Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bình Dương Hỗ Trợ Nông Dân Nâng Cao Hiệu Quả Chăn Nuôi Bò Sữa

Bình Dương Hỗ Trợ Nông Dân Nâng Cao Hiệu Quả Chăn Nuôi Bò Sữa
Ngày đăng: 04/11/2014

Thời gian qua, chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh Bình Dương phát triển khá nhanh. Chi cục Thú y tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, tham quan các mô hình để giúp người dân chăn nuôi bò sữa nâng cao kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận...

Mô hình hợp tác xã phát huy hiệu quả

Một trong những hợp tác xã (HTX) bò sữa phát triển có quy mô nhất hiện nay trên địa bàn tỉnh có thể kể đến HTX bò sữa Long Tân (Dầu Tiếng). HTX Long Tân được thành lập từ tháng 8-2013 gồm 16 hội viên với vốn điều lệ hơn 9,3 tỷ đồng; hiện nay HTX có 50 hội viên và trên 500 con bò sữa.

Nếu như trước đây từng hộ dân ký hợp đồng bán sữa cho các công ty thu mua và chế biến sữa trên địa bàn thì hiện nay, người đại diện của HTX đứng ra lo mọi vấn đề trong khuôn khổ hợp tác với các doanh nghiệp cũng như các khoản hỗ trợ cho xã viên.

Ông Nguyễn Văn Khương, Chủ nhiệm HTX Long Tân cho biết, tháng 6 vừa qua HTX đã khởi công xây dựng trạm thu mua sữa tại ấp Vũng Tây, xã Long Tân (Dầu Tiếng) với kinh phí xây dựng hơn 1,2 tỷ đồng gồm nhà xưởng, bồn chứa, hệ thống điện làm lạnh bảo quản sữa… nhằm bảo đảm chất lượng sữa để cung cấp cho Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Hiện nay các hội viên trong HTX đã chuyển đổi nhiều diện tích cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cỏ voi nuôi bò, đáp ứng nhu cầu thức ăn xanh, nguồn dinh dưỡng hàng ngày cho đàn bò sữa. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe vật nuôi cũng được HTX thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; đàn bò được tiêm phòng định kỳ 2 đợt mỗi năm. HTX còn được Trạm Thú y huyện Dầu Tiếng hỗ trợ chi phí vắc xin phòng ngừa bệnh cho bò sữa.

Nhờ có sự đầu tư đúng mức, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, đồng thời việc phân loại sữa của các doanh nghiệp thu mua khá rõ ràng, cụ thể nên chất lượng sữa tươi bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định.

Với giá bán hiện nay 14.500 - 15.000 đồng/1kg sữa đã đưa thu nhập bình quân của các xã viên HTX bò sữa Long Tân đạt trên 30 triệu đồng/tháng và yên tâm đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi. Ông Phạm Văn Khôi, xã viên HTX cho biết, ông bắt đầu nuôi bò sữa từ năm 2006, đến nay đàn bò sữa của gia đình đã lên đến 30 con; thu nhập từ đàn bò sữa hơn 200 triệu đồng/năm.

Ông Khôi chia sẻ kinh nghiệm, khi nuôi bò sữa cần chọn con giống tốt và tuân thủ nghiêm ngặt về chế độ dinh dưỡng, tiêm phòng dịch bệnh cũng như thời gian cho ăn hàng ngày. Bò sữa sau khi nuôi 2 năm bắt đầu cho khai thác sữa. Trong thời gian thu hoạch sữa phải cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho bò.

Phát triển ổn định

Vừa qua, Phòng Chăn nuôi Chi cục Thú y tỉnh đã xây dựng kế hoạch phối hợp với UBND, Hội Nông dân các xã của huyện Dầu Tiếng và HTX Chăn nuôi bò sữa Long Tân tổ chức lớp tập huấn chăn nuôi bò sữa cho xã viên và bà con nông dân trong huyện.

Qua các lớp tập huấn sẽ giúp nông dân có thêm thông tin, kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi bò sữa, các giống bò sữa đang nuôi phổ biến hiện nay, kỹ thuật cơ bản trong việc chọn giống bò sữa. Nông dân còn được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng và khai thác sữa, kỹ thuật gieo tinh nhân tạo, cách phòng và trị bệnh sản khoa trên bò sữa...

