vùng tôm nguyên liệu lớn của cả nước, tuy nhiên, lâu nay người nuôi tôm vẫn thờ ơ với việc xét nghiệm tôm giống. Phần lớn người nuôi giao phó hoàn toàn khâu xét nghiệm cho các doanh nghiệp ương tôm để rồi phải đối mặt với những vụ nuôi đầy rủi ro vì chất lượng con giống kém.

27/05/2015