Bình Định Mở Rộng Vùng Nguyên Liệu Sắn, Đáp Ứng Nhu Cầu Chế Biến
Nhằm đáp ứng nhu cầu chế biến cho nhà máy, Công ty cổ phần Chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bình Định (BDSTAR, nhà máy đặt tại xã Mỹ Hiệp - huyện Phù Mỹ) đã triển khai nhiều giải pháp mở rộng vùng nguyên liệu tại các địa phương trong tỉnh. Hiện nay, BDSTAR đang tiến hành khảo nghiệm các giống mì mới với tiềm năng năng suất từ 30-50 tấn/ha để cung ứng hom giống miễn phí cho nông dân sản xuất…
Nhiều chính sách phát triển vùng nguyên liệuBDSTAR đã hoàn thành việc nâng công suất chế biến của nhà máy lên gấp đôi, từ 60 tấn sản phẩm/ngày lên 120 tấn sản phẩm/ngày; tương đương với công suất 30.000 tấn sản phẩm/năm. Bên cạnh đó, công ty đã đầu tư hệ thống nhà xưởng, dây chuyền sấy bã công suất 6.000 tấn/năm, nhằm tận thu nguồn sản phẩm phụ từ chế biến tinh bột mì; hoàn thiện quy trình xử lý nước thải khép kín, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Bước vào niên vụ sản xuất năm 2015, BDSTAR đưa ra kế hoạch thu mua 120.000 tấn mì nguyên liệu, sản xuất 30.000 tấn sản phẩm tinh bột.
Ông Đỗ Văn Tâm, Chủ tịch HĐQT BDSTAR, cho biết: Nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nông dân và nhà máy, trong vụ sản xuất này, BDSTAR đã ban hành, điều chỉnh các chính sách đầu tư, thu mua nguyên liệu hợp lý, bảo đảm cho nông dân trồng mì có lãi trên 30%.
Đối với các vùng nguyên liệu trọng điểm của nhà máy, đơn vị hỗ trợ cho mượn mì giống, mượn vốn để sản xuất; đến khi nông dân thu hoạch, công ty sẽ bao tiêu sản phẩm với giá hợp lý theo thị trường. BDSTAR cũng cam kết thực hiện ký kết hợp đồng thu mua nguyên liệu với nông dân theo tinh thần Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Để đảm bảo đủ lượng mì nguyên liệu phục vụ cho nhà máy sau khi nâng công suất, thời gian qua, công ty đã triển khai nhiều chính sách đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu và nâng cao năng suất mì, đầu tư thâm canh 4.400 ha tại các vùng nguyên liệu trọng điểm như: Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh.
Ông Lê Văn Tám, Giám đốc BDSTAR, cho biết: Thời gian qua, nhà máy đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định quy hoạch lại vùng nguyên liệu tại các huyện trọng điểm sản xuất mì của tỉnh.
Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, chính quyền các địa phương tổ chức nghiên cứu, khảo nghiệm, nhân các giống mì mới có tiềm năng năng suất, chất lượng cao đưa vào sản xuất để thay thế các giống mì cũ thoái hóa. Tại các trại khảo nghiệm giống của công ty với diện tích 150ha trên địa bàn các xã Cát Lâm (huyện Phù Cát), Bình Tân, Bình Thuận (huyện Tây Sơn), đơn vị đã đưa các giống mì mới như KM 140, KM 419, Lay Joong 09 vào khảo nghiệm.
Kết quả mang lại khá khả quan, năng suất mì đạt bình quân từ 30 - 50 tấn/ha, hàm lượng tinh bột trên 30%; các giống mì này khá phù hợp với điều kiện khí hậu tại địa phương, có thể trồng rải vụ để phục vụ nhu cầu sản xuất liên tục của nhà máy.
Cam kết bao tiêu nông sản cho nông dân
Theo ông Đỗ Văn Tâm, từ vụ sản xuất 2015-2016, BDSTAR sẽ cung cấp hom giống mì miễn phí cho nông dân để trồng khoảng 1.000ha tại các vùng nguyên liệu nhằm thay thế các giống mì cũ thoái hóa. Bên cạnh đó, đơn vị cũng sẽ hỗ trợ phân bón, tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng thâm canh, rải vụ, nâng cao năng suất mì bình quân tại các vùng nguyên liệu. Đồng thời, cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm nông sản với giá thu mua hợp lý.
Ngay trong vụ sản xuất này, BDSTAR đã dành khoản kinh phí gần 600 triệu đồng xây dựng các trạm thu mua nguyên liệu tại các vùng sản xuất để thu mua nguyên liệu ngay tại ruộng cho nông dân; tránh việc bà con bán sản phẩm qua thương lái bị ép giá, ép cấp. Hiện nay, BDSTAR đang thu mua với giá 1,85 triệu đồng/tấn mì có hàm lượng tinh bột đạt 30%. Đồng thời, cam kết thu mua mì nguyên liệu với giá sàn 1,5 triệu đồng/tấn.
Bên cạnh đó, công tác tổ chức thu mua mì nguyên liệu cũng được BDSTAR quan tâm, chấn chỉnh, tạo thuận lợi cho nông dân bán mì cho công ty được thuận lợi nhất. Công ty đã hợp đồng với các nhà xe để vận chuyển mì nguyên liệu, không để nông dân phải chờ đợi phương tiện vận chuyển sau khi thu hoạch, làm ảnh hưởng đến sản lượng và hàm lượng tinh bột. Mì nguyên liệu khi cân nhập vào bãi chứa nguyên liệu của nhà máy, nông dân được thanh toán tiền mặt ngay một lần.
Với hệ thống dây chuyền sản xuất đồng bộ, công nghệ tiên tiến, hiện đại nhập khẩu từ châu Âu và được lắp đặt bởi các chuyên gia Thái Lan, sản phẩm tinh bột của công ty đạt chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thời gian qua, sản phẩm tinh bột mì do đơn vị sản xuất được thị trường các nước như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Peru, Philippines… tín nhiệm cao.
Đây là cơ sở để đơn vị tiếp tục đầu tư chế biến sâu các sản phẩm sau tinh bột, sẵn sàng hợp tác đầu tư liên doanh, liên kết, mở rộng thị trường với các đối tác trong và ngoài nước.
Có thể bạn quan tâm
Bộ trưởng Thương mại Thái Lan, Chatchai Sirikalya vừa cho hay Thái Lan sẽ bán cho Trung Quốc 1 triệu tấn gạo nhằm giảm bớt lượng gạo khổng lồ hiện đang dự trữ trong kho.
Trong bối cảnh nhiều lô chè XK bị trả lại do không đảm bảo chất lượng thì chè Mộc Châu vẫn không đủ XK theo đơn hàng.
Cây xạ đen mang lại giá trị kinh tế cao gấp 3 – 4 lần so với canh tác lúa hoặc các loại hoa màu khác. Đặc biệt, người dân trồng cây xạ đen không cần phải mang đi xa mà thương lái vào tận vườn thu mua.
Hiện nay đã vào mùa thu hoạch chính vụ mắc ca ở Tây Nguyên, việc mua bán đang khá sôi động. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, hạt mắc ca tươi (nguyên vỏ cứng) đang được các hộ dân bán với giá 120.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với giá bán bình quân tại cửa nông trại ở các nước khác.
Đó là thôn 8 của xã Đại Lào, TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.