Bệnh Vàng Lá Trên Cây Cao Su Bùng Phát Mạnh
“Tháng 9/2010, nông dân trồng cao su ở Tánh Linh (Bình Thuận) từng điêu đứng khi lần đầu tiên đối mặt với bệnh vàng lá. Đến tháng 5/2011, bệnh vàng lá lại một lần nữa xuất hiện sớm hơn so với dự kiến và có khả năng dịch bệnh sẽ lan rộng trên nhiều diện tích trồng cao su của huyện vào tháng 8, 9 tới”, ông Đào Danh Lan – Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Tánh Linh cho biết.
Nguyên nhân của bệnh vàng lá
Từ tháng 5/2011, bà con trồng cao su ở một số xã như Gia Huynh, Suối Kiết, Gia An, Đức Phú, Đức Tân đã xôn xao khi phát hiện vườn cao su nhà mình bị vàng lá. Sau nhiều ngày nắng nóng xen lẫn những cơn mưa, thời tiết thất thường làm vườn cao su của nhiều bà con bắt đầu có hiện tượng vàng lá, phát sinh nấm bệnh. Năm 2010, bệnh vàng lá đã bùng phát mạnh trên 2000 ha cao su toàn huyện (trong đó 500 ha thuộc Công ty Cao su Bình Thuận), làm giảm năng suất mủ, thiệt hại kinh tế của bà con. Anh Lan cho biết thêm: “Hơn 70% diện tích trồng cao su của huyện Tánh Linh đều sử dụng dòng RRIV 4, trong khi bệnh lại phát triển mạnh ở dòng này, nên trạm BVTV huyện đã khuyến cáo bà con không nên tiếp tục trồng loại cao su này, tránh thiệt hại kinh tế”. Chỉ tay vào vườn cao su đang trong độ tuổi khai thác, anh Thanh - xã Gia An than thở: “Vườn cây cao su của tôi đang xanh tốt tự nhiên lại bị rụng nhiều lá. Lúc đầu bệnh chỉ xuất hiện diện tích nhỏ, sau đó thì lan rộng dần. Đến nay không riêng gì vườn cao su của tôi mà nhiều vườn cao su khác xung quanh cũng đang phải hứng chịu loại bệnh này. Cái thiệt hại trước mắt là năng suất mủ năm nay giảm đáng kể”.
Biểu hiện của bệnh vàng lá trên cây cao su
Được biết, bệnh vàng lá (nấm corynespora) xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1930 ở Sri Lanka, ở Việt Nam vào năm 1999 và phát bệnh ở Tánh Linh vào năm ngoái. Bệnh do nấm bệnh tấn công làm cho lá vàng theo hình xương cá đối với lá già, và làm quăn queo lá non, các vết bệnh sẽ liên kết nhau gây rụng lá chỉ trong thời gian ngắn (1 tuần). Bệnh thường xảy ra khi trên vườn cao su có độ ẩm và nhiệt độ cao. Đây là bệnh lây lan nhanh nếu gặp điều kiện thuận lợi. Thêm vào đó, cao su có lịch cạo dày đặc, điều này cũng làm giảm sức đề kháng của cây. Bệnh này sẽ làm giảm 50% sản lượng mủ, nếu như bà con tiếp tục khai thác mủ như bình thường lâu dần sẽ dẫn đến tắt mủ; trường hợp nặng sẽ gây chết cây.
