Sử Dụng Hèm Bia Trong Nuôi Tôm Xen Ghép
Với mục đích giảm chi phí đầu tư, 12 gia đình ở xã Vinh Hà (Phú Vang - Thừa Thiên Huế) sử dụng hèm bia làm thức ăn trong nuôi tôm xen ghép có hiệu quả kinh tế.
Vinh Hà có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất huyện Phú Vang với 364 ha. Năm 2005 trở về trước, diện tích nuôi tôm không ngừng được mở rộng, hiệu quả mang lại cao, nhiều hộ dân thoát nghèo và trở nên giàu có; bộ mặt nông thôn có những thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, từ năm 2007 trở lại đây, tôm nuôi thường xuyên xảy ra dịch bệnh, thua lỗ liên tục, ngư dân không còn khả năng tái đầu tư nên đã chuyển sang nuôi tôm xen ghép.
Thời gian qua, người dân sử dụng thức ăn công nghiệp trong nuôi tôm và nuôi xen ghép, giá thức ăn ngày càng tăng nhưng hiệu quả kinh tế mang lại thấp. Trong khi đó, từ lâu nhiều hộ dân ở xã Vinh Hà sử dụng hèm bia trong chăn nuôi lợn, chi phí đầu tư giảm, lợn phát triển tốt.
Trên cơ sở đó, người dân có suy nghĩ thử sử dụng hèm bia làm thức ăn nuôi tôm, cá. Sau gần 4 tháng thả nuôi, tôm, cá phát triển tốt, chi phí thức ăn giảm, hiệu quả mang lại khá cao. Hiện nay, trên địa bàn xã Vinh Hà có 12 hộ dân sử dụng hèm bia làm thức ăn trong nuôi tôm.
Ông Văn Đình Tiến chia sẻ: “Tui sử dụng hèm bia làm thức ăn cho tôm cũng chỉ là ngẫu nhiên, vì nghĩ hèm bia lợn ăn được thì tôm cũng ăn được. Ai ngờ, sự ngẫu nhiên đó giờ lại thành công, giúp giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất”.
Đầu năm 2013 Trạm Khuyến nông lâm ngư huyện Phú Vang xây dựng đề án “Sử dụng hèm bia trong nuôi xen ghép tôm, cua, cá tại xã Vinh Hà” mục đích giảm chi phí đầu vào. Với diện tích nuôi 0,8 ha của hộ ông Văn Đình Tiến ở thôn 3, xã Vinh Hà; trong đó, 1 ao 0,4 ha sử dụng thức ăn hèm bia và 1 ao 0,4 ha đối chứng không sử dụng hèm bia, làm mô hình trình diễn để ngư dân tham quan học hỏi.
Chị Dương Thị Quy, cán bộ Trạm Khuyến nông lâm ngư huyện Phú Vang cho biết: “Sau gần 4 tháng thả nuôi, ao nuôi tôm sử dụng hèm bia làm thức ăn giảm 30% chi phí; tôm có màu sắc xanh, bóng đẹp. Tôm sú ở ao nuôi tôm sử dụng hèm bia có trọng lượng trung bình cao hơn ao sử dụng thức ăn công nghiệp 2g. Sản lượng thu được 3,7 tạ tôm và 60 kg cá kình; cao hơn 10 kg tôm so với ao nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp.
Đánh giá bước đầu cho thấy, nuôi tôm sử dụng hèm bia làm thức ăn mang lại hiệu quả tương đối khả quan, môi trường nước cũng không thay đổi gì so với nuôi thông thường. Tuy nhiên, đến nay, việc sử dụng hèm bia làm thức ăn trong nuôi tôm vẫn chưa đưa ra được tỷ lệ thức ăn phù hợp. Thời gian tới, đơn vị sẽ phối kết hợp điều tra với các hộ nuôi sử dụng hèm bia để đưa ra liều lượng cụ thể, phù hợp nhất để ứng vào thực tiễn một cách hiệu quả”.
Mô hình sử dụng hèm bia trong nuôi tôm xen ghép là mô hình nuôi tận dụng nguồn thức ăn hèm bia sẵn có tại địa phương, có giá thành thấp, giảm chi phí thức ăn trong quá trình nuôi. Tôm, cua, cá vẫn phát triển tốt cho năng suất cao, tăng hiệu quả kinh tế cho bà con ngư dân.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tưởng, Trưởng trạm Khuyến nông lâm ngư huyện Phú Vang đây mới là đánh giá bước đầu nên chưa biết chính xác sử dụng hèm bia trong nuôi tôm xen ghép có ảnh hưởng đến môi trường đáy ao nuôi hay không.
Trạm đang gửi mẫu đáy ao đến Sở Khoa học và Công nghệ để phân tích, đánh giá chất lượng đáy ao. Nếu môi trường nước và đáy ao nuôi không bị ô nhiễm thì Trạm Khuyến nông lâm ngư Phú Vang vận động bà con ngư dân trên địa bàn huyện nhân rộng mô hình, góp phần nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích và nâng cao thu nhập cho bà con ngư dân ở địa phương.
Bên cạnh kiểm tra, phân tích đánh giá về môi trường, các cơ quan chức năng cũng cần phân tích chất lượng sản phẩm tôm nuôi có sử dụng hèm bia để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Có thể bạn quan tâm
Nuôi bò bằng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh (Total Mixed Ration - TMR) sẽ giúp lựa chọn được những loại thức ăn mà bò thích. Điều này, giúp người chăn nuôi sử dụng được nhiều loại thức ăn hơn cho bò, kể cả tận dụng các loại phế phụ phẩm trong nông nghiệp như thân cây ngô, cây họ đậu, các loại cỏ trồng...
Hiện tại, mặc dù giá heo hơi đã giảm nhẹ, thương lái đến mua heo hơi với giá từ 4,7 triệu - 4,8 triệu đồng/tạ, giảm hơn 500 ngàn đồng/tạ so với cách đây 2 tháng, nhưng theo nhiều hộ chăn nuôi, năm 2014 là một năm khá thành công với người chăn nuôi heo vì giá heo hơi luôn dao động ở mức khá cao. Có thời điểm lên đến 5,5 triệu đồng/tạ, đạt mức cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, ban đầu sản phẩm làm ra chỉ để phục vụ trong phạm vi gia đình hoặc bán lẻ ở địa phương vì số lượng ít, chưa được xem như một phương thức làm kinh tế. Đến nay, nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới nghề nuôi ong có bước phát triển vượt bậc về số lượng, chất lượng, các sản phẩm từ ong, đặc biệt là mật đã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.
Thời gian qua, ngoài phối hợp cùng ngành chức năng tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, các thành viên trong tổ còn hùn vốn tiết kiệm được gần 200 triệu đồng, kịp thời hỗ trợ nhau trang bị thêm dụng cụ, mở rộng chuồng trại, tăng đàn, nâng cao thu nhập. Đến cuối năm 2013, tổ hợp tác không còn thành viên nghèo.
Để chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc và vật nuôi trong vụ Đông - xuân này, các ngành chuyên môn của huyện đang tích cực triển khai công tác “3 chống”, đó là: Chống đói, chống rét và chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nông dân.