Giống Nhãn PH1
Trong cái nắng gay gắt những ngày tháng 6, bước chân vào trang trại nhãn PH1 nổi tiếng của anh Phi, không khí trở nên dịu mát, mọi mệt mỏi sau chặng đường dài dường như tan biến. Rót ly trà xanh vừa pha vội mời khách giữa khu vườn mênh mông, từng chùm nhãn đang thời kỳ làm cùi sai trĩu cành, anh Phi tâm sự: “Từ khi gắn bó với cây nhãn đến nay, chưa năm nào thời tiết thuận lợi để nhãn ra hoa, đậu quả. Điều đó khiến tôi luôn trăn trở tìm ra giống nhãn thích ứng nhất với đồng đất quê mình. Và chính báo Kinh tế nông thôn đã góp phần giúp tôi có được thành công như hôm nay”.
Sinh năm 1966 trong một gia đình có 7 người con, ngay từ khi còn trẻ, anh Phi đã nổi tiếng là người năng động, dám nghĩ, dám làm, luôn mạnh dạn áp dụng các mô hình kinh tế mới ở địa phương. Khi còn ở cùng bố mẹ, anh đã đầu tư nuôi vịt thịt và cung cấp trứng cho thị trường trong tỉnh.
Năm 1992, sau khi xây dựng gia đình, anh bàn với vợ quy hoạch trang trại để trồng đu đủ, bí đao, nuôi lợn, gà. Tuy nhiên hiệu quả đem lại không như mong muốn. Không nản chí, anh quyết định tìm hướng đi mới, đó là trồng nhãn. Tuy nhiên, để thực hiện mô hình không dễ, bởi khi ấy điều kiện kinh tế của gia đình còn nhiều khó khăn, thiếu vốn phát triển sản xuất và nhất là thiếu kiến thức, kinh nghiệm thực tế.
Nhớ lại “cú hích” đổi vận của mình, anh Phi chia sẻ: “Cách đây 15 năm, trong một lần tình cờ đọc báo Người Làm vườn và nghe ti vi phát chương trình: “Cuộc thi bình tuyển giống nhãn tốt” do Viện Nghiên cứu cây ăn quả Trung ương bình chọn, tôi nảy ý định tìm mua giống nhãn của những người đoạt giải về trồng”.
Với suy nghĩ đó, anh mạnh dạn phá bỏ gần 1ha đu đủ, bí đao..., tìm đến xã Hồng Lam (Tiên Lữ - Hưng Yên) mua giống nhãn Hương Chi ghép (là giống nhãn đoạt giải) về trồng, với giá 15.000 đồng/cây.
Bước đầu, do chưa nắm được kỹ thuật chăm sóc nên cây nhãn phát triển không đều, năng suất thấp. Chỉ được khoảng 3 năm, giống nhãn Hương Chi không còn phù hợp. Không nản chí, anh mày mò tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc nhãn qua báo, lặn lội tìm đến các trang trại rồi lên Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương học hỏi kỹ thuật.
Sau khi có đủ kinh nghiệm trong tay, anh quyết định chặt hết số nhãn Hương Chi trong vườn, lai ghép với giống nhãn thuần của địa phương. Lúc đầu, anh bị vợ con, anh em trong gia đình can ngăn, thậm chí hàng xóm còn bảo anh hoang tưởng. Bỏ qua tất cả mọi hồ nghi, anh Phi âm thầm thực hiện ý tưởng của mình. Và cuối cùng, giống nhãn PH1 ra đời, khoảng 2 năm sau khi ghép cành và chăm sóc, nhãn bắt đầu cho quả.
Hiện, vườn nhãn của anh Phi đã hơn 10 năm tuổi, bình quân mỗi năm trang trại cho thu hoạch hàng tấn quả, bán tại gốc với giá 20.000 - 30.000 đồng/kg. Với phương châm gối vụ, cho cây ra hoa kết quả theo ý muốn, vườn nhãn nhà anh có ba loại sớm, trung và muộn, chủ yếu là giống nhãn PH1.
Chúng tôi hỏi về cái tên PH1, nở nụ cười tươi, mắt long lanh nhìn chùm nhãn trĩu quả, anh Phi tiết lộ: “PH1 tên đầy đủ là Phi Hồi 1. Phi là tên tôi, Hồi là tên vợ, tôi muốn đặt tên này cho giống nhãn ghép vì đó là thành quả của quá trình “đồng cam cộng khổ” của vợ chồng để có được ngày hôm nay”.
Thấy giống nhãn PH1 có quả tương đối to, cùi giòn, sắc nước, ăn thơm ngon, được thị trường ưa chuộng, giá bán luôn cao hơn các giống nhãn khác, anh Phi quyết định lai tạo diện tích vườn nhãn còn lại. Đến nay, gia đình anh trồng thêm được hàng trăm gốc nhãn PH1, sản lượng không ngừng tăng.
Ngoài ra, anh còn nhân giống và bán cho khách hàng trong và ngoài huyện với giá 20.000 đồng/cây nhỏ, cây to có khi lên đến 200.000 - 500.000 đồng/cây. Đồng thời anh còn tư vấn kỹ thuật trồng giống nhãn PH1 cho những nông dân chưa có kinh nghiệm.
