Trang chủ / Cây ăn trái / Nhãn

Biện pháp quản lý, phòng trừ bệnh chổi rồng trên cây nhãn

Biện pháp quản lý, phòng trừ bệnh chổi rồng trên cây nhãn
Tác giả: Sơn Tùng
Ngày đăng: 27/04/2017

Huyện Bình Đại có diện tích trồng cây ăn trái khoảng 2.087 ha, trong đó nhãn chiếm đa số, tập trung nhiều nhất ở các xã tiểu vùng I như: Tam Hiệp, Long Hòa, Long Định…Hiện nay, diện tích trồng nhãn ở Bến Tre nói chung và Bình Đại nói riêng đang bị bệnh chổi rồng gây hại khá nhiều, làm giảm năng suất đáng kể.

Bệnh chổi rồng gây hại chủ yếu trên đọt non, phát hoa, triệu chứng bệnh rất dễ nhận dạng: trên đọt non, bệnh xuất hiện rất sớm, khi ra đọt non khoảng 2-3cm, lá đọt bị co lại và mọc thành chùm, các lá này không lớn được và chụm lại như bó chổi, vì vậy mà nó có tên gọi là chổi rồng. Trên bông, bệnh xuất hiện khi bông vừa mới nhú ra, làm bông co cụm lại, nhìn xa giống như cây chổi, không đậu hoặc đậu lưa thưa rất ít trái. Bệnh gây hại nặng trên các vườn nhãn tiêu huế, tác nhân gây bệnh là do vi khuẩn thuộc nhóm Gamma Proteobacteria, vi khuẩn này sống trong mạch dẫn của cây, đặc biệt là trên đọt non, hoa. Bệnh được lan truyền qua trung gian truyền bệnh là nhện lông nhung, nhện lông nhung có kích thước rất nhỏ nên không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Khả năng phát tán của nhện là tự di chuyển, nhờ bọ xít và gió hoặc thông qua việc vận chuyển nhãn từ nơi này đến nơi khác, tuy nhiên khả năng tự di chuyển là rất thấp, vì nhện rất chậm. Một trong những nguyên nhân phát tán bệnh chổi rồng chủ yếu là do các bộ phận bệnh sau khi chặt bỏ không được gom tiêu hủy và vệ sinh vườn.

Điều kiện phát triển bệnh chổi rồng:

Những vườn chăm sóc tốt, tỉa cành tạo tán, bón phân cân đối, tưới nước đầy đủ trong mùa khô có tỷ lệ nhiễm chổi rồng thấp. Bệnh chổi rồng phát triển mạnh trong mùa khô, mùa mưa nhện ít phát triển nên tỷ lệ bệnh thấp. Những vườn trồng dày, mật độ quá cao, thường có tỷ lệ nhiễm cao, đặc biệt là những cây giao tán do không được cắt tỉa thường xuyên vào mỗi vụ. Bệnh thường xuất hiện trên các chồi non rất sớm, do đó nếu không khắc phục sớm thì bệnh chổi rồng sẽ phát triển. Khi thấy triệu chứng trên cây thì đã muộn và những chồi này cần sớm tỉa bỏ để tránh lây lan.

Quy trình quản lý bệnh chổi rồng:

Không nhân giống nhãn bằng phương pháp chiết, ghép từ những cây trong vườn nhiễm bệnh. Tránh vận chuyển các vật liệu trồng có xuất xứ từ những khu vực bị nhiễm bệnh sang khu vực khác. Tưới phun nước với áp lực cao lên tán cây, biện pháp này có thể làm giảm mật độ nhện. Chăm sóc cây đầy đủ như: bón phân cân đối, tăng cường bón phân hữu cơ, cho cây ra đọt tập trung để dễ quản lý. Cắt tỉa các nhánh cây bị bệnh chổi rồng và chôn, đốt hoặc phun thuốc vào các cành tỉa bỏ sau đó trùm bao nilon, nên cắt bỏ cành lá tiếp xúc với mặt đất để hạn chế sự di chuyển của nhện từ mặt đất lên cây. Sử dụng thuốc hóa học trừ nhện khi đọt non mới nhú hoặc phát hoa mới hình thành, nên thay đổi các loại thuốc có gốc thuốc khác nhau để hạn chế tính kháng thuốc của nhện. Sử dụng các loại phân bón lá để chồi non, phát hoa phát triển nhanh và mạnh, tạo sức chống chịu tốt đối với bệnh. Các biện pháp trên cần phải tiến hành đồng loạt trên phạm vi rộng để phòng trừ bệnh chổi rồng đạt hiệu quả cao.

