Trang chủ / Gia súc-Gia cầm / Nuôi lợn (Heo)

Bệnh Viêm Khớp Ở Lợn Do Streptococcus

Bệnh Viêm Khớp Ở Lợn Do Streptococcus
Ngày đăng: 16/07/2012

Bệnh làm ảnh hưởng đến chất lượng thân thịt khi xuất chuồng, gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi; đồng thời bệnh làm cho lợn tăng trọng kém và giảm số lượng lợn con sau cai sữa trong đàn.

Nguyên nhân: Streptococcus suis là vi khuẩn gram +, Streptococcus suis gây viêm khớp lợn cấp và mãn tính ở mọi lứa tuổi. Bệnh này thường gây ra trên lợn con 1 – 6 tuần tuổi, bệnh được phân loại như một phần của hội chứng "yếu khớp" kết hợp với viêm rốn.

Lây lan: Streptococcus suis có thể khu trú ở amidan của gia súc khỏe, khi gặp điều kiện môi trường thuận lợi như: lợn trong tình trạng stress, nhiệt độ môi trường thay đổi thất thường làm giảm sức đề kháng lợn…lúc này dễ dàng phát bệnh. Mầm bệnh được tiết ra từ dịch âm hộ, dịch đường hô hấp và sữa lợn mẹ. Các vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể heo con bằng đường rốn, vết thương ngoài da.

Triệu chứng: Bệnh xảy ra lẻ tẻ, tỷ lệ mắc bệnh từ 10- 20%. Bệnh thường xảy ra ở lợn 1- 6 tuần tuổi.

Thể quá cấp tính: Gây chết lợn rất nhanh, lợn sốt rất cao, bỏ ăn, lờ đờ, suy yếu. Lợn thể hiện triệu chứng thần kinh như mất thăng bằng, liệt, đi lại khập khiểng, uốn người ra sau, run rẩy, co giật, què. Lợn có thể bị mù, điếc. Lợn có hiện tượng viêm màng não gây tụ máu não, màng não, dịch não, tủy nhiều và có màu đục.

Thể cấp tính: Đặc trưng bởi sốt, lông da sởn lên, suy nhược và què. Khi bệnh tiến triển, lợn bệnh có thể sút cân, các khớp bị nhiễm sưng to. Một hoặc vài khớp có thể bị tổn thương, các khớp chân trước và sau, mắt cá chân thường sưng phồng lên. Bệnh làm cho lợn đau đớn không thể di chuyển được, hạn chế khả năng đi lại để bú của lợn con.

Thể mãn tính: Lợn bệnh còi cọc và bị viêm khớp mãn tính suốt đời. Các khớp bệnh chứa nhiều dịch khớp đục với các cục sợi tơ huyết (fibrin). Các màng sưng phồng, mất màu và tấy đỏ. Các mô liên kết bọc xung quanh mô dày lên và có thể chứa các ổ mủ nhỏ (áp xe). Khi bệnh trở thành mãn tính có thể làm tổn thương sụn khớp. Các bệnh tích cũng có thể thấy trong sự phát triển của các khúc xương.

Các dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân khác cũng có thể thấy trong bệnh viêm khớp do Streptococcus suis.

Phòng và trị bệnh :

Phòng bệnh: Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, định kỳ phun thuốc sát trùng để diệt mầm bệnh trong môi trường chăn nuôi, có thể sử dụng: Vimekon (pha 100gr với 20 lít nước) hay Vime-Iodine (pha 15 – 20 ml/4 lít nước) phun khắp chuồng, định kỳ 3 – 4 tuần sử dụng 1 lần.

- Hạn chế tối đa các yếu tố làm giảm sức đề kháng của lợn: thay đổi thức ăn, môi trường nuôi đột ngột, chuyển đàn, nuôi nhốt quá chật, điều kiện vệ sinh thông thoáng kém…

- Cho lợn ăn đầy đủ dưỡng chất, thường xuyên cung cấp vào thức ăn các dưỡng chất giúp cân bằng khẩu phần, hạn chế suy dinh dưỡng như: Vime – Amino: 100gr/20kg thức ăn; Vimix plus: 100gr/120 lít nước, dùng hàng ngày; Biotin H AD: 100gr/100kg thức ăn.