Chỉ tính riêng nguồn thu nhập từ nhãn trong những năm gần đây, trừ chi phí, gia đình anh bỏ túi hàng trăm triệu đồng/năm.
Về kỹ thuật trồng, chăm sóc giống nhãn PH1, anh cho biết: Khâu quan trọng nhất trong trồng nhãn là chọn giống, đòi hỏi người trồng phải am hiểu kỹ thuật cũng như cách xử lý cho cây ra hoa kết quả đúng thời vụ. Vấn đề đầu tiên nhà vườn cần quan tâm là phải chọn đất thịt nhẹ, độ pH phù hợp, đánh luống cao hơn khoảng 1m so với mặt nước thì cây mới bền, muốn cho năng suất cao thì không nên giữ quá nhiều quả. Lúc mới trồng tưới 2g lân + 1g đạm + 0,3g kali/cây, cứ 10 ngày tưới một lần để tập trung nuôi tán, duy trì việc này trong vòng 1 - 2 năm đầu, có thể bón thêm phân chuồng ủ hoai mục.
Sau khi trồng khoảng 3 năm, nhãn bắt đầu cho quả, mỗi đợt quả từ lúc ra hoa đến khi thu hoạch là khoảng 3 tháng. Trước và sau khi thu hoạch, cần phải bón thêm phân hóa học kết hợp phân hữu cơ để cây khỏe mạnh, nuôi quả tốt. Thời gian gần đây, qua học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước và sách báo, anh tiến hành kích thích cho cây ra hoa đậu quả trái vụ, rút ngắn thời gian phát tán của cây bằng cách tạo rễ phụ trên thân chính, nhờ đó, nhãn ra hoa nhanh, đều và đạt năng suất cao. Cũng theo anh Phi, muốn có giống nhãn chất lượng, điều quan trọng là phải tìm ra tổ hợp lai, công việc này có khi mất gần chục năm theo dõi cây, hiểu hết những đặc tính của nó, từ đó mới đưa ra cách cải tạo phù hợp.
Tuy nhiên, anh Phi cũng lưu ý bà con nên xử lý sao cho nhãn ra hoa và đậu quả theo khả năng của từng cây, tránh trường hợp để quá nhiều quả trên một gốc dễ làm mất dinh dưỡng và chất lượng quả không cao. Ngoài ra, người trồng cần thường xuyên cắt tỉa những nhánh cây già, không còn khả năng cho quả để tập trung nuôi dưỡng các nhánh khỏe và theo dõi, phòng ngừa dịch bệnh.
“Nhãn PH1 là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, mau cho thu hoạch. Mong muốn của tôi là có nhiều người trồng giống nhãn này và xây dựng vùng chuyên canh nhãn PH1 ở Hưng Yên”, anh Phi nói.
Với những thành công ban đầu, anh dự định mở rộng diện tích, đồng thời tận tình hướng dẫn kỹ thuật cho những ai muốn trồng giống nhãn PH1.
Nói về thành quả hôm nay, anh phấn khởi chia sẻ: “Báo Kinh tế nông thôn có vai trò như người dẫn đường cho tôi làm kinh tế, khi đọc những bài viết về các mô hình trên báo, nhất là về cây nhãn đã khơi dậy niềm đam mê, những sáng kiến mới trong tôi”.
Hiện tại, ngoài việc gắn bó với khu vườn, anh còn có một thói quen không thể bỏ là đón đọc báo Kinh tế nông thôn mỗi tuần, người “dẫn đường” và là “bí kíp” của anh trong phát triển kinh tế.
Anh chia sẻ thêm: “Những người làm vườn cần phải cập nhật thông tin, kỹ thuật và thị trường, từ đó nắm bắt tình hình, rút ra kinh nghiệm phù hợp với thực tiễn sản xuất. Vì vậy, việc đọc báo rất bổ ích”.
Giờ đây anh đã có một cơ ngơi vững chắc, gia đình hạnh phúc, con trai đầu đang theo học tại Trường Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh, con gái thứ học lớp 7. Chia tay anh, chúng tôi ấn tượng mãi với nụ cười rạng rỡ của một người đã trải qua bao thăng trầm, nhưng dám nghĩ, dám làm, vươn lên khẳng định chính mình. Chúc cho ước mơ về một vùng chuyên canh nhãn PH1 của anh sớm thành hiện thực.
Có thể bạn quan tâm
Theo nhận định của ngành chuyên môn và các nhà vườn, nếu chăm sóc tốt, thời tiết thuận lợi, năm nay nhãn vẫn đạt sản lượng khá.
Để xử lý cây ăn trái nghịch vụ với diện tích, quy mô lớn đòi hỏi áp dụng đúng biện pháp kỹ thuật, chú ý khả năng ra hoa của cây, tránh sử dụng hóa chất
Quy trình ghép đoạn chồi non áp dụng trong cải tạo vườn nhãn tạp. Quy trình áp dụng đối với vườn nhãn cũ, giống nhãn nước, trồng từ hạt, chất lượng quả thấp
Nhãn là cây ăn trái được phát triển mạnh trong những năm gần đây do hiệu quả kinh tế cao. Nhãn có tính thích ứng rộng, có thể trồng trên nhiều loại đất
Kỹ thuật trồng nhãn tím cũng không quá khó, để tự nhiên một năm cây cho thu hoạch 2 vụ và đây cũng là loại cây cho giá trị kinh tế cao