Giai đoạn sau thu hoạch:

Tiến hành cắt tỉa, loại bỏ những cành kém hiệu quả, giúp cây thông thoáng và ra chồi lá mới, cho năng suất cao hơn trong vụ kế tiếp vừa loại bỏ được nguồn dịch hại, nhất là nhện cư trú trên lá non và lá già. Sau khi cắt tỉa nên phun thuốc trừ nhện để làm giảm mật số nhện trong vườn. Loại bỏ các loại cây ký chủ tạm thời của nhện lông nhung trong vườn như cây bồ ngót, bóng nẻ… để cắt nguồn thức ăn của nhện. Bón đầy đủ và cân đối các loại phân hữu cơ, vô cơ theo khuyến cáo của các nhà chuyên môn. Trong các vùng nhiễm bệnh cao, có thể chuyển đổi bằng cách ghép nhãn xuồng cơm vàng trên gốc nhãn tiêu huế. Khi cây ra lá non hoặc đọt non chuẩn bị ra hoa: tưới nước áp lực mạnh lên tán cây, cung cấp ẩm độ, ức chế sự hoạt động và phát triển của nhện trong mùa nắng. Tiến hành phun thuốc trừ nhện khi đọt non hoặc phát hoa ra khoảng 1-2cm, có thể pha thêm dầu khoáng giúp thuốc phân bố đều hơn và hiệu quả phòng trừ cao hơn. Chú ý: cơi đọt thứ 2 thường phát triển bệnh nhiều hơn cơi đọt thứ nhất nên cần phải phun xịt và quản lý bệnh thật kỹ.

Trên đây là các biện pháp phòng chống bệnh chổi rồng, cần áp dụng một cách đồng loạt để hạn chế sự gây hại của bệnh chổi rồng trên cây nhãn.


Có thể bạn quan tâm

Nhà Nông Trị Bệnh Chổi Rồng Nhà Nông Trị Bệnh Chổi Rồng

Xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A có hơn 90ha trồng nhãn tiêu da bò, và phần lớn trong số đó đang bị nhiễm bệnh chổi rồng. Một số nhà vườn linh hoạt trồng nhãn Ido hoặc lấy bo nhãn Ido ghép gốc nhãn tiêu da bò bị bệnh chổi rồng, hiệu quả thật bất ngờ.

04/04/2013
Giống Nhãn Chín Muộn PH-M99-1.1 Giống Nhãn Chín Muộn PH-M99-1.1

Tính toán bước đầu hiệu quả kinh tế của nhãn chín muộn PH-M99-1.1 cho thấy nhãn chín muộn PH-M99-1.1 ở tuổi 4 với mật độ 500 cây/ha cho năng suất quả 4,5 tấn/ha, tổng thu 36 triệu đồng/ha và thu lãi 18 triệu đồng/ha (giống đại trà năng suất 2,5 tấn/ha, tổng thu 12,5 triệu đồng/ha và lỗ 5,5 triệu đồng/ha)

24/06/2013
Giống Nhãn PH1 Giống Nhãn PH1

Nhãn PH1 là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, mau cho thu hoạch. Mong muốn của tôi là có nhiều người trồng giống nhãn này và xây dựng vùng chuyên canh nhãn PH1 ở Hưng Yên

24/06/2013