Trị bệnh: Trong bệnh viêm khớp do Streptococcus suis ở lợn con, điều trị sớm sẽ rất hiệu quả. Điều trị đúng liệu trình giúp heo hồi phục tốt hơn, có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau liên tục 3 – 5 ngày: Kampico: 1ml/4kg thể trọng; Procain Penicillin: 1ml/10kg thể trọng; Colamp: 1ml/10kg thể trọng. Kết hợp Ketovet: 1ml/15kg thể trọng/ngày nhằm giảm đau, hạ sốt cho lợn.

Nên bổ sung tiêm Vimekat: 1ml/5kg thể trọng, lặp lại sau 4 – 5 ngày giúp tăng cường trao đổi chất giúp heo mau hồi phục sau bệnh.


Có thể bạn quan tâm

Phòng Bệnh Đường Hô Hấp Ở Lợn Phòng Bệnh Đường Hô Hấp Ở Lợn

Trong điều kiện thời tiết ở Việt Nam đặc biệt là ở miền Nam thì heo thường bị bệnh đường hô hấp vào lúc chuyển mùa từ nắng sang mưa chẳng hạn như trong khoảng tháng 4 và 5; từ mưa sang nắng vào tháng 11 trở đi hoặc là sau mùa lũ; khi thời tiết lạnh lúc đó vi sinh vật ở trong vùng hầu của heo có thể bộc phát gây bệnh hay vi sinh vật từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể heo qua đường hô hấp từ đó gây bệnh đường hô hấp trên heo.

14/08/2013
Lợn Con Chết Khi Sinh Lợn Con Chết Khi Sinh

Ngoài ra còn có nhiều hiện tượng bất thường khác cũng cần phải lưu tâm như thai chết lưu, hoặc chết trước khi sinh mặc dù bề ngoài không khác gì những con lợn khác. Để kiểm chứng chết trước hoặc sau khi sinh thì chỉ cần cắt một miếng phổi của lợn đặt vào trong chậu nước, nếu nổi nghĩa là không phải chết trong bụng mẹ mà chết sau khi sinh.

20/08/2013
Những Điều Cần Biết Về Bệnh Liên Cầu Khuẩn Trên Lợn Những Điều Cần Biết Về Bệnh Liên Cầu Khuẩn Trên Lợn

Người có nguy cơ dễ nhiễm bệnh từ lợn gồm: người làm việc ở trại chăn nuôi lợn, giết mổ gia súc, cán bộ thú y, người ăn tiết canh lợn hoặc ăn thịt lợn ốm chết.

27/08/2013
Một Số Biện Pháp Biện Pháp Can Thiệp Khi Lợn Nái Đẻ Khó Và Lợn Con Bị Ngạt. Một Số Biện Pháp Biện Pháp Can Thiệp Khi Lợn Nái Đẻ Khó Và Lợn Con Bị Ngạt.

Khi lợn nái mang thai ở giai đoạn cuối người chăn nuôi nên chú ý để có biện pháp xử lý kịp thời khi lợn trong tình trạng khó đẻ như vậy sẽ tránh được những thiệt hai đáng kể về kinh tế. Dưới đây là một số biện pháp can thiệp thông thường khi lợn nái đẻ khó và lợn con bị ngạt.

28/08/2013
Khi Lợn Chửa Đẻ Quá Ngày Khi Lợn Chửa Đẻ Quá Ngày

Thời gian mang thai của lợn biến động từ 102-128 ngày. Vượt quá giới hạn trên được gọi là lợn chửa đẻ quá ngày và tất cả những trường hợp có chửa vượt quá giới hạn đó đều cần phải can thiệp.

30/08/2013