Nguy cơ dịch bùng phát mạnh
Hiện nay, trên toàn huyện có khoảng 200 ha/17.900 ha cây cao su bị nhiễm bệnh, trong đó có khoảng 80 ha đang trong độ tuổi khai thác, chủ yếu tập trung ở xã Gia An. Bước đầu dịch bệnh đã được khống chế do ngành chức năng của huyện đã chủ động tập huấn và tuyên truyền cho bà con cảnh giác với loại bệnh mới. Từ đầu năm đến nay, Trạm BVTV huyện đã tổ chức 12 lớp tuyên truyền cho nông dân cách phòng và trị bệnh vàng lá ở các xã Gia An, Suối Kiết, Đức Tân và thị trấn Lạc Tánh. Trước thực trạng này, nhiều bà con hết sức lo lắng khi bệnh bùng phát chỉ trong một tuần, nếu không phát hiện và xử lý kịp thời thì thiệt hại kinh tế không phải là nhỏ. Ông Đào Danh Lan khuyến cáo: “Bệnh vàng lá trên cây cao su vẫn chưa có thuốc đặc trị. Bệnh này xảy ra chủ yếu trên lá, do đó kèm theo việc phun thuốc hóa học, bà con cần chôn đốt lá có bệnh, cắt tỉa bớt những cành tán thấp. Đặc biệt, cây cao su bị nấm bệnh nên sản lượng gỗ kém, bà con cần ngưng cạo, hoặc chuyển từ chế độ cạo D1 (cạo hàng ngày), D2 (cạo cách ngày) sang D3 (1 ngày cạo, 2 ngày nghỉ)”.
“Đến thời điểm này, bệnh đã được khống chế, nhưng với thời tiết mưa nắng thất thường, nấm bệnh lại dễ lây lan, nguy cơ dịch bùng phát mạnh vào tháng 8, 9 tới là khó tránh khỏi. Do đó, bà con cần thường xuyên quan sát cây cao su, nếu có biểu hiện của bệnh thì xử lý ngay. Đặc biệt 400 ha cao su vùng Tà Pứa có khả năng sẽ xuất hiện bệnh trước. Vì trước đây, dịch phấn trắng trên cao su và bệnh thối đen đầu lá đã xuất hiện tại xã Đức Phú. Tuy nhiên, bà con chủ quan ít xử lý vì bệnh chưa gây chết cây. Do đó, hầu hết diện tích cao su ở Tà Pứa đều trơ cành, đang trong giai đoạn thay lá mới, nên nấm bệnh có thể sẽ tấn công đầu tiên vì khả năng kháng bệnh trên cao su ở vùng này yếu hơn”, ông Lan cho biết thêm.
* Biện pháp phòng và trị bệnh vàng lá trên cao su:
- Chăm sóc, bón đủ phân, tăng hàm lượng Kali 20 – 30% so với quy trình.
- Xử lý thuốc bảo vệ thực vật trị vàng lá như: Anvil 5sc, Tilt Super 300ec, Amistartop 325sc.
- Nếu bệnh xuất hiện ở mặt dưới lá: pha 3 lít Anvil 5sc với 1000 lít nước, phun xịt cho 1 ha.
Có thể bạn quan tâm
Cây ca cao có mặt ở TP. Mỹ Tho từ trước năm 1980, lúc bấy giờ do khâu chế biến còn hạn chế và thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, nên hiệu quả kinh tế không cao. Nhiều hộ nông dân ở thành phố đã đốn bỏ cây ca cao và trồng các loại cây ăn trái khác
Ngày 29/2, ông Hồ Văn Ngưm - Trưởng phòng NN-PTNT huyện A Lưới (TT- Huế) cho biết, vài tháng trở lại đây khoảng hơn 40 ha cao su của hàng chục hộ dân ở xã A Roàng bị loài thú lạ về cắn phá gây chết cây trên diện rộng.
Trong những năm gần đây, phong trào trồng xen cây cacao trong vườn dừa, vườn cây ăn trái trên địa bàn huyện Bình Đại, theo dự án phát triển 10.000 ha cacao của tỉnh Bến Tre, được nhiều nông dân hưởng ứng. Ông Phạm Văn Răng, ở ấp Vinh Xương, xã Vang Quới Đông (Bình Đại - Bến Tre) đã trồng thành công cây cacao trên vùng đất phù sa nhiễm mặn cách đây 3 năm.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm chiều ngày 24/4, tại Hà Nội, ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y nhấn mạnh dịch lợn tai xanh đang có nguy cơ lan ra diện rộng, vì vậy các địa phương cần cảnh giác phòng chống dịch bệnh hiệu quả.
Thực hiện Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015, định hướng đến năm 2020, Bộ Công Thương đã xây dựng thí điểm mô hình tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp ở 12 tỉnh, thành trong cả nước