Ông Trương Văn Đức, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết, trước tình hình chăn nuôi bò sữa đang phát triển mạnh, chi cục sẽ tổ chức nhiều lớp tập huấn, tham quan các trang trại chăn nuôi có hiệu quả để học tập kinh nghiệm, đầu tư hiệu quả. Chi cục cũng sẽ phối hợp với cơ quan chức năng, địa phương hướng dẫn cho các hộ chăn nuôi đến những nơi cung cấp giống chất lượng để bảo đảm nguồn giống, đàn bò sinh trưởng phát triển tốt; đồng thời xây dựng lại chính sách phát triển đàn bò quy mô hơn, hiệu quả hơn.

Hiện nay Chi cục Thú y tỉnh đang xin ý kiến chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hỗ trợ người chăn nuôi thông qua dự án gieo tinh phân biệt giới tính để giúp tăng nhanh đàn bò. Đây cũng là mô hình để nhân rộng giúp bà con tăng nhanh sản lượng đàn bò; cùng với đó hướng dẫn bà con phương thức chăn nuôi, hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã.

Qua dự án nói trên, ngành thú y, các địa phương trong tỉnh chia sẻ, hỗ trợ bà con thực hiện tốt những giải pháp về kỹ thuật, ứng dụng khoa học kỹ thuật, các mô hình chăn nuôi tiên tiến để việc chăn nuôi bò sữa đạt hiệu quả cao hơn.


Có thể bạn quan tâm

“Bản Đồ” Dịch Tai Xanh Đang Mở Rộng “Bản Đồ” Dịch Tai Xanh Đang Mở Rộng

Hiện nay, nhiều người lo ngại việc dịch tai xanh đang diễn biến khó lường và nguy cơ lây lan cao ở các tỉnh phía Bắc có thể dịch sẽ tiếp tục tấn công các tỉnh miền Trung và phía Nam.

10/06/2012
Doanh Nghiệp Đói Vốn, Giá Cá Tra Giảm Mạnh Doanh Nghiệp Đói Vốn, Giá Cá Tra Giảm Mạnh

Ngày 22.6, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết giá cá tra đang giảm mạnh. Hiện thương lái mua cá tra tại ĐBSCL với giá 18.000 đồng/kg.

24/06/2012
Hỗ Trợ Nghề Nuôi Trồng, Xuất Khẩu Thủy Sản Hỗ Trợ Nghề Nuôi Trồng, Xuất Khẩu Thủy Sản

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) năm tháng đầu năm cả nước khai thác được 1.051 nghìn tấn thủy sản, tăng 3% và nuôi trồng đạt 1.016 nghìn tấn, tăng 5% so cùng kỳ năm trước. Quan trọng hơn, nhờ sản lượng tăng đã góp phần đưa giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 2,3 tỷ USD, tăng 9,8% so cùng kỳ năm 2011.

10/06/2012
Để Nông Dân Việt Nam Sản Xuất Sữa Đạt Chuẩn Hà Lan Để Nông Dân Việt Nam Sản Xuất Sữa Đạt Chuẩn Hà Lan

Từ đầu năm 2010, FrieslandCampina Việt Nam (Liên doanh giữa Công ty Friesland Hà Lan với Tổng công ty Xuất nhập khẩu Bình Dương) triển khai Hệ thống quản lý rủi ro về chất lượng (Quality Risk Management System) nhằm hoàn tất hệ thống đảm bảo chất lượng của công ty từ nông trại đến bàn ăn

03/09/2011
Cá Thát Lát Cườm Giống Không Có Đầu Ra Ở Hậu Giang Cá Thát Lát Cườm Giống Không Có Đầu Ra Ở Hậu Giang

Mới vào mùa ươm cá giống, nhưng các cơ sở sản xuất cá thát lát cườm giống trên địa bàn huyện Châu Thành A (Hậu Giang) phải “treo” bể ươm hoặc sản xuất con giống cầm chừng vì không có đầu ra và giá cá thương phẩm giảm thấp.

10/06/2012