Xây Dựng Thương Hiệu Cho Cá Bống Bớp Ở Nghĩa Hưng (Nam Định)

Với trên 20km bờ biển, vùng bãi triều rộng lớn và nguồn phù sa, vi sinh vật, vi khoáng núi đá vôi vô tận của 2 cửa sông Ninh Cơ và sông Đáy đổ về đã tạo cho huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) nhiều lợi thế trong nuôi trồng thủy, hải sản; đặc biệt thích hợp cho sự phát triển, sinh trưởng của cá bống bớp.
Từ nhiều năm nay, huyện Nghĩa Hưng đã chủ động quy hoạch vùng nuôi, thành lập Hiệp hội nuôi cá bống bớp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và tích cực xây dựng thương hiệu cho cá bống bớp.
Cá bống bớp là loài cá nước mặn, đánh bắt tự nhiên ngoài biển, được người dân xóm Chùa, xã Nghĩa Thắng thuần hóa trở thành con nuôi nước lợ. Với đặc tính khỏe, dễ nuôi, có giá trị dinh dưỡng cao, thịt ngọt, dai và thơm, được thị trường ưa chuộng nên cá bống bớp nhanh chóng được người nuôi thủy sản vùng mặn lợ đưa vào nuôi đại trà ở các xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Lợi, Nghĩa Hải, Nông trường Rạng Đông… theo cách khai thác và thu mua con giống tự nhiên ở các xã ven biển Hải Hậu, Giao Thủy về nuôi vỗ thành cá thương phẩm.
Hiện, giá cá bống bớp xuất bán tại đầm là 250-300 nghìn đồng/kg tùy theo kích cỡ; bình quân 1ha nuôi cá bống bớp có nguồn thu 1,5-1,8 tỷ đồng. Với năng suất trung bình từ 7,5-8 tấn/ha; cá biệt có hộ đạt năng suất 10 tấn/ha, lãi suất bình quân đạt 600 triệu - 1 tỷ đồng/ha/năm nên diện tích nuôi cá bống bớp ở Nghĩa Hưng ngày càng phát triển. Nhiều hộ dân đã có nguồn thu lớn từ cá bống bớp như hộ các ông: Trần Văn Lộc, Nguyễn Văn Ba ở xóm Chùa, xã Nghĩa Thắng; Nguyễn Văn Thiện ở xã Nghĩa Hải…
Đặc biệt từ năm 2010 trở lại đây, các cơ sở sản xuất giống trong tỉnh như Trung tâm giống Nghĩa Hưng, các trại giống thủy sản Cửu Dung, Liên Phong, Trung tâm Giống hải sản Nam Định… đã sản xuất nhân tạo thành công giống cá bống bớp với số lượng lớn, đã chủ động nguồn giống và tạo điều kiện cho việc mở rộng vùng nuôi và nuôi theo phương pháp thâm canh.
Anh Nguyễn Văn Sơn ở khu 6, Thị trấn Rạng Đông đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng trại sản xuất cá bống bớp giống, diện tích trên 1.000m2 với 18 bể ương, có thể sản xuất được 2 triệu con cá giống/năm. Ngoài việc đầu tư kinh phí xây dựng trại sản xuất giống, anh Sơn còn mời kỹ sư thủy sản từ Hải Phòng về trực tiếp theo dõi, chuyển giao kỹ thuật nhân giống cá bống bớp.
Đầu năm 2013, trại sản xuất cá bống bớp giống của anh Sơn đã hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt thiết bị và ương giống cung ứng cho vùng nuôi. Đến nay, diện tích nuôi cá bống bớp của huyện Nghĩa Hưng đạt 230ha và mở rộng sang vùng Tây Nam Điền với tổng sản lượng ước đạt 1.700-2.000 tấn.
Hiện, ngoài 5 đại lý thu gom tiêu thụ sản phẩm cá bống bớp, trên địa bàn huyện còn hình thành hàng chục đại lý trung chuyển với sản lượng tiêu thụ bình quân 4-6 tấn/ngày. Mặc dù, có sản lượng lớn, giá trị cao và chủ động các điều kiện sản xuất nhưng việc tiêu thụ cá bống bớp vẫn còn gặp nhiều hạn chế do bị thương lái ép giá, chưa được tham gia vào chuỗi tiêu thụ hiện đại và xuất khẩu chính ngạch… nên hiệu quả kinh tế chưa cao.
Để khắc phục điều này, các sở: KH và CN, NN và PTNT đã hỗ trợ UBND huyện Nghĩa Hưng, Hiệp hội nuôi cá bống bớp và các hộ nuôi xác lập nhãn hiệu tập thể (NHTT) “Cá bống bớp Nghĩa Hưng” cho sản phẩm cá bống bớp, đồng thời xây dựng hệ thống công cụ, phương tiện để quản lý NHTT. Đây là cơ hội để phát triển nghề nuôi bền vững, góp phần nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh và bảo vệ uy tín cho loại thủy sản quý này trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Huyện Nghĩa Hưng đã tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng nuôi Cồn Xanh, Tây Nam Điền; khuyến khích các hộ nuôi mở rộng diện tích nuôi trồng; hướng dẫn hộ nuôi ở các vùng: Đông Nam Điền, Rạng Đông, Nghĩa Thắng, Nghĩa Lợi… cải tạo ao, đầm và hệ thống thủy lợi tổ chức nuôi thâm canh, tránh ô nhiễm môi trường và phối hợp với các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chủ động nguồn giống ngay tại vùng nuôi để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Hiệp hội nuôi cá bống bớp là đại diện pháp lý thực thi và chịu trách nhiệm trong việc xây dựng, quản lý và phát triển NHTT “Cá bống bớp Nghĩa Hưng”, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Hiện tại các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, khảo sát đánh giá thực trạng vùng nuôi; xây dựng tiêu chuẩn cơ sở về chất lượng đối với sản phẩm cá bống bớp; lập danh sách các tổ chức, cá nhân tham gia sử dụng NHTT; thiết kế, thống nhất lựa chọn mẫu NHTT để đăng ký xác lập quyền sở hữu; xây dựng quy chế sử dụng NHTT; tiến hành các thủ tục đăng ký NHTT; phân tích chất lượng sản phẩm làm cơ sở công bố chất lượng sản phẩm và làm căn cứ xây dựng quy chế sử dụng NHTT; xác định những đặc trưng cơ bản của cá bống bớp Nghĩa Hưng và xây dựng báo cáo thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc trưng của sản phẩm.
Hiệp hội nuôi cá bống bớp Nghĩa Hưng cũng tổ chức tập huấn quy trình nuôi chuẩn đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm cũng như quy chế sử dụng NHTT gắn với quyền lợi và trách nhiệm của các cá nhân trong việc bảo vệ và phát triển NHTT. Việc hoàn thành xây dựng NHTT cho cá bống bớp Nghĩa Hưng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sản phẩm trên thị trường, tạo cơ hội tham gia chuỗi tiêu thụ hiện đại, nâng cao giá trị kinh tế cho người sản xuất.
Có thể bạn quan tâm

