Biện Pháp Phòng Trừ Sâu Đục Thân Hại Mía
Theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ thực vật Khánh Hòa, tại vùng mía huyện Cam Lâm và thị xã Cam Ranh hiện có 5 loại sâu đục thân gây hại: sâu mình vàng (sâu đục mắt) hại mía mầm; sâu 4 vạch, sâu 5 vạch, sâu mình trắng, mình hồng gây hại lúc mía vươn lóng và chín.
Nguy hiểm nhất là sâu 4 vạch, 5 vạch, sâu mình trắng và mình hồng. Việc phòng trừ sâu đục thân rất khó khăn do sâu sinh sôi, nảy nở mạnh, lại trú ngụ trong thân cây và xuất hiện ở các giai đoạn phát triển khác nhau trên mía, cần áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp mới hiệu quả.
- Biện pháp canh tác: Thời vụ trồng thích hợp từ ngày 20-4 đến 15-6; không nên trồng sau 20-6; chỉ sử dụng những hom giống khỏe, đạt tiêu chuẩn, không có mầm mống sâu bệnh; diệt trừ cây ký chủ, cỏ dại, vệ sinh đồng ruộng sau thu hoạch; sử dụng giống ít mẫn cảm với sâu hại như: DLM 24, R 570, My 55-14, K 84-200, ROC 16, VN 84-4137, VN 85-1427, VN 85-1859…
- Biện pháp sinh học: Sử dụng côn trùng như kiến, ong ký sinh lên trứng sâu đục thân để giảm tỉ lệ xâm nhiễm; bảo vệ thiên địch trên ruộng mía, tạo cân bằng sinh học có lợi cho cây.
- Biện pháp hóa học: Trong phòng trị sâu đục thân trên cây mía không có loại thuốc đặc hiệu và có tác dụng lâu dài. Thường sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Diazinon với tên thương mại như Basudin 5G, 10G, rải lúc đặt hom với lượng 30kg/ha, có thể giảm tới 78,7% số mầm non bị hại và giảm 32,5% số cây bị sâu sau thời kỳ vươn lóng, khi mía lớn rải vào bẹ. Các loại Basudin 40 EC, 50 EC/ND… pha nước 0,2% xử lý ngâm hom 5 phút.
- Quy trình phòng trừ theo các giai đoạn:
+ Từ khi trồng đến kết thúc nảy mầm: Bón vào rãnh trước khi trồng Padan 4H, Kayazinon, Basudin 10G liều lượng 30kg/ha phòng trừ mối, bọ hung và các loại sâu đục thân…
+ Giai đoạn kết thúc mọc mầm đến vươn lóng: Rải hoặc phun cục bộ những đoạn mía bị hại hoặc có triệu chứng sâu mới xâm nhập (héo lá bên, lốm đốm trắng do sâu đục thân 4 vạch), dùng Padan 4H liều 10g/m hoặc phun Vibasu nồng độ 0,25%, Padan 95SP 0,8kg/ha; theo dõi phát hiện sớm các loại rầy chích hút, dùng Sumithion 50 EC 1 - 1,2 lít/ha hay Supracid 40ND 0,8 lít/ha phun đẫm lên ngọn mía trừ bọ rầy đầu vàng, bọ trĩ và một số đối tượng chích hút khác; cắt những cây bị sâu hại đã khô ngọn không có khả năng cho thu hoạch 2 lần/tháng.
+ Giai đoạn vươn lóng đến trước thu hoạch: Bóc lá khô, lá già, chặt cây khô do sâu bệnh, vệ sinh đồng ruộng; cắt mầm vô hiệu lúc mía trên 7 tháng 1 lần/tháng, nhặt sạch cỏ dại trên ruộng.
+ Sau thu hoạch: Phạt gốc thấp, phát quang bờ lô tránh sâu hại ẩn náu; luân canh cải tạo đất (trồng cây họ đậu 6 tháng đến 1 năm) khi kết thúc một chu kỳ mía.
Có thể bạn quan tâm
Sau khi thu hoạch xong phải tiến hành vệ sinh đồng ruộng ngay. Dùng cuốc, dao để bạt (phạt) sát đất những gốc cao; loại bỏ cây mầm, cây bị sâu bệnh hay cỏ dại
Nâng cao năng suất mía sẽ là chìa khóa giúp ngành mía đường Việt Nam gia tăng năng lực cạnh tranh, ổn định vùng nguyên liệu và đời sống người nông dân.
Sùng trắng là sâu non của bọ hung sống trong đất, cơ thể có dạng chữ C, thân to, mập, màu trắng sữa, bụng phình ra, có chân ở phần ngực.
Ruộng mía bị ấu trùng các loài bọ cánh cứng gây hại, năng suất có thể giảm từ 13 - 54%, chữ đường giảm từ 11 - 57%.
ĐBSCL rất thích hợp cho cây mía nhờ khí hậu nhiệt đới, có nhiều nắng và nhiệt độ cao gần như quanh năm (trung bình 27 độ C).