Bình Định chấp thuận dự án nuôi tôm trong nhà kính

Thông tin từ Trung tâm xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định cho biết, chính quyền tỉnh vừa chấp thuận chủ trương cho doanh nghiệp này đầu tư dự án trên khu đất 300 héc ta tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ.
Với vốn đầu tư dự kiến là 800 tỉ đồng, dự án nhằm sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chuẩn để xuất khẩu trực tiếp ra các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản.
Bên cạnh đó, dự án sẽ tạo ra sản phẩm cung cấp trực tiếp cho các công ty, nhà máy chế biến trong tỉnh cũng như toàn quốc.
Theo tiến độ dự án trong giai đoạn 1, trước mắt tỉnh Bình Định sẽ giao cho nhà đầu tư 100 héc ta để xây dựng khu nuôi tôm công nghệ cao và sẽ giao tiếp 200 héc ta còn lại sau khi nhà đầu tư mở rộng quy mô sản xuất và xây dựng nhà máy chế biến.
Theo hồ sơ dự án đầu tư, nhiều công nghệ cao được áp dụng cho dự án tại đây như công nghệ nhà màng Israel; công nghệ lọc nước tuần hoàn của Mỹ và Hà Lan; sử dụng chế phẩm sinh học; ao nuôi có mái che phủ, công nghệ sục khí O2-TURBINE®.
Theo chủ đầu tư, đây là những công nghệ có tính thực tiễn cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên ở Việt Nam, hạn chế rủi ro, tăng mùa vụ và giảm chi phí giá thành sản xuất. Trong đó, hệ thống xử lý nước tuần hoàn của Mỹ và Hà Lan được đầu tư để đảm bảo mô hình nuôi có chất lượng nước ổn định và không gây ô nhiễm môi trường.
Huyện Phù Mỹ của tỉnh Bình Định là một trong những vùng có lợi thế cho việc phát triển vùng nuôi tôm xuất khẩu của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều vấn đề bất cập xảy ra tại đây như hệ thống ao xử lý quá tải; nhiều ao nuôi thải nước thải trực tiếp ra cồn cát; nuôi tôm sử dụng nhiều nước ngọt; chưa được đầu tư hệ thống ao chứa và xử lý chất thải rắn; một số diện tích phát triển tự phát không có đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải.
Vì vậy theo cơ quan này, sự hình thành và phát triển các mô hình dự án nuôi trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính là một hướng đi tốt và bền vững hơn. Bởi lẽ, đây sẽ là giải pháp hữu hiệu để giải quyết các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường đang đặt ra, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững đối với lĩnh vực nuôi tôm, mang lại hiệu quả kinh tế cho vùng cát ven biển, góp phần chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp và giảm áp lực khai thác ven bờ, tạo ra môi trường sinh thái mới cho ven biển.
Cũng theo Trung tâm xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định, dự án nuôi trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính là dự án thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư theo Nghị định 210 của Chính phủ và nằm trong danh mục dự án kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2014 - 2020 của UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 3480/QĐ-UBND. Đồng thời, dự án cũng nằm trong quy hoạch khu nuôi tôm thủy sản ứng dụng công nghệ cao thuộc quy hoạch tổng thể ngành thủy sản của tỉnh đến năm 2020 tầm nhìn 2030.
Tại Bạc Liêu, Công ty cổ phần Thủy sản Việt Úc cũng đã xây dựng hoàn thành đúng tiến độ giai đoạn 1 khu nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính với diện tích hơn 50 héc ta. Sau thành công bước đầu của dự án nuôi tôm trong nhà kính tại Bạc Liêu và nhận được sự đánh giá cao của các ban ngành, tập đoàn Việt Úc tiếp tục nhân rộng mô hình này ra các tỉnh thành trên khắp cả nước, và tỉnh Bình Định là nơi có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện dự án này. |
Có thể bạn quan tâm

Gần 3 năm qua nghề câu mực khơi xa ở xã Bình Chánh (Bình Sơn - Quảng Ngãi) liên tiếp bị mất mùa, mất giá khiến nhiều ngư dân phải chuyển đổi sang nghề lưới vây. Thế nhưng mùa biển năm nay ngư dân trúng đậm mùa mực, giá thu mua lại tăng lên 30% nên bà con ngư dân rất phấn khởi.

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, kiểm tra và tăng cường vận động, tuyên truyền, kiên quyết không được thả nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn; đồng thời, có hướng khắc phục ảnh hưởng môi trường gây ra (nếu có).

Đó vợ chồng anh chị Văn Khỏe mà chúng tôi muốn nói đến trong câu chuyện dưới đây, khi họ đã góp phần làm sống lại cả vùng đất nuôi trồng thủy sản Tân Thành- Đồ Sơn sau nhiều năm kiên trì đeo bám công nghệ nuôi tôm công nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong 02 kỳ họp trực tuyến liền kề với các sở, ngành tỉnh Trà Vinh và UBND các huyện, thành phố do lãnh đạo UBND tỉnh chủ trì, nhằm đánh giá tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội tháng 4 và tháng 5/2014, bàn giải pháp những tháng cuối năm… lãnh đạo UBND tỉnh đều nhấn mạnh đến nội dung: Các sở, ngành tỉnh cần tiếp tục tăng cường các giải pháp đồng bộ, hiệu quả về công tác phòng, chống dịch cúm trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC); kiên quyết không để tái phát dịch.

Với tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng và cái “bắt tay” của ba công ty lớn là Hoàng Anh Gia Lai, NutiFood và Vissan, liên doanh này tuyên bố sẽ hạ giá sữa và thịt bò trên thị trường Việt Nam.