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, hiện toàn tỉnh trồng khoảng trên 8.700 ha mía, trong đó, khoảng 6.000 ha mía tím, các địa phương trồng nhiều nhất là Cao Phong 2.492 ha, Kim Bôi 1.074 ha, Tân Lạc 1.515 ha, Yên Thủy 1.491 ha. Cây mía tím cho hiệu quả kinh tế cao, được coi là cây giảm nghèo của người nông dân trên địa bàn tỉnh.

Nhìn chung, mô hình vẫn áp dụng những kỹ thuật canh tác tiên tiến mà nông dân đã ứng dụng trước đó như: xuống giống lúa đồng loạt để “né” rầy, chương trình IPM, “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” kết hợp trồng các loại hoa màu sắc sặc sỡ trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch ăn các loại côn trùng có hại như: rầy nâu, sâu cuốn lá, nhện gié…

Nhờ được cơ quan khuyến nông xây dựng mô hình sản xuất và chuyển giao các giống mì cao sản nên hầu hết diện tích mì ở đây được trồng các giống mì mới như: KM 94, KM 98, KM 140. Hiện nông dân Phù Cát đang vào chính vụ thu hoạch mì, nhưng giá mì tươi giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, làm người trồng mì rất lo lắng.

Dù thời gian canh tác kéo dài, năng suất thấp nhưng lúa mùa nổi đang cho thấy những lợi thế mà lúa cao sản ngắn ngày không có được. Đó là khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, làm nền cho canh tác màu theo hướng tạo ra nông sản sạch… Quan trọng hơn, nông dân hoàn toàn có thể nghĩ đến chuyện làm giàu trên ruộng lúa mùa nổi.

Mặc dù giá mủ cao su liên tục giảm mạnh từ đầu năm đến nay nhưng nhìn chung, bà con nông dân trồng cao su tiểu điền trên địa bàn tỉnh vẫn giữ vườn cây. Diện tích cao su chặt phá đến nay khoảng 430 ha, tuy nhiên phần lớn là thanh lý vườn cây già cỗi và tái canh; ngoài ra còn có 119 ha cao su chuyển sang trồng cây ăn trái.