Bệnh Tụ Huyết Trùng Trâu, Bò
Bệnh tụ huyết trùng trâu, bò là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Pasteurella gây ra với đặc điểm tụ huyết và xuất huyết ở những vùng da trên cơ thể. Bệnh gây ra ở trâu, bò trưởng thành.
Vi khuẩn có sức đề kháng cao, tồn tại lâu ở chuồng trại và đất ẩm thiếu ánh sáng, trong giếng nước bẩn có chứa nhiều chất hữu cơ. Trong nền chuồng trại vi khuẩn có thể sống được từ vài tháng đến 01 năm.
Bệnh thường xảy ra quanh năm ở các vùng nóng ẩm, nhưng thường tập trung vào mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 9, lúc khí hậu nóng ẩm và những lúc giao mùa thời tiết thay đổi đột ngột, sức đề kháng gia súc bị suy nhược.
Ở nước ta trâu mắc bệnh nhiều và nặng hơn bò. Trâu thường chết do bệnh thể quá cấp. Gia súc non đang bú mẹ ít mắc bệnh hơn gia súc trưởng thành. Gia súc 2-3 tuổi dễ mắc bệnh hơn gia súc già.
Triệu chứng:
- Thể quá cấp tính: con vật đột nhiên lên cơn sốt cao 41-42oC và trở nên hung dữ điên loạn đập đầu vào tường, có thể chết trong 24 giờ. Một số gia súc non có triệu chứng thần kinh: giãy giụa rồi ngã xuống đất chết. Có khi con vật đang ăn cỏ bổng chạy lồng lên, run rẩy, ngã xuống và lịm đi.
- Thể cấp tính: thời gian nung bệnh từ 1-3 ngày, con vật không nhai lại mệt lả bứt rứt, sốt cao 40-42oC. Các niêm mạc mắt mũi đỏ sẫm rồi tái xám. Nước mũi chảy liên tục. Các hạch lâm ba đều sưng, đặc biệt hạch lâm ba dưới hầu sưng rất to, làm con vật lè lưỡi ra, thở khó. Hạch lâm ba trước vai, trước đùi sưng, thủy thủng làm con vật đi lại khó khăn.
Con vật thở mạnh và khó khăn do viêm màng phổi, tràn dịch màng phổi, tụ huyết và viêm phổi cấp.
Một số gia súc có triệu chứng ở đường ruột: lúc đầu phân táo bón, sau tiêu chảy dữ dội, phân có lẫn máu và niêm mạc ruột. Bụng chướng hơi do viêm phúc mạc và có tương dịch trong xoang bụng.
Giai đoạn cuối con vật nằm liệt, đái ra máu, thở rất khó khăn, có nhiều chấm xuất huyết đỏ sẫm ở các niêm mạc. Bệnh tiến triển 3-5 ngày, tỷ lệ chết từ 90-100%.
- Thể mãn tính: con vật thể hiện viêm ruột mãn tính, lúc tiêu chảy, lúc táo bón, viêm khớp làm con vật đi lại khó khăn. Viêm phế quản và viêm phổi mãn tính. Bệnh tiến triển trong vài tuần, các triệu chứng nhẹ dần nhưng con vật thường gầy rạc và chết do kiệt sức.
Bệnh tích:
- Tụ huyết và xuất huyết ở niêm mạc mắt, mồm, mũi và tổ chức dưới da. Thịt màu tím hồng thấm nhiều nước.
- Hệ thống hạch lâm ba sưng to, thủy thủng và xuất huyết rõ nhất là hạch hầu, hạch vai và hạch trước đùi.
- Tim sưng to trong xoang bao tim, màng phổi, xoang ngực và xoang bụng tích nhiều nước vàng. Phổi viêm gan hóa từng đám.
- Nếu con vật bệnh thể đường ruột thì chùm hạch ruột sưng to, có xuất huyết, niêm mạc ruột tụ huyết, xuất huyết nặng và niêm mạc ruột bị tróc ra.
Phòng bệnh:
- Khi có bệnh xảy ra phải báo ngay cho chính quyền địa phương. Gia súc chết không được mổ thịt mà phải đem chôn cùng với vôi bột. Toàn bộ chuồng trại và môi trường xung quanh phải tẩy uế, đốt rác bẩn. Khi ủ phân phải trộn vôi bột để diệt mầm bệnh.
- Phòng bệnh bằng vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò 02 lần một năm.
- Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng nhất là trong lúc giao mùa nắng – mưa.
Điều trị:
- Do đặc điểm của bệnh thường xảy ra ở thể quá cấp tính và cấp tính nên cần phải phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì mới có kết quả cao.
- Dùng kháng huyết thanh chống bệnh tụ huyết trùng trâu, bò tiêm dưới da trâu, bò 60-100ml, bê nghé 20-40ml.
- Khi bệnh xảy ra nên nhốt trâu, bò ở chỗ mát, thoáng và dùng thuốc điều trị như sau: Vime-sone, Tylovet, Streptomycine, Kanamycin, Oxytraxylin, Gentamycin, Doxyvet – LA, ….
- Ngoài ra nên kết hợp với các loại thuốc trợ sức và thuốc bổ để tăng sức đề kháng để con vật mau lành bệnh như: Na campho, B complex, Vitamin C,…
Có thể bạn quan tâm
Trong chăn nuôi trâu, bò thường gặp bệnh liệt dạ cỏ nếu không được điều trị trâu bò sẽ yếu dần và dẫn đến tử vong.
Bệnh ngã nước ở trâu bò mà nông dân thường gọi là bệnh do ký sinh trùng do một loài vi sinh vật ký sinh trong máu gây ra, có tên là tiêu mao trùng (còn gọi là Xura).
Khác với bò và một số loài gia súc khác, thời gian mang thai của trâu thường dao động trong khoảng 358-365 ngày, trung bình là 360 ngày nên việc theo dõi được tốt sẽ giúp ích cho việc đỡ đẻ cho trâu được kịp thời và an toàn.
Tuổi của trâu là một tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng quan trọng của một con trâu, tuy nhiên thật khó để xác định tuổi của chúng và nhiều người vẫn bị lầm lẫn. Căn cứ vào quy luật mọc răng, thay răng và mức độ mòn của răng (đối với răng cửa hàm dưới) người ta có thể biết được tuổi trâu.
Là mô hình nuôi nhốt kiểu mới, song chuồng trình tường (còn gọi là chuồng đất nện) đang mang lại hiệu quả, được đồng bào vùng cao Lào Cai xem như “bảo bối” để bảo vệ đàn gia súc của họ trước mỗi mùa rét.